15/08/2013 07:46 GMT+7

Mạo danh lừa đảo vẫn có đất sống

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)

TT - Cách đây vài năm, khi “ông Hai nhỏ” tự xưng trung tướng tình báo lừa được rất nhiều người dân, doanh nghiệp bị bắt và kết án, những tưởng hiện tượng mạo danh cán bộ để lừa đảo sẽ không còn nữa. Thế nhưng gần đây hiện tượng này tiếp tục xảy ra.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, thời gian gần đây, đặc biệt từ tháng 7-2013, lợi dụng chính sách thuế có một số điểm mới sửa đổi, bổ sung, những đối tượng giả danh cán bộ thuế lại xuất hiện ngày càng tinh vi, trắng trợn hơn để lừa doanh nghiệp. Trước đó, tháng 5-2013 Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ đối tượng Nông Xuân Hùng tự xưng là trung tướng tình báo quân đội để lừa đảo hàng chục tỉ đồng của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn nhiều tỉnh.

Còn nhiều vụ giả danh khác nữa như giả danh phóng viên, giả danh phó tổng biên tập, giả danh người nhà của cán bộ lớn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân và doanh nghiệp cũng đã bị phát hiện thời gian qua. Tại sao hiện tượng giả danh cán bộ có chức quyền và người nhà của họ để lừa đảo vẫn tồn tại dai dẳng như vậy trong xã hội?

Trước hết, có thể lý giải hiện tượng này là do căn bệnh “chạy” đã gần như trở thành quán tính của người Việt. Khi quan sát đời sống xã hội, chúng ta không khó để nhận ra là hình như khi làm bất cứ việc gì như đi khám chữa bệnh, xin cho con đi học, xây dựng nhà cửa, mở công ty, lập dự án... người Việt luôn nghĩ đến việc nhờ vả người quen, người có thế lực để “chạy” nhằm giúp công việc được diễn ra nhanh, dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, căn bệnh “chạy” ấy không phải là nguyên nhân gốc của sự tồn tại nạn mạo danh để chạy chọt, mà căn bản hơn có lẽ do nền công vụ có lúc có nơi chưa được vận hành trên nền tảng của những quy định minh bạch và rõ ràng. Không hiếm những điều luật, những quy định được ban hành với những câu chữ mơ hồ, đa nghĩa và chính vì mơ hồ và đa nghĩa nên người thi hành công vụ có quyền giải thích các điều quy định ấy theo cách hiểu của mình, và đây chính là cơ hội cho sự tồn tại việc mạo danh để “chạy”, để lừa đảo.

Bởi vì câu chữ mơ hồ và đa nghĩa nên khi muốn giải quyết sự việc của mình theo hướng có lợi, rút ngắn thời gian thì nhiều công dân hoặc doanh nghiệp buộc phải “chạy” để được người thi hành công vụ “hiểu” theo nghĩa có lợi cho công dân, cho doanh nghiệp. Nếu không “chạy” thì người thực thi công vụ sẽ giải thích theo nghĩa khác vốn có thể gây bất lợi cho công dân và doanh nghiệp.

Mặt khác có khi các điều luật, những quy định và quy trình giải quyết công việc là rõ ràng, nhưng nếu tuân theo thì công dân và doanh nghiệp sẽ phải tốn nhiều công sức đi lại, thời gian vì sự quan liêu hoặc “quá tải” của cán bộ thi hành công vụ. Có thể nhận thấy điều này với quy trình nộp thuế và xin hoàn thuế giá trị gia tăng vốn bị rất nhiều người dân và doanh nghiệp kêu ca là quá nhiêu khê và mất nhiều thời gian. Và muốn bớt nhiêu khê, muốn bớt mất thời gian chờ đợi thì nghĩ cách để “chạy” là giải pháp được người dân và doanh nghiệp nghĩ đến.

Như vậy khi những quy định mơ hồ, đa nghĩa, không minh bạch vẫn còn hoặc nếu có minh bạch thì trình tự giải quyết nhiêu khê với nhiều quy định rối rắm sẽ làm nảy sinh những tay “cò” theo kiểu mạo danh để can thiệp, xin xỏ, chạy chọt và sự xuất hiện của những mẩu thư tay như chúng ta chứng kiến thời gian qua.

LÊ MINH TIẾN (ĐH Mở TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp