15/09/2019 11:15 GMT+7

Mạng xã hội làm con người... nhanh quên

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - PGS.TS Trần Xuân Bách - ĐH Y Hà Nội, đang nghiên cứu về những “hành vi bạo lực kiểu mới” trên MXH như dọa nhau, bịa đặt trên mạng - chia sẻ những kết quả đầu tiên mà ông ghi nhận được.

Mạng xã hội làm con người... nhanh quên - Ảnh 1.

Một tay chạy xe một tay online điện thoại - Ảnh: QUANG ĐỊNH

PGS Bách cho biết với những người sử dụng MXH cho các nhu cầu cá nhân, nếu sử dụng đến mức không kiểm soát được thời gian, hành vi của mình có thể dẫn đến tình trạng bệnh lý với những biểu hiện tương tự "cơ chế lệ thuộc" khác như cơ thể bồn chồn, thôi thúc phải được đáp ứng nếu thiếu, ví dụ như sáng vừa mở mắt đã xem trên mạng có gì, có tin gì mới, nếu không như thiếu thốn một thứ gì đó.

* Điều gì đã hấp dẫn người ta, kéo người ta vào "cơ chế nghiện" đó?

- MXH có những lợi ích mà ai cũng nhận ra, thúc đẩy nhiều phần của cuộc sống nhưng vì sao 2-3 năm nay lại bùng nổ? Tôi cho là có một số tính năng của MXH dẫn đến điều này. Cụ thể là nút follow (theo dõi) và like (thích, quan tâm), nó đánh trúng vào cái tôi vũ trụ, cái tôi trung tâm của mỗi người.

Những tác động này dễ tạo ra cảm giác thích thú, hứng khởi, cảm thấy mình "quan trọng", được quan tâm, được yêu thích... Cảm giác này làm người sử dụng có xu hướng tiếp tục những hành động khác để duy trì và dần dần lệ thuộc vào đó.

Nhưng hãy nhớ rằng nếu ta sa đà vào trạng thái trên mạng, hậu quả mà đã có nhiều người gặp phải, đó là giảm tập trung, giảm chú ý, giảm trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, dễ nổi nóng, hung hăng, hay bức xúc, ở trẻ em những biểu hiện này càng nguy hiểm hơn.

Lý do của tình trạng này là trên mạng nhiều thông tin, có thông tin kích thích thần kinh cao, tần suất xuất hiện và thay đổi nhanh và nhiều, thôi thúc người dùng phải đáp ứng.

Nhiều người chúng ta không ghi nhớ được, sàng lọc được, từ đó dẫn đến một trạng thái là thấy tin gì cũng bình thường, chuyện gì cũng thấy bình thường, không có gì quan trọng, cái gì cũng vô nghĩa, hoặc quá tin, phản ứng quá mức với các thông tin nhận được dẫn đến lo lắng.

Các thông tin có tính chất hấp dẫn sự chú ý như cực đẹp, cực tốt, cực xấu, trái ngược, đảo lộn... thường làm thần kinh bị kích thích cao độ, liên tục, kéo dài, trong khi con người chưa đủ đề kháng về mặt tâm lý để bảo vệ trước những vấn đề như vậy.

Từ đó rơi vào trạng thái tâm lý hoài nghi, hoảng loạn, bất an, hay quên, khó nhớ, rối loạn giấc ngủ, điều này có thể gặp ở nhiều người sử dụng MXH ở mức bệnh lý từ 2-3 năm trở lên.

* Ông có nói đến "sức đề kháng", hàng rào bảo vệ khi dùng MXH. Hàng rào đó là gì?

- Kinh nghiệm của tôi là tắt bớt các tính năng báo hiệu trên MXH. Tôi cũng dùng MXH và nghiên cứu nó, nhưng tôi không để tính năng báo hiệu khiến mình phân tâm.

Nếu dùng theo kiểu cứ liên tục theo dõi, chẳng có lúc nào cho nghỉ ngơi và làm việc. Sự "thúc giục" từ những nút báo hiệu trên mạng khiến chúng ta bị thôi thúc phải đáp ứng, lâu dần sẽ dẫn đến sa sút trí nhớ và dễ nổi nóng.

Chúng ta điều khiển các tính năng trên mạng, chứ không để các tính năng ấy điều khiển mình, thông qua việc phân loại, loại bỏ bớt việc follow những tài khoản mà chúng ta không thấy cần thiết, đồng thời phản biện nội tại về chất lượng thông tin, chứ không phải xem gì trên mạng cũng "ồ", cũng thấy ngạc nhiên và tiếp nhận luôn. Phản biện để chỉ tiếp nhận thứ hay ho, có giá trị.

* Có một vấn đề hay gặp ở VN là chuyện gì cũng đưa lên mạng, theo ông có hại gì không?

- Đây là thói quen mang tập tính văn hóa của xã hội chúng ta, vì thế chúng ta ghi nhận chứ không đặt ra việc có hại gì hay không. Ví dụ như nhiều người dùng MXH ở VN chuyện gì cũng đưa lên mạng. Nhưng người Mỹ không bao giờ đưa ảnh con lên mạng vì sợ bị bắt cóc.

Còn người Việt có khi con bị muỗi đốt cũng đưa lên mạng. Khi chúng ta nhìn nhận là tập tính văn hóa thì chính cộng đồng sẽ có cách đào thải và phát huy những thói quen có lợi ích nhất. Điều quan trọng là chúng ta cần giúp người sử dụng nhận thức đầy đủ về MXH.

* Về những tác hại của MXH, như ông nói là những chứng hay quên, rối loạn giấc ngủ... có gia tăng trong thời gian gần đây ở VN không?

- Nghiên cứu của chúng tôi mới ở quy mô nhỏ, nhằm khám phá vấn đề chứ chưa lượng hóa được đầy đủ. Tuy nhiên, với một số yếu tố mang tính xu hướng như vậy, có tiềm năng tác động đến số đông, đặc biệt là người trẻ, hệ lụy có thể lớn nên cần phải can thiệp sớm.

Điều quan trọng là chúng ta cần chấp nhận MXH như một tất yếu phát triển trong thế giới số đáp ứng một phần thiết yếu của con người là sự tương tác, do đó cần nghiên cứu và khai thác để có thể sử dụng được những mặt hữu ích và giảm những tác hại, hệ lụy của nó.

Phải dành thời gian làm việc

Một điều đáng mừng là gần đây chúng ta đã thấy có nhiều thói quen, "giá trị mới" của cộng đồng mạng được hình thành.

Ví dụ như nhiều người loại bớt những người không quen biết, không có tương tác phù hợp trong danh sách bạn bè, hoặc bỏ follow những tài khoản mà theo họ là không đem lại năng lượng tích cực cho cuộc sống, chỉ chia sẻ tin trong nhóm bạn của mình.

Đó cũng là những động tác nhằm làm giảm dần thời gian quan tâm đến MXH để dành thời gian cho những công việc trong đời thực. Cuộc sống sẽ tự sàng lọc, bên cạnh sự lựa chọn của chúng ta.

Mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở cung cấp dịch vụ cũng nên xây dựng những hình ảnh tốt đẹp trong đời thực cũng như trên mạng, để khi nếu có những tin giả trên mạng về cơ sở đó, nhưng trong đời thực thì chất lượng dịch vụ tốt đã ăn sâu vào tiềm thức người dân rồi, không có gì phải quá lo ngại.

Cơ quan quản lý cũng cần sử dụng hiệu quả MXH như một kênh thông tin đại chúng, để tranh thủ được sự đóng góp chia sẻ của cộng đồng, định hướng và phối hợp trong giải quyết, và có được sự đồng thuận của dư luận. PGS.TS Trần Xuân Bách

Nên sợ một chút đối với mạng xã hội Nên sợ một chút đối với mạng xã hội

TTO - Trong bài viết mới đây trên báo Pháp Le Monde, giáo sư triết học Thomas Schauder cho rằng Facebook đã phát triển vượt quá những gì mà người tạo ra nó tưởng tượng ban đầu.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp