Phóng to |
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: L.THANH |
Hàng loạt doanh nghiệp FDI nằm trong “danh sách đen” Ngày 3-1, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho biết trên cơ sở phân tích báo cáo tài chính DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), cơ quan này đã lọc ra danh sách 480 DN FDI có doanh thu tăng trưởng cao nhưng lỗ liên tục năm 2009 và 2010, 308 DN FDI lỗ lũy kế mất vốn. Ngoài ra, qua điều tra hiệu quả hoạt động trong ba năm 2008-2010 tại 147 DN FDI, có 10 DN từ khi cấp chứng nhận đầu tư đến nay chưa phát sinh thu nhập chịu thuế và vẫn trong tình trạng thua lỗ kéo dài, có tới 38 DN làm ăn thua lỗ trong năm 2010... |
* Công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá sẽ được triển khai cụ thể như thế nào trong năm nay, thưa ông?
- Chúng tôi sẽ tập trung vào các đối tượng là doanh nghiệp (DN) liên kết, DN có dấu hiệu chuyển giá, DN kinh doanh thua lỗ, DN có số nợ thuế lớn, DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, DN được hưởng ưu đãi miễn hoặc giảm thuế... Trong lĩnh vực kinh doanh, chúng tôi sẽ tập trung vào ngành ngân hàng, dược phẩm, bất động sản, điện, dầu khí, bưu chính viễn thông...
Đặc biệt, các trường hợp kê khai lỗ thường xuyên sẽ được đưa vào tầm ngắm, tập trung kiểm tra. Việc đối chiếu số liệu giữa các bên mua bán và với các cơ quan quản lý liên quan như hải quan trong việc nhập khẩu hàng hóa là yếu tố quan trọng để xác lập kết quả DN đã kê khai trong sổ sách.
Cùng với hoạt động thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, tới đây Bộ Tài chính sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN có dấu hiệu khai lỗ giả, luật hóa công tác chống chuyển giá. Chẳng hạn, có thể xây dựng luật riêng hoặc sửa Luật quản lý thuế, sửa đổi Luật DN quy định rõ nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký...
* Theo đề xuất của Cục Thuế TP.HCM, nhà nước cần ấn định số thuế phải nộp với các trường hợp có quan hệ kinh doanh liên kết sau khoảng ba năm hoạt động mà không phát sinh thu nhập tính thuế. Xin ông cho biết quan điểm của mình?
- Phương thức này thật ra đang được nhiều nước áp dụng, đây được gọi là thỏa thuận giá trước. Do vậy trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính có đề xuất bổ sung quy định này trong việc đấu tranh chống chuyển giá. Cơ quan thuế phối hợp với các cơ quan chức năng như hải quan, cơ quan thuế nước ngoài để nắm được yếu tố chi phí đầu vào của các DN. Sau đó, cơ quan thuế trao đổi cụ thể tình hình giá cả đầu vào với DN. Tức là trước khi anh vào đầu tư, cơ quan thuế sẽ đưa ra một mức thuế để thỏa thuận với DN. Nếu DN chấp nhận thì vào đầu tư. Cách làm này đang thí điểm ở dự án đầu tư tại Samsung (Bắc Ninh).
* Có ý kiến cho rằng hiện tượng chuyển giá xảy ra khá phổ biến thời gian qua một phần do trình độ nghiệp vụ của cơ quan thuế còn hạn chế?
- Cũng phải thừa nhận điều đó. Trong lực lượng ngành thuế mới 58% có trình độ đại học. Hơn nữa, nhiều cán bộ thanh tra thuế không phải làm tốt ngay khi mà kinh nghiệm, kỹ năng và trách nhiệm chưa thật sự cao. Trong khi đó, các ông chủ của DN lớn, nhất là các DN có vốn đầu tư nước ngoài, rất giỏi, có kinh nghiệm làm ăn, kinh doanh khắp thế giới.
Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ thanh tra chống chuyển giá phải được nâng cao trình độ hơn nữa. Để thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra đối với DN thì bản thân cán bộ thanh tra thuế phải có đủ năng lực đánh giá từng hồ sơ, phát hiện những dấu hiệu của hiện tượng chuyển giá... Ngoài ra, các thông tin về thị trường, tỉ suất lợi nhuận ngành... phải được chuẩn bị đầy đủ.
* Để ngăn chặn hành vi chuyển giá, có ý kiến đề xuất nên giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) xuống thay cho 25% như hiện tại, thưa ông?
- Đấy cũng là ý kiến đáng để xem xét, cân nhắc trong thời gian tới. So với các nước trong khu vực ASEAN, thuế TNDN của VN chỉ cao hơn Singapore với 19%. Còn hầu hết các quốc gia khác đều có thuế suất này khá cao như Malaysia 32%, Thái Lan 30%...
Do đó, theo lộ trình dự kiến từ nay đến năm 2015, thuế suất thuế TNDN có thể sẽ giảm còn 20-22% thay cho mức 25% như hiện hành. Như thế sẽ hạn chế việc các DN chuyển tiền thuế về nộp ở nước có mức thấp hơn VN.
* Xin cảm ơn ông.
Phải làm sạch môi trường kinh doanh Ông Nguyễn Trọng Hạnh, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế những biện pháp chống chuyển giá mạnh tay hơn nhằm làm sạch môi trường đầu tư. Cụ thể, cần luật hóa công tác chống chuyển giá, xây dựng Luật chống chuyển giá hoặc sửa đổi Luật quản lý thuế, trong đó có quy định một chương riêng về công tác chống chuyển giá. Một số biện pháp cụ thể được Cục Thuế TP.HCM đề xuất như đối với các DN có quan hệ liên doanh liên kết sau một thời gian nhất định không tự điều chỉnh hoặc không phát sinh doanh thu tính thuế sau ba năm thành lập sẽ phải nộp thuế với một tỉ lệ nhất định theo từng ngành nghề, lĩnh vực. Ngoài ra cần có quy định cấm nhà đầu tư nước ngoài kê khai lỗ với một số ngành nghề như gia công, sản xuất phần mềm... Nghiên cứu sửa Luật DN, trong đó quy định rõ DN có nghĩa vụ phải bổ sung vốn trong trường hợp lỗ quá vốn đăng ký. Đối với các DN phát sinh giao dịch liên kết nhưng không tự điều chỉnh buộc cơ quan thuế phải ấn định giá thì không được hưởng ưu đãi thuế suất cũng như thời gian ưu đãi miễn giảm thuế. Bổ sung quy định không hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu. Đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu áp dụng hình thức thỏa thuận giá trước với một số ngành nghề để đấu tranh chống chuyển giá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận