Nhiều ngày qua Quàng Thị Xuân (áo trắng) đi lang thang dọc bờ suối, xuôi xuống bản dưới để tìm kiếm bố và anh trai. Lúc tuyệt vọng, em ngồi ngay ở bên vệ đường. Xuân không còn khóc được nữa - Ảnh: D.L |
Sau gần một tuần nỗ lực tìm kiếm anh Quàng Văn Năm và con trai mất tích, sáng 8-8 cả thôn bản Hốc (xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đưa máy xúc về lại vị trí căn nhà bị nước lũ vùi lấp mong tìm kiếm được thi thể của họ.
Cạnh đó, con gái của anh Năm là em Quàng Thị Xuân (15 tuổi) đặt tạm bát hương và khấn xin bố, anh trai mau sớm về với gia đình.
Lang thang tìm bố, tìm anh
Đến xã Nặm Păm dường như chỉ nghe tiếng khóc và nỗi đau tê tái của người dân mất nhà cửa, ruộng nương, mất người thân trong đêm lũ kinh hoàng 2-8. Trên đường đi vào sâu trong bản, chúng tôi gặp cô bé Quàng Thị Xuân liên tục gọi khóc tìm bố, tìm anh.
Người thân, làng xóm cũng đi tìm, chỉ mong tìm được bố và anh trai Xuân bị mất tích trong cơn lũ dữ. Ai cũng nghĩ họ đang bị vùi lấp ở đâu đó ở trong đống đổ nát kia, để tìm được họ không phải dễ dàng gì vì đã một tuần trôi qua…
Xuân cứ đi xuôi xuống, gặp ai cũng hỏi có thấy bố và anh trai ở đâu không? Người lắc đầu, người động viên mẹ con em cố gắng vượt qua. Nhà bị nước lũ cuốn trôi, bố và anh trai mất tích, mẹ lúc tỉnh lúc mê, nhà chỉ còn Xuân nên em nói phải tìm được bố, tìm được anh. Có những hôm chẳng thiết ăn uống gì, nhưng nghĩ đến người thân đang mất tích, Xuân lại vực dậy ăn thật no để lấy sức đi tìm tiếp.
“Sau lũ, cuộc sống của mẹ con em rất khó khăn. Mất nhà cửa, chú họ lập lán tạm cho mẹ con ở nhờ. Trước kia có bố và anh trai, giờ không còn ai kiếm tiền lo cho em đi học nữa. Mất bố, mất anh trai, em thực sự tuyệt vọng, chỉ ước gì thời gian có thể quay lại”, Xuân nghẹn ngào.
Xuân kể, trước đây gia đình khá giả chứ không sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” như bây giờ. Xuân học khá lắm, cả làng ai cũng khen con Xuân và thằng anh Nhợp học được nhất trong làng.
Ở nhà ngoài việc học, Xuân ngoan ngoãn giúp mẹ làm việc nhà, thỉnh thoảng lên rừng kiếm măng về bán, có ngày em kiếm được 30.000 - 40.000 đồng thêm dặm cho kinh tế gia đình. Nhưng giờ ở Nặm Păm đâu đâu cũng mất nhà, mất cửa nên con đường phía trước của hai mẹ con đang mịt mờ.
Hỏi Xuân có nghĩ gì về con đường học phía trước, em nói sẽ cố gắng học xong lớp 12, sau đó đăng ký thi vào ngành Y. “Bố cũng muốn em học Y vì anh trai của em hay bị ốm, có khi lại đau bụng, nếu trở thành bác sĩ thì em có thể chữa bệnh cho người nhà của mình”, Xuân tâm sự.
“Mong tìm được nó, về làm ma cho nó”
Đến sáng 8-8, cả bản Hốc tập trung ở vị trí ngôi nhà cũ của em Xuân, gọi máy cẩu vào tìm kiếm thi thể của hai bố con. Sau những ngày tìm kiếm ở dọc bờ suối, hạ lưu sông Đà, người dân đoán rằng có thể nước lũ đã vùi lấp bố con họ ngay tại vị trí này. Song suốt buổi sáng tìm kiếm, đào sâu tận 3m đất vẫn chưa thể tìm kiếm được người.
Ông Tòng Văn Biên (thôn bản Hốc) nhớ lại: “Nếu hôm lũ mà vào ban ngày thì không sao, nhưng ban đêm nó (anh Năm - PV) chẳng có đường ra. Nó thoát ra được một lần rồi, nhưng quay trở lại nhà vì nhớ còn tiền tích cóp bao năm nay để dựng nhà, rồi lấy thêm đèn pin soi đường. Ai ngờ nước lũ ập xuống, cuốn trôi bố con nó”.
Còn ông Quàng Văn Pâng (63 tuổi, thôn bản Hốc) đau lòng nói: “Nếu trời không làm, suối không cuốn nó thì sắp tới nó sẽ xây nhà mới. Nó đi lính về mà, chăm chỉ làm lắm. Từ ngày nó mất tích, cả làng đi tìm. Chỉ mong tìm được nó, về làm ma cho nó thôi”.
Đáng thương hơn là em Quàng Văn Nhợp - anh trai của Xuân vừa hoàn thành xong kỳ thi THPT Quốc gia, bằng tốt nghiệp, giấy báo điểm vừa đưa về nhà. Ước mơ còn dang dở thì cả người, cả giấy báo đã bị nước lũ cuốn trôi.
Nhà mất, cơm không có ăn, áo chẳng có mặc, quần áo trên người Xuân bây giờ là hàng cứu trợ do các nhà hảo tâm thương tình mang cho. Xuân nghẹn ngào: “Em chẳng cần gì hết, em chỉ mong bố và anh về với mẹ con em”.
Ông Quàng Văn Loa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nặm Păm cho biết tất cả mọi người nỗ lực tìm kiếm người mất tích, đến nay đã một tuần trôi qua. Sau lũ, gia đình Xuân không có nhà nên ở tạm lán ven đường, chỉ mong làm được nhà cửa cho hai mẹ con Xuân.
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận