Tất nhiên, vẫn còn có các mặt bằng neo giá cao nên phải để trống hai năm qua.
Vài tháng, thuê thêm 100 mặt bằng
Hàng loạt vị trí "vàng" ở các ngã ba, ngã tư tại các quận trung tâm TP.HCM vừa được thay áo mới bởi các doanh nghiệp (DN) tái hoạt động.
Tại mặt bằng ở ngã tư Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng (quận 1), sau khi chuỗi kinh doanh balô trả mặt bằng và để trống một thời gian, nay hệ thống kinh doanh thời trang trẻ em đã nhanh chân thế chỗ, khiến góc đường này sáng sủa trở lại.
Tương tự, con đường ẩm thực Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hiện không còn cảnh hàng quán xơ xác như trước, nay đã cơ bản lấp đầy bởi các thương hiệu ẩm thực.
Địa chỉ 206 và 208 Phan Xích Long, sau thời gian dài treo biển cho thuê thì nay được tái sử dụng bởi doanh nghiệp kinh doanh thức ăn Hàn Quốc và doanh nghiệp bán trà sữa Đài Loan. Đối diện, một căn nhà cao tầng cũng được một chuỗi kinh doanh karaoke thuê.
Còn ở đường Hồ Tùng Mậu (quận 1), một số mặt bằng đẹp cũng được các doanh nghiệp nhanh tay thuê mới. Trong đó, một chuỗi kinh doanh ẩm thực đã chuyển cửa hàng sang mặt bằng đối diện với vị trí đẹp hơn, giá thuê còn hơn 100 triệu đồng/tháng thay vì 200 triệu đồng như trước.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại diện một chuỗi bán lẻ cho hay do nguồn cung mặt bằng hiện dồi dào nên từ tháng 10 năm ngoái đến nay hệ thống này đã mở mới hơn... 100 cửa hàng ở TP.HCM với giá cho thuê giảm trung bình 15% so với trước dịch.
Giá vẫn neo cao, chủ nhà tung "gói" hỗ trợ
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ, tuy nhiều chủ nhà đã đưa ra các chính sách hỗ trợ song nói chung giá cho thuê vẫn neo cao, nhất là các cung đường trung tâm của TP. Tại đường Nguyễn Huệ, căn nhà 3 lầu (ngang 4m, dài 26,5m) được chủ nhà muốn cho thuê với mức giá 15.000 USD/tháng (hơn 340 triệu đồng).
Đường Ngô Đức Kế (đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến đường Nguyễn Huệ) chỉ dài vài trăm mét, có 23 căn nhà song có đến 10 căn đang trống khách thuê, nhiều căn trống đến hai năm. Các căn này cho thuê với giá thấp nhất cũng 8.000 USD/tháng.
Để giảm thời gian để trống, nhiều chủ nhà tu bổ lại mặt bằng, hỗ trợ và giảm giá thuê thời gian đầu. Như căn nhà 7 tầng ở đường Nguyễn Trãi (quận 1) trống khách, ông Đạt (chủ mặt bằng) đã tu sửa để cho thuê mới với giá 10.000 USD/tháng (gần 230 triệu đồng).
Do dịch bệnh, năm nay ông Đạt chỉ cho thuê 8.000 USD/tháng, năm thứ hai nâng lên 9.000 USD/tháng, bước sang năm thứ ba mới lấy 10.000 USD/tháng.
Ngoài ra, ông Đạt sẽ bớt một tháng tiền nhà và sau khi người thuê sửa sang lại mặt bằng, bắt đầu kinh doanh thì mới bắt đầu tính tiền thuê nhà.
Mặt bằng góc đường Nguyễn An Ninh - Trương Định, quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Giá "mềm" chốt nhanh
Ông Phùng Ngọc Nam - giám đốc Công ty bất động sản An Phú - cho biết tại khu Tên Lửa (quận Bình Tân), tỉ lệ lấp đầy các mặt bằng đã đạt 80%, chỉ 20% còn trống do chủ nhà hét giá quá cao. Theo ông Nam, giá mặt bằng khu này hiện giảm khoảng 20% so với trước, ở mức 30 - 50 triệu đồng/tháng căn mặt tiền.
Ông Sử Ngọc Khương - giám đốc cấp cao Savills Việt Nam - đánh giá thị trường mặt bằng bán lẻ và văn phòng đã giao dịch nhộn nhịp, trên đà phục hồi, song do dịch còn phức tạp nên tốc độ hồi phục chưa nhanh như kỳ vọng, đặc biệt là khối sản xuất.
Về văn phòng cho thuê, ông Khương cho hay ở TP.HCM hiện có nguồn cung khá hạn chế, chỉ khoảng 2,4 triệu m² sàn, trong khi nguồn cung mới ít, số lượng văn phòng hạng A, B ở khu trung tâm không có nhiều.
Do đó, ông Khương nhận định thời gian tới nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng tiếp tục tăng cao theo tốc độ phục hồi của nền kinh tế.
Còn mặt bằng giá cao chót vót
Để giá thuê cao, tương đương trước dịch nên một số mặt bằng cả năm qua vẫn để trống. Cụ thể, tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) có mặt bằng đưa ra giá thuê 400 triệu đồng/tháng, bằng với trước dịch.
Tương tự, tại khu Tên Lửa (quận Bình Tân), mặt bằng có diện tích 300m² nhưng kêu giá 500 triệu đồng/tháng, trong khi gần đó có mặt bằng 3 mặt tiền và diện tích gấp 4 lần nhưng giá thuê chỉ bằng phân nửa.
Chia sẻ doanh thu để cầm cự mùa dịch
Ông Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho hay giá mặt bằng cho thuê ở TP hiện giảm so với thời điểm trước dịch, khó có mức giảm sâu hơn dù tỉ lệ mặt bằng để trống ở nhiều nơi vẫn còn khá cao.
Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty CP Hưng Thịnh Retail - cho biết nhìn chung hiện vẫn còn nhiều trung tâm thương mại chưa phục hồi, lượng khách trả mặt bằng vẫn cao.
Các chủ đầu tư cũng chịu thiệt hại, sức chịu đựng có hạn nên không còn duy trì các mức hỗ trợ như trước. Tuy vậy, ông Bình cho hay vẫn còn cách để hỗ trợ doanh nghiệp, đó là gia hạn thời gian thanh toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận