Một ngôi nhà cổ được lợp lại toàn bộ mái ngói âm dương - Ảnh: Thanh Ba |
Đứng trước thực trạng trên, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã lập hồ sơ báo cáo và khẩn trương đưa ra biện pháp “mạnh tay” nhằm giải bài toán trùng tu những ngôi nhà được xếp hạng di tích này.
Một di tích, nhiều chủ sở hữu
Theo kết quả khảo sát vào tháng 6-2015 của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An về tình trạng sở hữu, quản lý, sử dụng di tích nhà cổ, hiện trong khu phố cổ có tổng cộng 15 di tích nhà ở xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ đổ sập.
Trong đó, hai căn thuộc diện giá trị bảo tồn đặc biệt, hai căn loại 1, sáu căn loại 2 và một căn loại 3.
Ông Phạm Việt Tâm, trưởng phòng trùng tu di tích (thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An), cho biết tất cả các di tích trên đều nằm trong dự án tu bổ khẩn cấp và đã được trung tâm trình báo lên cấp trên phê duyệt.
4/15 nhà cổ được trung tâm đề xuất xin 100% kinh phí trùng tu từ nguồn vốn Nhà nước. Số còn lại là do Nhà nước và chủ sở hữu cùng góp kinh phí sửa chữa.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, công tác trùng tu những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi hầu hết vẫn còn nằm trên giấy do vấp phải nhiều vướng mắc khó tháo gỡ.
Một điều lạ là phần lớn di tích nằm trong danh sách này không được cấp sổ đỏ cho bất ký một cá nhân nào, thậm chí những ngôi nhà có sổ đỏ hẳn hoi nhưng cũng thuộc quyền sở hữu của nhiều người.
Lý giải về điều này, ông Nguyễn Chí Trung, giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cho hay: “Chính vì một di tích nhưng có đến 3 hoặc 4 người đồng sở hữu đã khiến công tác trùng tu bị ngưng trệ.
Khi đơn vị chịu trách nhiệm tu bổ yêu cầu chủ di tích ký vào thỏa thuận trùng tu thì không ai chịu đứng ra nhận trách nhiệm và ngay lập tức phó thác. Một số chủ nhà ở xa và để nhà cho người khác thuê kinh doanh thì đơn vị gặp khó khăn trong việc liên hệ”.
Đấu giá cho thuê nhà để trừ tiền tu bổ
Nhiều ngôi nhà cổ có nguy cơ đổ sập phải tu bổ gần như toàn bộ - Ảnh: Thanh Ba |
Để tránh tình trạng những ngôi nhà cổ mang giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử có thể “xóa sổ” vĩnh viễn do đổ sập, đơn vị quản lý di tích đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm khẩn trương thực hiện công tác trùng tu trước khi quá muộn.
Cách đây hai tháng, nhà cổ số 58/7 Lê Lợi (phường Minh An) bị đặt trong tình trạng báo động khiến cả gia đình ngụ cư ở đây phải sống trong nơm nớp lo sợ.
Mái ngói âm dương bị gió thổi phốc bể thành từng mảnh rơi vương vãi khắp nền nhà, cả chục đòn tay chống đỡ căn nhà cổ gần 10 năm nay bị mối đục khoét đến nỗi xiêu vẹo.
Nắm bắt yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải ngay lập tức cứu lấy di tích, trung tâm đã xin kinh phí từ cấp trên và bắt tay ngay vào việc trùng tu. Tổng số tiền trùng tu nhà cổ trên ước tính gần 1 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 65%, còn lại bà Nguyễn Thị Thu (chủ sở hữu) bỏ ra 35%.
Đến nay công trình đã hoàn thành và gia đình bà Thu có thể yên tâm an cư trong ngôi nhà cổ tự bao đời do tổ tiên để lại.
Trong nửa tháng qua, đơn vị trùng tu nhà cổ đang tiến hành tu bổ toàn bộ nhà số 120 Trần Phú (phường Minh An). Đây là một trong những di tích xuống cấp nặng nhất và nhiều người đang tranh chấp sở hữu, thế nhưng khi cần thì không ai lãnh trách nhiệm để phối hợp tu bổ.
Một ngôi nhà cổ cần được trùng tu - Ảnh: Thanh Ba |
“Thay vì hạ giải ngôi nhà này, chúng tôi đã quyết định đầu tư 100% kinh phí tu sửa toàn bộ mà không cần cam kết của chủ sở hữu. Dự kiến việc trùng tu kéo dài trong vòng 2 tháng với kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Nhà nước sẽ đấu giá cho thuê mặt bằng của ngôi nhà này, đến khi hoàn đủ số tiền bỏ ra Nhà nước sẽ bàn giao lại cho các chủ sở hữu”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, việc “mạnh tay” đưa ra phương án trùng tu như trường hợp của ngôi nhà số 120 Trần Phú là một điểm mới trong công tác trùng tu di tích bởi chỉ có cách này thì nhà cổ mới mong thoát khỏi cảnh đổ sập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận