Vỉa hè đường Hai Bà Trưng (TP.HCM) nham nhở, lún sụp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tại TP.HCM, ngoài các tuyến phố cũ, hàng loạt tuyến đường mới xây xong có vỉa hè bị hư hỏng, lún sụt, bong tróc như: đường Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt, Hải Thượng Lãn Ông, Tầm Vu...
Vỉa hè bị hư hỏng, ngoài nguyên nhân do người đi đường chạy xe máy lên còn do các đơn vị thi công lắp đặt công trình ngầm (như điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp nước, thoát nước...) tái lập mặt bằng sơ sài, không đảm bảo chất lượng theo quy định, dẫn đến vỉa hè bị biến dạng cục bộ, nhanh xuống cấp.
Mỗi nơi làm mỗi kiểu
Lâu nay, vỉa hè trên cùng tuyến phố do nhiều cơ quan quản lý theo địa bàn, cấp phép thi công. Chẳng hạn vỉa hè đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai do ba quận quản lý gồm: quận 1, 3, Bình Thạnh.
Mỗi khi có nhu cầu cải tạo, sửa chữa vỉa hè, cần sự phối hợp đồng bộ kích thước, màu sắc, chuẩn loại gạch sử dụng. Thế nhưng, nhiều khi vỉa hè trên cùng một tuyến đường, địa phương này sửa chữa, nơi khác chưa có nhu cầu.
Còn việc đào đường, vỉa hè để thi công lắp đặt công trình ngầm chưa có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan từ lập kế hoạch, thiết kế, cấp phép, thi công. Trên cùng tuyến đường có quá nhiều đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật...
Việc đào đường, vỉa hè ngoài phục vụ một số dự án trọng điểm cần khẩn trương thi công để kịp giải ngân thì có rất nhiều đường bị đào xới lên để lắp đặt công trình ngầm cấp nước, cấp điện, chiếu sáng, viễn thông...
Cần có đơn vị làm đầu mối đầu tư xây dựng hào kỹ thuật để cho thuê, ngầm hóa các công trình hạ tầng. Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng thì trả phí, giống như Thái Lan và Singapore đã làm để tránh đào đi đào lại nhiều lần trên cùng tuyến đường
Điều đáng nói là mỗi nơi làm mỗi kiểu, khác thời điểm, hết đơn vị này tới đơn vị kia, cứ có nhu cầu là lập hồ sơ xin cấp phép thi công với lý do... cấp thiết! Chưa kể tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tái lập mặt đường, vỉa hè không đúng hiện trạng.
Trong khi đó, bộ phận giám sát việc này mỗi nơi khác nhau và nhiều khi thiếu kinh nghiệm chuyên ngành nên không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể phát hiện vỉa hè, lòng đường được tái lập không đúng quy định.
Phạt nhẹ, không có tác dụng chế tài
Thực tế không ít đơn vị đã vi phạm về tái lập mặt đường, vỉa hè, thậm chí tái phạm nhiều lần vì chưa có chế tài đúng mức để ràng buộc trách nhiệm.
Theo quy định, mức phạt không hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu chỉ từ 1-3 triệu đồng với cá nhân, từ 2-6 triệu đồng với tổ chức. Mức phạt này là quá nhẹ!
Về lâu dài, cần chế tài đủ mạnh bằng cách tăng mức phạt lên nhiều lần so với mức phạt hiện nay.
Trước khi cấp phép đào đường, vỉa hè, buộc cá nhân và tổ chức xin cấp phép phải ký quỹ một khoản tiền.
Sau đó, khoản tiền này được trả lại nếu cá nhân, tổ chức thi công đào đường không vi phạm. Ngược lại, nếu tái lập vỉa hè, mặt đường không đảm bảo thì cơ quan chức năng lấy khoản tiền ký quỹ này để khắc phục.
Với các dự án trọng điểm, cần có chế tài đối với chủ đầu tư để tăng cường trách nhiệm quản lý và điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhằm rút ngắn thời gian thi công, hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Hơn nữa, xem xét trách nhiệm bồi thường nếu gây ra thiệt hại cho người đi bộ, ảnh hưởng đến mỹ quan và du lịch.
Ngoài ra, thanh tra Sở Giao thông vận tải TP với vai trò và nhiệm vụ được giao, cần tăng cường kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Thậm chí, đình chỉ thi công nếu đơn vị thi công gây mất an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; kiến nghị không cấp phép cho đơn vị tái phạm.
Phần lớn vỉa hè hiện nay do quận huyện quản lý theo địa bàn phân cấp. Vì vậy các quận huyện phải kịp thời kiểm tra, phát hiện các hư hỏng để sửa chữa nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và để người dân yên tâm đi bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận