14/03/2015 10:46 GMT+7

Mạng xã hội "ám ảnh" con tôi

GIANG BÌNH
GIANG BÌNH

TTO - Đọc bài “Ăn ipad, chơi ipad, ngủ cũng ipad”, sao mà giống trường hợp ở nhà tôi đến thế.

Ảnh minh họa

Do yêu cầu công việc tôi phải lắp mạng để làm việc tại nhà. Chẳng biết từ bao giờ, các con đã biết đến Internet.

Muôn vàn thứ trên đó mà con tôi trải qua: các trò chơi game, các bài học tiếng Anh, phim hoạt hình...

Lúc này con gái lớn của tôi hay kể ở lớp bạn nào cũng có tài khoản ở Zingme, ở Facebook, cùng chơi game trực tuyến hay lắm mẹ ạ. Rồi cháu mày mò thế nào đã tự lập được tài khoản Zingme.

Biết là có cấm con cũng không được, tôi đã phải ngồi nói chuyện phân tích game hay mạng xã hội chỉ là để giải trí, con đừng để nó điều khiển mà quên đi việc chính là việc học.

Internet có rất nhiều công dụng khác giúp con học tốt hơn, khám phá thế giới tốt hơn. Rồi cứ thi thoảng, tôi lại kể về những câu chuyện có cô bé, cậu bé học sinh ham mê điện tử, ham mạng xã hội mà mất đi cuộc sống bình thường, hay bị phạm tội để nhắc nhở con.

Từ kinh nghiệm bản thân sử dụng mạng nhiều tôi khuyến khích cháu tìm kiếm thông tin hữu ích trên mạng. Khi học bài, đến phần chưa hiểu, cháu đã có thể vào mạng google những thông tin, hình ảnh cần thiết.

Rồi có lúc cháu khoe con gấp hoa theo hướng dẫn trên mạng để tặng mẹ nhân ngày 8/3. Đôi lúc cháu kể những câu chuyện cười mới đọc trên mạng cho tôi.

“Mẹ có biết facebook là gì không. Face là mặt, book là sách, facebook là cắm mặt vào sách đấy, hihi”. Hoặc tự dưng cháu kể “bạn A của con vừa bị ốm đấy mẹ ạ”. “Sao con biết”, “con vừa chat với bạn ấy trên Zingme”.

Thấy con sử dụng mạng như vậy không ảnh hưởng đến việc học, tôi đã yên tâm phần nào.

Nhưng rồi một lần vô tình vào tài khoản Zingme của con, tôi choáng váng đến bất ngờ khi đọc những dòng trạng thái status của con. Nào là cô đơn, nào là buồn, nào là thấy xung quanh giả dối.

Thực sự là tôi đã thấy sốc nặng. Cả một ngày trời, tôi phải gác lại mọi việc để đọc kỹ từng mẩu chat của con, từng status của con.Tôi không muốn cấm đoán con vì thực sự rất khó cấm hoặc nếu cấm, con sẽ giấu diếm và lúc đó không biết còn có chuyện gì xảy ra.

Tôi luôn muốn là người bạn để con có thể tâm sự mọi chuyện. Thế là lại phải lựa lời, gần gũi, hỏi han xem con có chuyện gì, vờ như mình không biết gì. Hóa ra mọi việc cũng không đến nỗi trầm trọng lắm.

Nhưng với một cô bé mới lớn, vấn đề lại trở nên phức tạp. Việc các bạn ở lớp chia bè, chia phái thành chuyện giả dối với nhau. Hay chẳng hạn một hôm cho con đi chơi hội chợ từ thiện với các bạn, rồi tất cả kéo nhau ra quán ăn uống. Lúc về con hào hứng nói chuyện “hôm nay vui quá mẹ nhỉ”.

Thế mà đến tối lại có trạng thái là buồn. Lân la hỏi “sao mẹ thấy con có vẻ buồn nhỉ”. “Hihi, buồn vì hôm nay đi chơi ít quá. Giá ngày nào hay tuần nào cũng được đi chơi như vậy thì thích mẹ nhỉ”. “Con ơi, ngày nào cũng thế thì mẹ chết tiền à”. “Hí hí, đấy là con ước vậy thôi”.

Đến giờ tôi vẫn chưa thể yên tâm với việc con sử dụng mạng xã hội. Cái gì cũng có hai mặt, mạng xã hội cũng có mặt tốt, mặt xấu. Vấn đề là làm thế nào để hướng dẫn con nhìn vào mặt tích cực của nó? Thật là một bài toán khó.

Tôi đã thống nhất với con gái chỉ vào mạng sau khi đã hoàn thành bài vở và con trai chỉ được chơi vào cuối tuần. Theo các bạn liệu tôi làm như vậy có đúng không. Và liệu tôi có cần cứng rắn cắt mạng, cắt truyền hình cáp nữa không. Hay có nên tạo một tài khoản để làm bạn với con không?

TTO mong nhận được những ý kiến chia sẻ, những câu chuyện, những giải pháp, những kinh nghiệm liên quan đến chủ đề này, qua mail [email protected].

 

GIANG BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp