Phóng to |
Ông Trần Bá Hiệp - Ảnh: Th.Thắng |
- Công ty chúng tôi là tập đoàn đa ngành, trong đó có ngành năng lượng, tức là làm thủy điện. Hiện nay Đức Long Gia Lai đang đầu tư bốn dự án thủy điện lớn và năm dự án thủy điện nhỏ tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Đông Nam bộ.
Trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án thủy điện Đồng Nai 6 theo quy hoạch bậc thang thủy điện lưu vực sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt năm 2002, Đức Long Gia Lai đã đề xuất tách thành hai dự án là Đồng Nai 6, Đồng Nai 6A và đã được chấp thuận.
Theo tính toán, hai dự án này chiếm hết 372ha đất rừng, trong đó có khoảng 137ha đất thuộc vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Nếu so với 71.920ha tổng diện tích VQG Cát Tiên, diện tích đất bị ảnh hưởng của hai dự án này là một tỉ lệ rất nhỏ, không đáng kể.
Và theo khảo sát, trong 137ha đó chỉ có hơn 4ha là rừng giàu, còn lại là rừng trung bình và hỗn giao, không có các loài động thực vật quý hiếm cần được bảo vệ.
* Thực tế, chúng tôi đi thực địa và đã thấy nhiều loài động, thực vật quý hiếm tại đây. Ngoài ra theo ông Trần Văn Thành - giám đốc VQG Cát Tiên, 137,5ha bị hai công trình thủy điện chiếm mất là rừng thuộc vùng lõi của VQG Cát Tiên - khu phục hồi sinh thái và cần được bảo vệ nghiêm ngặt?
- Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của chúng tôi rõ ràng có ảnh hưởng đến VQG Cát Tiên. Thế nhưng trên cả nước hiện có 143 VQG, trong đó 45 vườn có xây dựng thủy điện thì hai dự án thủy điện của chúng tôi lấy đất rừng ít nhất so với những dự án thủy điện khác.
Và trong quá trình chuẩn bị dự án chúng tôi đã thuê Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam là đơn vị có nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm để khảo sát lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ theo quy định.
* Trả lời báo Tuổi Trẻ, chính ông Trần Ký, đại diện nhóm chuyên gia trực tiếp thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, thừa nhận chỉ có ba người của Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam khảo sát thực địa trong vòng một tuần, trong đó có đến ba ngày đi lạc. Ông đánh giá như thế nào về bản báo cáo đó?
- Sau khi ký hợp đồng với Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, chúng tôi đã hai lần đưa đoàn chuyên gia của họ vào rừng bàn giao ranh mốc để họ tiến hành khảo sát. Phần công việc sau đó chúng tôi không biết và nói thật là chúng tôi cũng không có chuyên môn. Khi hoàn thành công việc họ có gửi cho chúng tôi biên bản khảo sát, gặp gỡ tham vấn người dân. Chúng tôi đã thuê thì tất nhiên phải tin tưởng đối tác.
* Nhiều nhà khoa học không đồng tình với báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Viện Quy hoạch thủy điện miền Nam lập và có ý kiến không nên xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vì sẽ tác động xấu đến môi trường, ông nghĩ gì về điều này?
- Chúng tôi khi tham gia đầu tư các dự án thủy điện là để góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng của quốc gia, của người dân. Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào để vừa có hiệu quả đầu tư nhưng cũng vừa phải bảo đảm lợi ích chung. Các cơ quan hữu quan, các bộ ban ngành, các nhà khoa học nếu thấy chưa đúng thì đóng góp ý kiến và chúng tôi sẵn sàng nghe để thực hiện cho tốt hơn.
Nếu Quốc hội có đề xuất giải trình chúng tôi cũng sẽ sẵn sàng cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết. Và trong trường hợp để đảm bảo an toàn cho môi trường, cho VQG Cát Tiên mà cơ quan chức năng yêu cầu phải thu hẹp quy mô dự án thì chúng tôi sẽ chấp hành.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận