Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 24-4.
Ít nhà bán lẻ chuyên nghiệp đang tham gia vào thị trường nông thôn
Tại đại hội, bà Nguyễn Thị Phương - tổng giám đốc Công ty Wincommerce (thành viên Tập đoàn Masan, vận hành chuỗi WinMart, WinMart+...) cho biết, thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam dự kiến đạt 9 tỉ USD vào năm 2025.
Trong khi đi đó, 65 triệu dân ở nông thôn, với quy mô thị trường 15 tỉ USD, vẫn chưa được nhiều nhà bán lẻ chuyên nghiệp tập trung.
Đặc thù ở vùng nông thôn là người dân thường có thu nhập chưa cao, đặt ra bài toán khó về tối ưu doanh thu và lợi nhuận. Tuy nhiên, chuỗi Winmart+ đã cải tiến, chỉ với 400 triệu đồng doanh thu/cửa hàng/tháng đã có lời.
Từ năm 2019 đến 2022, lợi nhuận gộp của việc bán hàng tiêu dùng của Wincommerce được cải thiện nhờ đàm phán với nhà cung cấp để cải tiến điều khoản giao dịch, đẩy mạnh sản phẩm từ các nhà sản xuất tầm trung thay vì các nhà sản xuất hàng đầu, đặt gia công và phân phối hàng nhãn riêng với giá hợp lý kèm lợi nhuận tốt...
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thực hiện dự án giao hàng vào đêm để né tắc đường, giảm chi phí vận chuyển. Trong vòng 24 giờ hàng hóa tươi sống được giao tới cửa hàng.
Thông qua việc đơn giản hóa, số hóa và tự động hóa, WinCommerce chuẩn bị cho việc mở rộng mạng lưới lên đến 10.000 cửa hàng.
Ông Danny Le - tổng giám đốc Masan, chia sẻ, tại Việt Nam kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang chiếm tỉ lệ lớn, nhưng thiếu sự hỗ trợ của công nghệ. Do đó, từ điểm bán lẻ hiện đại cho đến những điểm bán của kênh truyền thống, doanh nghiệp đều sẽ ứng dụng công nghệ, hiểu được thói quen của từng người tiêu dùng, cung cấp sản phẩm phù hợp với giá cả tốt.
Hiện nay trung bình mỗi khách hàng tới cửa hàng Win chi khoảng 165.000 đồng/đơn hàng, tần suất quay lại 3,3 lần/tháng. Giảm giá bán các thực phẩm tươi sống là một trong những cách giúp các cửa hàng Win thu hút khách.
Đưa tương ớt, cà phê Việt ra thế giới
Ông Trương Công Thắng - tổng giám đốc The Crown X (sở hữu Masan Consumer Holdings và WinCommerce, cùng các mảng ghép lớn như chuỗi đồ uống Phúc Long, mạng viễn thông Reddi) cho biết, đưa đặc sản Việt ra thế giới là chiến lược doanh nghiệp đang theo đuổi.
Kết quả bước đầu có thể kể đến là chai tương ớt bán ở Việt Nam giá chưa tới 1 USD, nhưng đã được bán trên sàn Amazon (Mỹ) với giá 10 USD. Doanh nghiệp xác định nhiệm vụ đưa ba sản phẩm ra thế giới gồm tương ớt Chin-su (tương, nước mắm), Omachi (mì) và Vinacafe (cà phê).
Doanh nghiệp cũng tìm cách khai thác thị trường Trung Quốc, thông qua các sản phẩm như: cà phê, lẩu tự sôi, mì tự sôi...
Bà Chae Rhan Chun (tân thành viên hội đồng quản trị Masan, đại diện cho phần vốn của SK Investment Vina) cho biết, đang nghiên cứu để đưa chuỗi đồ uống Phúc Long ra thị trường toàn cầu.
Về câu hỏi khi nào mảng kinh doanh của Masan MEATLife có lãi, ông Thắng cho biết do thời gian qua doanh nghiệp phải liên tục khuyến mãi thịt heo và thịt gà mát để mở rộng thị phần, nên gây áp lực lên lợi nhuận. Điểm sáng là quý vừa qua EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã đạt điểm hòa vốn.
Về Masan High-Tech Materials, đại diện doanh nghiệp cho biết, trong tương lai, thời gian sạc pin xe điện tương đương đổ xăng (khoảng 5 phút). Thị trường cung cấp nguyên vật liệu Vonfram đang rất tiềm năng, không chỉ ứng dụng trong sản xuất pin xe điện, mà các trong các thiết bị điện tử khác.
Tổng kết năm 2022, Masan mang về 76.190 tỉ đồng doanh thu và hơn 4.750 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 14% và 53% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000-100.000 tỉ đồng, tăng 18-31% so với mức thực hiện của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi dao động từ 4.000-5.000 tỉ đồng (tăng 4-30%).
Ở kịch bản tiêu cực, các điều kiện vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt tiêu dùng vẫn tồn tại, dự kiến lợi nhuận các mảng hàng đầu sẽ tăng từ 10-15%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận