04/11/2014 15:03 GMT+7

​Manh nha dòng chảy ngược: rời trường công

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TT - Trường công, trường điểm, trường chuyên, lớp chọn từng là mơ ước của nhiều phụ huynh, học sinh. Vậy nhưng gần đây có tình trạng phụ huynh xin cho con chuyển sang học ở trường tư, trường quốc tế.

Giờ giải lao của học sinh Trường THCS Lê Văn Tám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Chuyển trường cho con là chuyện chẳng đặng đừng, chuyển từ hệ thống công lập sang dân lập, tư thục hoặc quốc tế lại càng là một quyết định khó khăn.

Thế nhưng, thời gian gần đây dòng chảy ngược này đang hình thành mà nguyên nhân chính là phụ huynh muốn giải phóng cho con khỏi những áp lực học hành.

Những cuộc lội ngược dòng

Lợi thế trường công bị “bào mòn” vì dạy thêm, học thêm

So sánh chi phí bỏ ra cho con học ở trường công và trường quốc tế của một số phụ huynh làm chúng tôi bất ngờ. Theo anh Dũng, phụ huynh có hai con từng học trường công ở Bình Thạnh, thì chi phí này là 7/10.

Anh Dũng cho biết con anh cũng học trường quốc tế thường thường thôi, chi phí mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng/học sinh, trong khi đó để học ở trường công, mỗi tháng con anh cũng tốn 6-7 triệu đồng.

Vì học ở trường công đương nhiên phải học thêm hết môn này đến môn khác, đưa đón con đủ kiểu.

Còn chị Hoa cho biết chi phí học tập ở VN tính trên thu nhập bình quân đầu người là quá đắt đỏ, vì chi phí cho học thêm rất nhiều.

Trường công nếu vẫn tiếp tục dạy theo kiểu này thì lợi thế trường nhà nước, chi phí rẻ dần dần cũng không còn.

Có đến năm năm học Trường tiểu học Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), em A. đã quen với môi trường học tập, sinh hoạt, vui chơi ở trường công lập.

Trong thời gian đó, em luôn trong tốp những học sinh dẫn đầu và thành tích đó thể hiện ở việc em nằm trong số hơn 20 học sinh của trường này được chọn vào học Trường THCS Lê Văn Tám.

Thế nhưng vào học lớp 6 được hơn một tháng, thực tế học hành của em đã khiến gia đình phải “nhìn nhận lại” và cuối cùng cả nhà thống nhất chuyển em sang môi trường học tập khác.

A. không phải là trường hợp hiếm hoi phải “ngược dòng” ngay từ khi bước vào cấp học mới.

“Từ hồi vào lớp 6, tối nào cả nhà tôi cũng quần đến hơn 12 giờ khuya nhưng con vẫn chưa làm xong bài tập về nhà, và thường là 1g sáng mới xong.

Con mệt mỏi, ủ rũ, thiếu lanh lợi, còn cả nhà thì nháo nhào vì việc học của con. Ban đầu chúng tôi tính xin chuyển con khỏi lớp chọn, nhưng qua thăm dò thì biết ở lớp thường tình hình cũng y chang nên giải pháp cuối cùng là chuyển con sang trường quốc tế”.

Ðó là lời chia sẻ của anh Dũng, phụ huynh vừa chuyển hai con (một tiểu học, một THCS) từ trường công lập sang trường quốc tế.

Tìm một môi trường “dễ thở” hơn

Vẫn luôn có một bộ phận phụ huynh khá giả chuyển con sang trường song ngữ, trường quốc tế với mục đích tăng cường tiếng Anh, cho con đi du học...

Tuy nhiên, trong dòng chảy từ trường công sang trường quốc tế hiện nay có nhiều phụ huynh chỉ vì không thể để con học đến 1-2g sáng, người lờ đờ, mệt mỏi, bài vở chồng bài vở, học thêm chồng học thêm, để chấm dứt những “đêm trắng” cùng con khổ luyện.

Từng là một học sinh “ra lò” từ trường chuyên, lớp chọn của hệ thống giáo dục công lập VN, cũng từng muốn con học hành tại trường công lập, nhưng rồi chị Trần Thị Ngọc Hoa (Phú Nhuận, TP.HCM) đành mang con đến một môi trường khác sau khi đã “thử nghiệm” con hơn một tháng học lớp 6 ở môi trường công lập.

“Một tháng con học cũng là một tháng mẹ miệt mài tìm hiểu bài vở, chương trình trường công và vỡ lẽ ra rằng nếu con học ở đây sẽ không có thời gian để phát triển những thứ khác” - chị Hoa giải thích quyết định chuyển trường cho con từ công lập sang một trường quốc tế.

Chị Hoa không đánh giá trường quốc tế con chị đang học hiện nay có chất lượng hơn hẳn trường công, nhưng “sản phẩm của giáo dục là con người, là miếng bánh không thể nướng lần thứ hai” nên sau một thời gian tìm hiểu chị đã chuyển trường cho con vì tin rằng với con chị thì môi trường này “an toàn” hơn.

Ðối với chị Thuận (Q.Bình Thạnh), phụ huynh vừa chuyển con sang trường quốc tế khi bé đã có ba năm học một trường tiểu học có tiếng, lý do chuyển trường cho con cũng tương tự: con quá bị áp lực bài vở, cách dạy của trường máy móc, rập khuôn, suốt ngày phải học thêm...

Bé mới học lớp 4 nhưng luôn trong tình trạng phải học đến hơn 11g khuya, học thuộc lòng hết môn này đến môn khác. Ðã vậy bé phải luân phiên đi học thêm cả thứ bảy, chủ nhật.

Nhập học “lai rai”

Tìm hiểu một số trường dân lập, tư thục song ngữ (có cả chương trình giáo dục của Bộ GD-ÐT VN và chương trình nước ngoài dạy bằng tiếng Anh - tạm gọi là trường quốc tế), chúng tôi thấy rằng các trường này có học sinh phổ thông (từ tiểu học, THCS, THPT) nhập học quanh năm.

Ðặc biệt, từ đầu năm học 2014-2015 tình hình nhập học “lai rai” diễn ra thường xuyên hơn do số lượng học sinh từ trường công chuyển sang nhiều hơn trước đây.

Theo số liệu từ hệ thống Trường dân lập quốc tế Việt Úc, năm học này hệ thống đã tiếp nhận hơn 1.000 học sinh mới, hơn 30% số học sinh này từ các trường công lập chuyển sang. Trong đó có 90% học sinh thuộc bậc tiểu học, 10% còn lại là học sinh đầu cấp lớp 6, 10 và các lớp khác.

Tương tự, hệ thống Trường trung tiểu học quốc tế Bắc Mỹ cũng cho biết trong tổng số học sinh hiện nay có khoảng 50% học sinh chuyển sang từ trường công.

Một số phòng GD-ÐT quận, huyện tại TP.HCM dù xác nhận có hiện tượng chuyển trường đi, đến và có sự chuyển từ công lập sang tư thục, dân lập, quốc tế nhưng theo họ đây không phải là số đông.

Riêng số lượng học sinh trường công các khối đầu cấp lớp 6, lớp 10 chuyển qua các trường dân lập, tư thục, quốc tế, hiệu trưởng nhiều trường công lập cho biết họ không nắm con số này.

Cô Nguyễn Thị Trúc, hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (Q. Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết vào học được khoảng ba, bốn tuần, khối lớp 6 có hai trường hợp chuyển qua trường quốc tế.

Hai trường hợp này đều là học sinh giỏi, trong đó có một học sinh ở lớp chọn. Cô cũng không hiểu lý do vì sao những học sinh này đều là học sinh giỏi nhưng lại chuyển trường.

Đông nghẹt, khó triển khai phương pháp giảng dạy mới

Tại TP.HCM, chỉ một số ít quận huyện có dân số ổn định, sĩ số học sinh trên lớp học ít, còn phần lớn đều “quá tải”. Đây được coi là nhược điểm của hệ thống trường công lập tại TP.HCM hiện nay.

Tại một trường tiểu học có tiếng ở quận Tân Phú (TP.HCM), khoảng 50 học sinh chen chúc nhau trong một lớp học với diện tích khoảng 48m2. Trong không gian chật chội đó, những giờ học muốn hiệu quả phải là một nỗ lực lớn của không chỉ giáo viên.

“Năm nay, Sở GD-ĐT triển khai phương pháp bàn tay nặn bột đến những môn học còn lại, không chỉ là tự nhiên - xã hội như trước nhưng sĩ số đông đã khiến việc triển khai lớp học theo nhóm trở nên khó khăn hơn” - cô hiệu trưởng cho biết.

Theo quy định mỗi lớp chỉ 35 học sinh (bậc tiểu học), nhưng số học sinh cứ “nườm nượp” kéo đến phần vì “danh tiếng” của trường, phần vì trẻ trong độ tuổi ở trong tuyến tuyển sinh quá đông nên năm nay trường phải tăng thêm hai lớp 1.

Với những trường điểm, trường “có tiếng” ở bậc THCS, do chỉ tiêu đầu vào dựa trên điểm thi học kỳ 2 của lớp 5, thành tích là học sinh giỏi năm năm liền... nên sĩ số các lớp học có phần “giãn” hơn ở bậc tiểu học.

Nhưng ghi nhận tại một số trường ở Phú Nhuận, Bình Thạnh, Q.9, Tân Phú đều cho thấy trung bình từ 44-47 học sinh/lớp. Với sĩ số đó thì khó có thể triển khai các phương pháp dạy học, nhất là với môn tiếng Anh, môn cần nhiều thời gian để chăm chút đến từng học sinh.

 

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp