Thi thể 2 nạn nhân đầu tiên được đưa về sân bay Pangkalan Bun, Kalimantan hôm 31-12 - Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, hãng sản xuất máy bay Pháp Airbus tuyên bố sẽ hợp tác với các nhà điều tra để tìm nguyên nhân vụ tai nạn chuyến bay QZ8501.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia (INTSC) chịu trách nhiệm thực hiện cuộc điều tra với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế. Dự kiến quá trình điều tra có thể kéo dài tới 12-18 tháng.
Bằng chứng quan trọng nhất là hai hộp đen chứa dữ liệu máy bay và các đoạn hội thoại trong buồng lái.
“Chỉ thông tin từ hộp đen mới có thể giúp xác định được nguyên nhân tai nạn xuất phát từ vấn đề cơ khí hay lỗi của phi công” - Fox News dẫn lời chuyên gia Scott Brenner, cựu quan chức Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA).
Trước đó, một số nhà phân tích cho rằng có thể chiếc Airbus A320-200 đã bị khựng lại trên không vì bay không đủ tốc độ lúc tăng độ cao rồi rơi xuống biển.
Chuyên gia Peter Goelz, cựu giám đốc Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB), cho rằng giả thuyết trên có thể đứng vững nếu các đội cứu hộ tìm thấy xác máy bay nguyên vẹn.
Tuy nhiên, nếu xác máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh nhỏ thì có khả năng nó đã bị vỡ ngay từ trên không.
Thi thể các hành khách cũng sẽ cung cấp những đầu mối quan trọng.
Thông tin các hành khách mặc áo phao cho thấy phi công có đủ thời gian cảnh báo nguy cơ máy bay rơi xuống biển, ngược lại họ không mặc áo phao, theo chuyên gia Paul Hayes thuộc Hãng tư vấn hàng không Ascend Worldwide, cho thấy sự cố đã xảy ra cực nhanh khiến các phi công và hành khách không đủ thời gian ứng phó.
Nếu thi thể các hành khách còn quần áo thì nhiều khả năng máy bay vẫn nguyên vẹn khi đâm xuống biển. Bởi một người khi bị bắn ra ngoài không trung ở tốc độ 800 km/giờ sẽ bị sức gió xé rách hết quần áo.
Nhà phân tích Scott Hamilton của Hãng tư vấn hàng không Leeham cho biết nếu khám nghiệm tử thi cho thấy các hành khách chết vì va chạm mạnh thì có thể họ còn sống trước khi máy bay đâm xuống mặt nước.
Nhà phân tích Brenner nhận định chuyến bay QZ8501 có nhiều điểm tương đồng với vụ máy bay Air France 447 rơi xuống Đại Tây Dương năm 2009 khiến 228 người thiệt mạng. Khi đó phi công Air France cũng xin nâng độ cao để tránh thời tiết xấu.
Báo cáo điều tra của Pháp cho biết các cảm biến tốc độ bên ngoài máy bay đã bị đóng băng, khiến hệ thống bay tự động tê liệt. Các phi công đã phản ứng không chính xác, khiến máy bay rơi xuống biển.
Trong trường hợp của chuyến bay QZ8501, chuyên gia Brenner đánh giá có thể gió lớn đổi hướng liên tục đã đẩy máy bay lao xuống biển.
Cũng như vụ Air France 447, nhiều khả năng các phi công đã không phản ứng hiệu quả hoặc mắc sai lầm.
Trong khi đó, Hãng Earth Network thông báo có rất nhiều vụ sét đánh xảy ra ở khu vực chiếc máy bay AirAsia mất tích.
Dù không đủ sức phá hủy máy bay, sét có thể ảnh hưởng đến hệ thống định hướng và khiến các phi công bối rối.
CNN dẫn lời cựu phi công Mỹ Bill Savage với 30 năm kinh nghiệm cũng cho rằng có thể mưa đá từ các cơn bão trên bầu trời đã khiến động cơ của máy bay AirAsia hư hại nặng.
“Thông thường một yếu tố riêng lẻ không gây ra các vụ tai nạn máy bay. Nguyên nhân thường là một loạt vấn đề liên tiếp xảy ra nối tiếp nhau” - chuyên gia Brenner khẳng định.
Theo Reuters, một số thi thể trước đó được vớt lên từ biển cũng còn quần áo nguyên vẹn. Giới chuyên gia cho rằng đó là những dấu hiệu cho thấy có thể chiếc Airbus A320-200 không bị vỡ trên không mà rơi xuống nước trong tình trạng nguyên vẹn.
Điều đó phù hợp với giả thuyết máy bay đã bị khựng lại do bay không đủ tốc độ lúc nâng độ cao.
Việc một hành khách kịp mặc áo phao cho thấy những người trên máy bay có một chút thời gian đối phó trước khi máy bay rơi xuống nước.
Nhưng câu hỏi hóc búa là tại sao phi công lại không phát tín hiệu khẩn cấp. Máy bay mất tích ngay sau khi không được đài kiểm soát không lưu Indonesia cho phép nâng độ cao vì có máy bay khác ở phía trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận