Bạn trẻ dùng mạng xã hội để kêu gọi hưởng ứng Giờ Trái Đất - Ảnh: K.ANH
Các bạn đã chia sẻ với Nhịp sống trẻ những mục đích khác nhau khi đến với mạng xã hội (MXH).
* Phạm Đình Đại Đức (HS lớp 12 THPT Tân Phong, Q.7): Giao tiếp với bạn bè
Tôi dùng MXH để trao đổi thông tin với bạn bè. Không ai có thể phủ nhận sự tiện lợi này của MXH. Tất nhiên, khi dùng MXH phải tự học thêm cho bản thân kỹ năng lọc thông tin, bởi trên đó... "cái gì cũng có".
* Nguyễn Ngọc Trâm (HS lớp 11 THPT Nguyễn Trãi, Q.4): Hỏi nhau việc học
Tôi không thể thiếu điện thoại thông minh một ngày vì ngoài giờ học tôi thích lên MXH để giải trí. Tôi còn thích nghe nhạc từ các trang mạng và cũng thỉnh thoảng xem phim. Bên cạnh những mặt hạn chế, MXH có nhiều cái tốt. Chúng tôi nhờ có MXH mà hỏi nhau việc học khi cần thiết cũng dễ hơn.
* Nguyễn Mạnh Hùng (HS lớp 8 THCS Lê Quý Đôn, Q.3): Không biết thông tin đúng không nữa
Rất nhiều học sinh cấp II như chúng mình đã dùng điện thoại thông minh, vào MXH như Facebook để lướt xem thông tin và clip.
Tụi mình thấy có rất nhiều clip quay lại cảnh đánh nhau hay ăn nói kiểu chửi thề và mấy bạn xem xong rất thích nói theo để tỏ vẻ "giang hồ" giống như mấy người trong clip.
Nhưng nhiều khi tụi mình cũng không thể biết thông tin trên MXH có đúng không nữa.
* Đặng Ngọc Minh Quân (HS lớp 12 THPT Tân Phong, Q.7): Theo trào lưu
Hiện nay, người trẻ thường đi theo các phong trào, trào lưu được xem là thú vị, vui nhộn mà không quan tâm đến việc đó sai hay đúng, chỉ cần thấy một số người hưởng ứng thì vài ngày sau đó đã trở thành số đông. Chính vì thế mới xảy ra việc các bạn trẻ "rủ nhau" hâm mộ những người không phù hợp.
* Nguyễn Ngọc Ánh (SV năm nhất Trường ĐH Tài chính - marketing): Học cách lọc thông tin
Nhiều rắc rối đến từ việc sử dụng MXH như tin giả, tin rác, đăng thông tin thất thiệt để câu view và hiện giờ lại là việc hâm mộ những người không phù hợp.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng hiệu ứng đám đông trên MXH, tôi nghĩ rất cần thiết có những buổi chia sẻ kỹ năng sử dụng MXH căn bản cho người trẻ, từ việc bảo mật thông tin ra sao, bảo vệ bản thân mình trên môi trường mạng thế nào, đến cách tư duy phản biện nhìn ra các mặt của vấn đề, chọn lọc được các thông tin đúng - sai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận