Phóng to |
Ban giám đốc yêu cầu các trường hợp trên phải làm tường trình. Toàn khoa sẽ cho ý kiến, từ đó làm cơ sở để ban giám đốc đưa ra hướng xử lý cũng như xem xét có nên đưa ra hội đồng kỷ luật hay không. Ngoài ra, yêu cầu các khoa họp đánh giá tình hình, xem trong khoa có thường xảy ra tình trạng tương tự hay không. Một phó giám đốc Bệnh viện (BV) Ung bướu cho rằng bài báo có tác động rất tốt đối với BV. Hi vọng đây là sự cảnh báo cho những cá nhân khác nếu đã có đôi lần hoặc thường xuyên “làm việc” với “cò”.
Giải quyết căn cơ
Đại diện ban giám đốc BV Ung bướu nêu quan điểm quá tải chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng “cò” BV. “Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức làm sao cho việc khám chữa bệnh ngày càng công bằng hơn. Các bộ phận cần giải quyết những quy trình liên quan đến việc khám chữa bệnh của bệnh nhân nhanh hơn. Các giải pháp tập trung vào làm sao dần xóa bỏ được cảm giác lúc nào cũng thấy đông từ đó phát sinh tâm lý sợ chờ lâu, nhất là của các bệnh nhân tuyến tỉnh. Mặt khác, cần nhắc nhở thường xuyên để nâng cao ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên BV. Chúng tôi thấy cần có biện pháp, ví dụ như nâng cao thu nhập của nhân viên để họ có sự cân nhắc, so sánh giữa việc làm ổn định tại BV hay là muốn “cộng tác” với cò” - bác sĩ này nói.
Khó kiểm soát “cò” bên ngoài Trao đổi về nạn “cò” bệnh nhân ở các BV hiện nay, Sở Y tế TP.HCM cho rằng nếu BV nào để nhân viên của mình móc nối với “cò” thì lãnh đạo BV đó phải chịu trách nhiệm. Còn với “cò” hoạt động bên ngoài BV thì rất khó kiểm soát và phải nhờ đến sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng khó xử lý được “cò” mà chỉ có thể cảnh cáo, phạt hành chính rồi cho về. |
Còn bác sĩ Nguyễn Chí Hùng - giám đốc BV Bình Dân - cho biết đã lần lượt làm việc với Công ty bảo vệ An Phú, khoa nội soi tiêu hóa và các phòng chức năng về các vụ việc liên quan. “Phía công ty đã có báo cáo gửi BV xác định các đối tượng nói trên có những hành vi như báo Tuổi Trẻ phản ánh. Nhưng họ giải thích là lấy số thứ tự giùm cho người nhà. Tuy nhiên, tất cả bảo vệ có liên quan vẫn nhận các hình thức kỷ luật phê bình, hạ bậc thi đua và cho thời gian thử thách.
Ban giám đốc cũng đã làm việc với trưởng khoa nội soi tiêu hóa để nhắc nhở cán bộ, nhân viên của mình. Nếu phát hiện ai có hành vi tiếp tay đưa bệnh nhân của mình vào làm xét nghiệm sớm sẽ bị xử lý ngay” - bác sĩ Hùng nói. Hiện khoa khám bệnh và phòng hành chính BV đang đưa ra các tiêu chí cụ thể trong quy trình khám chữa bệnh để điều chỉnh ngay nhằm tránh những kẽ hở khiến người khác có thể lợi dụng và tránh phiền phức cho bệnh nhân. Bác sĩ Hùng nói khi nào có những giải pháp cụ thể sẽ thông báo ngay cho báo Tuổi Trẻ, đồng thời BV rất hoan nghênh khi tiếp nhận các thông tin phản ánh càng cụ thể càng tốt từ bệnh nhân, thân nhân, báo đài về các hành vi cần chấn chỉnh, xử lý liên quan đến quy trình khám chữa bệnh của BV.
BV Đại học Y dược sửa quy trình phát số
BV rất quan tâm và chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ của BV thường xuyên thực hiện cải tiến quy trình tiếp nhận, phát số, khám chữa bệnh nhằm kéo giảm thấp nhất nạn “cò mồi” và những hiện tượng biến tướng ăn theo. Đó là ý kiến của TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc - phó giám đốc BV Đại học Y dược TP.HCM. Ông cho biết BV sẽ phát số khám bệnh từ 3g30-4g sáng. Mỗi bệnh nhân chỉ được cấp một số thứ tự sau khi điền đầy đủ thông tin theo mẫu của BV. Trên mỗi số thứ tự, nhân viên tổ vận chuyển viết đầy đủ họ và tên của bệnh nhân vào góc phía trên bên trái để tránh “cò” viết lại tên sau khi nhận số thứ tự. Nếu số thứ tự này có chỉnh sửa, bộ phận tiếp nhận kiên quyết không phát số khám chuyên khoa.
Để loại trừ “cò”, BV thực hiện không hoàn tiền nếu người nhận tiền không xuất trình được giấy tờ tùy thân chứng minh họ chính là bệnh nhân khám bệnh. BV còn treo băngrôn, in tờ rơi về việc thực hiện đăng ký khám bệnh trước qua điện thoại. Khi có chỉ định bệnh nhân tái khám, thư ký phòng khám đăng ký thời gian tái khám cho bệnh nhân và chuyển qua bộ phận khách hàng để bệnh nhân có số đăng ký khám lần sau.
BV đã chủ động hợp tác với “cò” dẫn bệnh nhân Campuchia bằng cách đưa họ vào làm cộng tác viên của BV, có phát thẻ cộng tác viên nhưng họ chỉ muốn hoạt động tự do. Do thực tế 60-70% bệnh nhân đến BV khám bệnh là người ở các tỉnh lên, thường đến BV từ lúc 1-2g sáng nên BV đã thực hiện tiếp nhận bệnh nhân từ 4g sáng, nhập các dữ liệu thông tin của bệnh nhân vào hệ thống máy tính liên hoàn từ khâu tiếp nhận, khám, làm cận lâm sàng, thuốc...
Nhiều biện pháp chống “cò”
Theo ông Huỳnh Ngọc Thạnh - trưởng phòng tổ chức cán bộ BV Da liễu TP.HCM, thời gian qua BV đã thực hiện nhiều biện pháp chống “cò” như bảo đảm 100% nhân viên BV không tham gia “cò mồi” hoặc tiếp tay cho “cò”. BV tổ chức khám bệnh liên tục từ 7g đến 18g30 hằng ngày, không nghỉ trưa từ thứ hai đến chủ nhật. BV còn thay đổi cung cách phục vụ tốt hơn, tận tình, nhanh chóng, phòng khám được sửa chữa và xây mới để tạo sự an tâm, thoải mái cho người bệnh...; thực hiện phát loa có nội dung chống “cò” từ 7g đến 18g30 hằng ngày để người dân biết tình trạng “cò” trước cổng BV, tránh bị “cò” lừa gạt, dụ dỗ, bắt ép đi khám chỗ khác... Tuy nhiên, theo ông Thạnh, đa số bệnh nhân lần đầu đến BV Da liễu khám bệnh vẫn bị sa bẫy của “cò”.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Ngọc Hải - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Từ Dũ - cho biết thời gian qua BV đã tập trung mọi lực lượng, công sức đầu tư cho phòng khám, nhất là khoa khám bệnh, để tiếp đón bệnh nhân đến khám chữa bệnh được thuận lợi. BV thực hiện khám thông tầm từ 6g đến 19g, thường xuyên thông báo bằng loa phát thanh cho người bệnh biết về tình trạng “cò”, tổ chức nhóm “những người bạn đồng hành” để tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân khám bệnh, tránh bị “cò” dụ dỗ. BV luôn nhắc nhở và có biện pháp kỷ luật nặng, thậm chí cho nghỉ việc đối với người có vi phạm. Cuối năm 2011, BV đã cho nghỉ việc một nhân viên vì có sai phạm trong việc này... Bác sĩ Hải khẳng định tất cả phòng khám sản phụ khoa mà “cò” dẫn bệnh nhân đến đều không phải là bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận