Các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận đã lập nhiều đoàn kiểm tra việc cát tặc khai thác cát trái phép, xử phạt nhiều doanh nghiệp làm không đúng theo giấy phép đã cấp. Tuy nhiên, tình trạng vẫn tiếp tục tái diễn.
Mỏ cát của Công ty TNHH xăng dầu Đức Tín rộng khoảng 15ha ở thôn 2, xã Gia Huynh, huyện Tánh Linh. Trong tháng 8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra, yêu cầu chủ mỏ cát này phải dời hết tất cả máy móc, thiết bị bơm hút và tuyển cát ra khỏi khu vực dự án.
Ngày 20-9, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã lập biên bản vi phạm về nhiều hành vi như: không lắp đặt trạm cân, hệ thống camera giám sát, cắm mốc khép góc khu vực được khai thác... Chủ mỏ cát này bị phạt 85 triệu đồng, yêu cầu nộp lại hơn 3 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 9, bên trong mỏ cát này hàng chục máy móc, nhân công vẫn hoạt động bình thường. Sau khi báo phản ánh, UBND huyện Tánh Linh tiếp tục đề nghị chủ mỏ này phải dừng hoạt động, di dời hết máy móc ra ngoài. UBND huyện Tánh Linh còn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức đo đạc, xác minh chủ sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm.
Tương tự, mỏ cát của Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Hoàng Long ở thôn 2, xã Gia Huynh cũng bị xử phạt 15 triệu đồng sau khi Tuổi Trẻ phản ánh.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các mỏ cát có quy mô lớn, xe "bốn giò" chở tấp nập như vậy mà không kịp thời ngăn chặn từ sớm?
Người dân địa phương cũng ngao ngán với việc múc cát ở các mỏ trên đã diễn ra trong thời gian dài. Mong chính quyền địa phương có giải pháp mạnh tay xử lý.
Cần có kênh tiếp nhận thông tin từ người dân (và thông báo cách tiếp nhận) để bà con cùng giám sát và phản ảnh. Với các công ty làm sai cần có chế tài, xử phạt mạnh hơn, không phải chờ báo chí lên tiếng mới xử lý.
Tước quyền khai thác với đơn vị sai phạm
Nói về tình trạng cát tặc ở địa phương, ông Dương Quý Bắc (trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tánh Linh) cho biết: "Vừa rồi lực lượng công an phối hợp mật phục bắt quả tang ba chiếc tàu khai thác cát lậu ở hồ Biển Lạc. Để bắt được, các lực lượng này phải mật phục nhiều ngày liền, chủ yếu vào ban đêm".
Một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết tỉnh đã phân công, phân cấp cụ thể cho từng sở ngành và các cấp. Thời gian qua, từ cấp tỉnh đến huyện đã lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành.
Để quản lý tốt hơn, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chủ tịch UBND và lực lượng công an xử lý dứt điểm ngay từ ban đầu. Địa phương nào để xảy ra khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép mà không biết, không xử lý, không báo cáo thì phải bị xem xét xử lý trách nhiệm.
Riêng trong chín tháng đầu năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã xử lý 16 đơn vị khai thác sai phạm, với tổng số tiền nộp phạt 1,5 tỉ đồng. Tỉnh đã tước quyền sử dụng hai giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận