01/09/2013 06:29 GMT+7

"Mảnh cầu vồng khuyết" của Luận

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Đầu tháng 8, cuộc thi ảnh “Rút ngắn khoảng cách 2013: Vì trẻ em” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN tổ chức đã kết thúc với giải nhất thuộc về Nguyễn Minh Luận (26 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do). Bộ ảnh mang tên “Những mảnh cầu vồng khuyết Tê Phan” kể lại bằng hình ảnh cuộc sống của các em khuyết tật tại gia đình tình thương Tê Phan.

0c0KIU8p.jpgPhóng to
Nguyễn Minh Luận Ảnh nhân vật cung cấp

Dáng đi hơi xiêu vẹo, nói chậm và hơi khó khăn, tất cả là di chứng của cơn sốt bại liệt từ năm 1 tuổi, tuy nhiên Luận lại có một đôi mắt rất sáng, tươi vui, cùng với khả năng học tập hoàn toàn bình thường và tư duy hình ảnh tinh tế.

“Con chọn máy ảnh”

Khi Luận mới bắt đầu học lớp 1, không ai, kể cả gia đình họ hàng của anh, tin rằng Luận sẽ có thể học được. Thậm chí khi ba mẹ Luận đưa anh đến trường, thầy cô ở trường nào cũng nói ngay: “Phải cho cháu học ở trường khuyết tật chứ!”. Vậy mà vượt qua mọi định kiến, Luận đã hoàn tất 12 năm phổ thông với thành tích không thua kém các bạn bình thường cùng lứa. Không những vậy, ngoài giờ học ở lớp, Luận còn chịu khó đi học thêm vi tính và mày mò hàng giờ liền trên mạng mỗi ngày để tìm hiểu về ảnh, cách chụp ảnh. Tốt nghiệp phổ thông, Luận chọn học thiết kế mỹ thuật đa phương tiện tại Trường Arena Multimedia (quận 3, TP.HCM). Để hỗ trợ cho Luận khi đi học, ba mẹ anh đưa ra ba món quà và Luận chỉ được chọn một: máy ảnh, xe máy và laptop (máy tính xách tay). “Con chọn máy ảnh” - Luận đã trả lời không chút do dự.

Luận rất chuyên nghiệp

“Khi biết thông tin về thí sinh đặc biệt này, tôi cũng hơi lo lắng vì không biết Luận có thiệt thòi gì so với các bạn khác khi tham gia thi hay không. Tuy nhiên khi làm việc với Luận, tôi mới biết mình lo thừa. Anh rất chuyên nghiệp trong việc chụp ảnh và chủ động trong quá trình làm việc với tổ chức. Ban tổ chức và các thí sinh đều rất yêu quý Luận, không phải vì anh là người khuyết tật mà vì anh có tài năng, đam mê và cả sự lạc quan, hài hước. Với niềm đam mê nhiếp ảnh, sự tự tin vào khả năng bản thân cũng như thái độ khiêm tốn của Luận, tôi tin rằng anh sẽ còn phát triển hơn nữa trong tương lai”.

LẠI HỒNG VY (Trung tâm Hỗ trợ phát triển cộng đồng LIN, đơn vị tổ chức cuộc thi ảnh Rút ngắn khoảng cách 2013: Vì trẻ em)

Vậy là từ đó, bạn bè ở trường đã rất quen thuộc với hình ảnh một cậu bạn nhỏ người sáng sáng đạp xe đi học với lưng áo đẫm mồ hôi, làm bài tập chỉ toàn sử dụng máy ở trường nhưng điểm số vẫn rất cao, với những đề án đầy sáng tạo và đột phá. Bốn năm, đến tận bây giờ, Luận vẫn không có laptop, ngày ngày cọc cạch xe đạp với chiếc balô đựng máy ảnh gần 10kg trên vai.

Tuy nhiên, phương tiện đi lại “thô sơ” này đã không hề ngăn cản được Luận “tả xung hữu đột” trong rất nhiều hoạt động, từ chụp ảnh nghệ thuật, chụp người mẫu đến chương trình hội nghị, ca nhạc và thậm chí là các chuyến đi thực tế xa, những cuộc thi ảnh đòi hỏi người dự thi phải liên tục di chuyển để bắt được khuôn hình đẹp nhất. Ngay cả ngày bình thường, tự Luận cũng liên tục tìm ra, chụp lại những ngóc ngách lạ lẫm trên mỗi bước chân đi như một cuốn nhật ký bằng hình ảnh sống động. Đi học, thấy cái nhà có ô cửa sổ dễ thương, Luận ngừng xe ngay để chụp lại cho bằng được. Trời mưa Luận cũng không ngại việc đạp xe hơn một giờ rưỡi từ Bình Thạnh sang quận 8 để chụp bằng được cảnh đại lộ Đông Tây trọn vẹn nhất...

Tình yêu nhiếp ảnh vô tư và nhiệt tình của Luận đã khiến bạn bè, người thân từ chỗ không ai nghĩ Luận có thể cầm nổi chiếc máy ảnh nặng trịch, giờ đã chuyển sang khâm phục và yêu thích những tấm ảnh trong trẻo, được chăm chút chỉn chu trong từng cú bấm máy của anh. Luận tâm sự: “Chiếc máy ảnh là niềm ao ước của tôi từ lâu và khi có rồi, nó như một người bạn thân thiết vậy, bất kể lúc vui hay buồn, hạnh phúc hay cô đơn. Sau những giờ học ở trường, khi cầm máy ảnh trên tay tôi dường như quên đi hết mặc cảm về vẻ bề ngoài của mình, cái vẻ mà có thể khiến người ta sợ hoặc châm biếm. Và cũng nhờ máy ảnh mà tôi đã có thêm rất nhiều bạn bè thân thiết, nhất là những người có cùng đam mê, sở thích như mình”.

NyeOzAUD.jpgPhóng to
Một ảnh trong chùm ảnh đoạt giải của Minh Luận - Ảnh: Minh Luận

Nói hộ những “mảnh cầu vồng khuyết”

Trong gia tài ảnh đồ sộ suốt bốn năm qua của Luận, rất nhiều ảnh ra đời từ những chuyến anh đi cùng các nhóm tình nguyện lên rừng xuống biển, giúp đỡ người dân khó khăn ở vùng sâu vùng xa. Trong đó, đề tài mà anh luôn cân nhắc, suy nghĩ nhiều nhất khi cầm máy, chọn góc chụp chính là chụp ảnh về người khuyết tật, vì “tôi không muốn bất kỳ ai nghĩ rằng mình đang lấy nỗi đau của họ ra để làm niềm vui khi bấm máy, cười nói thỏa thích khi có những tấm ảnh đẹp” - anh cho biết.

Với sự cẩn trọng đó, Luận đã thu vào ống kính của mình rất nhiều khoảnh khắc chân thực, ngưng đọng về cuộc sống của người khuyết tật như một sự thấu hiểu, đồng cảm sâu thẳm về nỗi đau, sự tổn thương mà có lẽ ít tay máy nào có thể “cảm” hết được. “Có lần, tôi đến thăm và chụp ảnh các em nhỏ có HIV ở một trung tâm nuôi dưỡng trẻ HIV tại Thủ Đức. Nhìn nụ cười hồn nhiên của các em khi đùa giỡn với nhau tôi thấy vui, nhưng rồi để ý kỹ hơn tôi nhận thấy da của các em sậm hơn, sức khỏe cũng yếu hơn trẻ em bình thường. Lần đầu tiên tôi hiểu rằng cuộc sống của các em thật ra ngắn, rất ngắn” - Luận kể lại lần cầm máy day dứt nhất của mình, buồn đến mức tận bây giờ anh vẫn còn bị ám ảnh mãi những gương mặt trẻ thơ đó.

Rồi một lần khác, trong cuộc thi ảnh “Hành trình 60 ngày - Góc nhìn của tôi - Share My View” vào cuối năm 2012, trong khi các thí sinh khác đề cập đến rất nhiều vấn nạn của xã hội, Luận đã quyết định chọn thực hiện bộ ảnh Nghệ thuật từ những hạt gạo đậm chất Việt Nam, xoay quanh sản phẩm tranh gạo của một cơ sở sản xuất do người khuyết tật thành lập và quản lý. Sản phẩm của người khuyết tật làm ra vốn ít được quan tâm về mặt hình ảnh, quảng bá, nên đây cũng là lần đầu tiên thông qua ảnh của Luận, những bức tranh gạo này đến được với đông đảo công chúng một cách ấn tượng và chuyên nghiệp nhất. Kết quả, bộ ảnh của Luận đã vượt qua hơn 1.000 tác phẩm cùng dự thi trên cả nước, đoạt giải ba chung cuộc.

Còn đối với cuộc thi “Rút ngắn khoảng cách 2013: Vì trẻ em” mà Luận vừa đoạt giải nhất, bộ ảnh “Những mảnh cầu vồng khuyết Tê Phan” đã lấy của anh không ít công sức lẫn cảm xúc. Với chủ đề chụp ảnh trẻ em bị thiệt thòi, mỗi thí sinh dự thi được quyền lựa chọn một trung tâm nuôi dạy trẻ hoặc mái ấm để thực hiện ảnh, và Luận đã chọn gia đình tình thương Tê Phan (quận 3). Thời gian gặp gỡ chỉ gói gọn ba lần/tuần, mỗi lần không quá hai tiếng nên trước khi đến Tê Phan, Luận phải tự tưởng tượng trước đường dây liên kết câu chuyện, để rồi khi đến Tê Phan anh nhanh chóng làm quen các em khuyết tật ở đây, nắm bắt và chụp lại đúng “điểm rơi” đắt giá khi các em chơi đùa, ca hát, ăn uống, thậm chí nằm ngủ. Quan sát thôi vẫn chưa đủ, Luận còn cẩn thận ghi âm lại hết những cuộc chuyện trò, từng thanh âm lúc sôi động, lúc lặng lẽ ở ngôi nhà tình thương này. Tối đến khi về nhà, anh bật băng ghi âm, vừa chăm chú nghe lại, vừa xử lý hàng trăm tấm ảnh đã chụp, cặm cụi đến 2, 3 giờ sáng để cho ra đời 30 tấm ảnh ưng ý nhất gửi đi.

“Tôi luôn yêu thích việc chụp ảnh, đặc biệt với những đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội, vì tôi hiểu rằng với họ, và chính tôi, đôi khi thật khó để có thể nói hết những suy nghĩ của mình với thế giới bên ngoài. Chúng tôi có quá nhiều rào cản, chủ quan có, mà khách quan từ định kiến xã hội cũng không ít. Chính vì thế, tôi mong ảnh mình chụp có thể nói hộ phần nào những tâm sự, tình cảm đó của cộng đồng còn rất ít tiếng nói này” - Luận nói, dù phát âm chậm, có phần khó khăn, nhưng lòng quyết tâm và nhiệt huyết thì vẫn đong đầy trong từng tiếng, từng câu và đôi mắt sáng ngời của anh...

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp