Cách đây ít tuần, đội Maseco TP.HCM đã giải cơn khát danh hiệu của bóng chuyền TP.HCM khi đoạt danh hiệu vô địch Cúp Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ bằng chiến thắng 3-2 trước XSKT Vĩnh Long trong trận chung kết. Dù thành công này đã khẳng định bước tiến lớn của đội bóng vốn nhiều năm gần đây chỉ luẩn quẩn với cuộc chiến trụ hạng rồi rớt hạng, tuy nhiên những người yêu bóng chuyền TP.HCM vẫn không mấy vui vẻ bởi chức vô địch tại Phú Thọ được “xây từ nóc” với dàn VĐV là “lính lê dương” tứ xứ.
HLV trưởng Bùi Huy Châm (Maseco TP.HCM) cho biết gần như toàn bộ VĐV chủ lực trong số 14 VĐV của Maseco TP.HCM đều không phải người TP.HCM. Đó là những cái tên Nguyễn Hoàng Thương (từ Vĩnh Long), Trần Thanh Tùng, Huỳnh Văn Tuấn (từ Long An), Nguyễn Thanh Nhàn (Quân khu 7), libero Nguyễn Văn Nhật (từ Quân khu 5), Hà Vũ Sơn (từ Đức Long Gia Lai), Trần Phi Gip (từ Sanest Khánh Hòa).
Ông Nguyễn Lê Minh - giám đốc Trung tâm TDTT quận Phú Nhuận, đơn vị quản lý trực tiếp đội bóng chuyền Maseco TP.HCM - nói: “TP.HCM từng rất mạnh về bóng chuyền nhưng bây giờ phong trào đã chết. Ngay tại Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng, cái nôi của bóng chuyền TP.HCM trước đây, hình ảnh người dân chơi bóng chuyền chìm hẳn trước các sân bóng rổ luôn đông nghịt người. Nhiều năm qua gần như không có VĐV người TP.HCM nào từ tuyến trẻ được đôn lên đội 1 Maseco TP.HCM”.
HLV Huy Châm chia sẻ thêm: “Thật tình tôi gặp khó khăn rất lớn khi phải ráp đội hình, xây dựng lối chơi hài hòa cho dàn VĐV tứ xứ có kỹ thuật cơ bản khác nhau, phong cách cũng không giống nhau. Từ bây giờ tôi khẳng định Maseco TP.HCM sẽ không bỏ tiền mua thêm bất cứ VĐV nào. Tôi muốn Maseco TP.HCM tự đào tạo và đặt niềm tin vào lớp trẻ. Dù gì đi nữa, tôi vẫn rất cần những VĐV người TP.HCM vì ngoài cái nghề họ còn có tinh thần màu cờ sắc áo cao hơn”.
Trong tuần tới, đội bóng chuyền nam Maseco TP.HCM sẽ tiếp nhận tám VĐV lứa năng khiếu từ Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM. Tám VĐV này sẽ được ban huấn luyện đội Maseco tuyển chọn lại và đào tạo làm nguồn kế thừa. Trong thời gian “thực tập” ở Maseco, lứa VĐV kể trên sẽ được hỗ trợ thêm chi phí ăn uống, tập luyện, được tạo điều kiện cọ xát. Ngoài ra họ còn có cơ hội tập cùng đội lớn Maseco TP.HCM tại nhà thi đấu Rạch Miễu dưới sự hướng dẫn của HLV Nguyễn Văn Hòa. HLV Huy Châm - chuyên gia đào tạo trẻ từng có 10 năm hành nghề tại châu Âu - cũng sẽ tham gia đánh giá năng lực của các VĐV trẻ.
Ông Nguyễn Lê Minh cho biết thêm, ngoài lứa VĐV này, đội Maseco TP.HCM sẽ đẩy mạnh công tác tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ. “Chúng tôi đang xây dựng mạng lưới tuyển trạch viên tại TP.HCM và các tỉnh để tìm tài năng. Tôi hi vọng trong tương lai, Maseco TP.HCM sẽ có được những danh hiệu lớn nhờ dàn cầu thủ được đào tạo “cây nhà lá vườn”.
[box]Bước đầu thành công nhờ xã hội hóa
Bóng chuyền TP.HCM từng khủng hoảng vào năm 2010 khi cả đội nam lẫn nữ đều bị loại khỏi giải đấu mạnh nhất quốc gia. Đúng lúc này Công ty cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận (Maseco) đã thả “phao cứu sinh” với hai gói tài trợ (từ năm 2011-2013 và 2014-2016) có tổng giá trị chi thực tế gần 31 tỉ đồng giúp đội có tiền mua trang thiết bị, chiêu mộ VĐV từ các đơn vị khác...
Tuy nhiên, Maseco TP.HCM vẫn thi đấu trồi sụt thất thường và nhiều lần suýt rớt hạng. Mới nhất, họ phải dự “chung kết ngược” ở Giải vô địch quốc gia 2014 và điều này khiến ban lãnh đạo bức xúc.
Đầu năm 2015 HLV Huy Châm quyết liệt “thay máu”, thanh lý hợp đồng, giải quyết chế độ cho bảy VĐV không còn phù hợp với đội và áp dụng cách tính lương mới cho VĐV. HLV Huy Châm cho biết: “Chúng tôi trả lương VĐV theo cống hiến, nghĩa là ngoài một khoản lương cứng theo quy định, phần thu nhập còn lại của VĐV được đánh giá mỗi cuối tháng theo các tiêu chí: số buổi tập, tinh thần tập luyện, kết quả tập luyện, thi đấu”.
Sự thay đổi “công và thưởng” này đã giúp VĐV ý thức được bóng chuyền là cái nghề của họ, vì thế họ trân trọng gìn giữ và nỗ lực phấn đấu. Danh hiệu vô địch Cúp Hùng Vương mới đây là câu trả lời xác đáng nhất.
Chủ tịch HĐQT - tổng giám đốc Maseco Nguyễn Xuân Hàn cho biết: “Chúng tôi ủng hộ đội Maseco TP.HCM tự đào tạo VĐV trẻ và tiếp tục gặt hái thành công để trở thành hạt nhân giúp bóng chuyền TP.HCM tìm lại thời vàng son”.[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận