Những quảng cáo, rao cho thuê mặt bằng xuất hiện ngày càng nhiều trên đường Hai Bà Trưng, TP.HCM (ảnh chụp chiều 17-8) - Ảnh: QUAN G ĐỊNH
Các chuyên gia dự báo thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ không thể hồi phục ngay lập tức và phải phụ thuộc vào nhiều ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch.
Nhưng ngành du lịch xác định khó khăn sẽ kéo dài hết năm 2020 do diễn biến dịch vẫn rất khó lường, thị trường vẫn tuân thủ giãn cách, cấm biên giữa các quốc gia.
Hoạt động bán lẻ vì thế cũng sẽ không thể hồi phục trong thời gian ngắn, trước mắt là đến hết năm 2020, do đó giá thuê mặt bằng tiếp tục đứng trước áp lực giảm hoặc để trống còn rất lớn.
Giảm giá để còn gắn bó lâu dài
Dù Cần Thơ chưa thực hiện cách ly xã hội nhưng lo ngại người thuê khốn khó nên nhiều chủ mặt bằng tiếp tục lên tiếng giảm tiền cho thuê nhằm chia sẻ khó khăn với người thuê.
Chị Uông Phạm Kim Nga, có mặt bằng cho thuê kinh doanh thời trang cao cấp trên đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều), cho biết đợt trước đã giảm giá 50% cho khách thuê, từ tháng 8-2020 chị Nga tiếp tục giảm 10 triệu đồng/tháng cho người thuê đến hết năm.
Tương tự, với mặt bằng cho thuê làm salon tóc trên đường Võ Thị Sáu, quận Ninh Kiều, chị tiếp tục giảm 3 triệu đồng/tháng đến cuối năm.
"Việc kinh doanh của người thuê mặt bằng chưa trở lại như trước, vì vậy tiếp tục giảm tiền thuê vừa chia sẻ khó khăn cũng là để người thuê gắn bó lâu dài với mình" - chị Nga chia sẻ.
Anh Trịnh Thành Trung - chủ chuỗi cửa hàng thời trang trẻ em - cho biết được giảm giá từ 10-50% tiền thuê mặt bằng đợt vừa rồi, đợt này, anh chưa đề nghị giảm giá thuê nhưng sẽ đẩy mạnh bán online để bù đắp lại kênh bán hàng truyền thống ngày càng suy giảm.
Căn nhà 2 lô mặt tiền đường Điện Biên Phủ, TP Đà Nẵng, treo biển cho thuê - Ảnh: TẤN LỰC
Càng giữ, càng lỗ
"Đáng ra tôi nên trả mặt bằng sớm, cắt lỗ từ đầu thì sẽ không ăn dần vào tiền dành dụm.
Chủ nhà có đồng ý giảm giá cho thuê mặt bằng 20% nhưng theo 3 tháng 1 chứ không dài hạn, điều này cũng khó cho những doanh nghiệp nhỏ" - chủ một nhà hàng kinh doanh ẩm thực Nhật trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM) chia sẻ về quyết định đóng cửa sau 5 năm gắn bó.
Ông Mai Trường Giang, chủ hệ thống gà rán Otoké, cho biết từ đợt dịch đầu năm các chuỗi cửa hàng đều tạm ngưng kế hoạch mở nhà hàng, những điểm kinh doanh không hiệu quả cũng chủ động đóng bớt.
Giá thuê nhà có giảm 20-30% nhưng nhiều đơn vị cũng không thuê vì rủi ro rất cao. Theo các doanh nghiệp, dù giá cho thuê mặt bằng đã được hỗ trợ giảm trong đợt dịch thứ nhất nhưng sau đó tăng vọt trở lại rất nhanh, đặc biệt trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 7, khi VN kiểm soát dịch đợt thứ nhất khá tốt.
Thực tế thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành bán lẻ, kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống (F&B) đã xin miễn hoặc giảm 30-50% tiền mặt bằng vì doanh thu giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch.
Ông Hoàng Tùng, CEO chuỗi Pizza Home, cho biết với một số mặt bằng chủ nhà giảm giá khoảng 30%, nếu kinh doanh khả quan thì doanh nghiệp vẫn mạnh dạn mở rộng. Tuy vậy, những mặt bằng đẹp giá tốt như vậy không có nhiều.
Theo Công ty Savills, đại dịch COVID-19 khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh.
Rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa có kinh doanh giảm sút phải đóng cửa. Nhà phố tại khu vực trung tâm phụ thuộc vào thương mại, du lịch bị hoàn trả do ảnh hưởng nặng nề của hạn chế đi lại giữa các quốc gia cùng với sự trở lại của việc xây dựng tuyến metro.
Khảo sát gần đây của Savills cho thấy các khách thuê tiềm năng đang tìm kiếm ưu đãi giảm giá thuê lên tới 40% so với cuối năm trước là giảm 20%.
Thực tế dù diện tích trống mặt bằng bán lẻ bao gồm trong trung tâm và ngoài trung tâm có nhích nhẹ nhưng giá thuê mặt bằng trong quý 1-2020 gần như không biến động nhiều so với cuối năm ngoái, khoảng 49 USD/m2 cho mặt bằng ngoài trung tâm và 130 USD/m2 trong trung tâm nội thành.
Thực tế giá thuê mặt bằng ổn định vì VN có đợt một chống dịch khá thành công, đem lại triển vọng tích cực về kinh tế.
Đại diện một chuỗi siêu thị lớn ở TP.HCM cho biết ngay khi dịch được khống chế, hệ thống triển khai tìm kiếm mặt bằng mới, mở rộng chuỗi nhưng giá thuê không hề giảm. Giá thuê mặt bằng trong các khu dân cư đông đúc vùng ven còn có xu hướng nhích nhẹ do người dân chọn mua sắm gần nhà, ngại đi xa.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết nhờ chủ động cắt giảm mặt bằng sớm, chuyển đổi lên bán hàng trực tuyến nên đã giảm lỗ đáng kể trong đại dịch vừa qua.
Ông Mai Trường Giang cho biết bên cạnh duy trì một số điểm bán hiệu quả, chuỗi ẩm thực của ông đang dần dần chuyển lên bán trực tuyến trên các ứng dụng gọi món, bán hàng qua điện thoại... và tình hình khá tốt.
"Tôi nghĩ đây là xu hướng tất yếu khi dịch còn kéo dài, những quy định về giãn cách xã hội, sắp xếp lại môi trường làm việc để chuyển sang làm việc từ nhà, học trực tuyến ngày càng phổ biến hơn. Hành vi tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều", ông Giang nói.
* Bà Võ Thị Khánh Trang (trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường TP.HCM Công ty Savills Việt Nam):
Tìm sự cảm thông
Hiện nay, ngoại trừ một số dịch vụ buộc phải đóng cửa phòng dịch, phần lớn các DN vẫn còn hoạt động, doanh thu giảm chứ chưa mất hẳn nguồn thu.
Do đó, việc chủ nhà chia sẻ với người thuê các nhà phố chủ yếu qua đàm phán dựa trên tình cảm, đòi hỏi sự thông cảm với nhau nhiều hơn là trên cơ sở hợp đồng để có hướng giảm giá thuê mặt bằng trong ngắn hạn.
Còn với những chủ mặt bằng chưa có người thuê, cũng có thể giảm giá trong ngắn hạn để có người thuê bù đắp lại thay vì để mặt bằng trống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận