Gọi là cho thuê vì có những người chấp nhận trả tiền để chụp ảnh cùng chim - thú. Nhưng có rất nhiều khách vô tình đứng gần con vật để chụp ảnh cũng bị đòi tiền thì khác gì ép người quá đáng, móc túi du khách một cách trắng trợn.
Kiểu kiếm tiền này cũng không phải mới. Chuyện này có hàng chục năm rồi. Gia đình tôi từng mấy lần ấm ức khi phải trả tiền vì lỡ cùng ngựa, chim ở các điểm du lịch.
Tại một điểm du lịch có tiểu cảnh chụp ảnh trên lưng ngựa, con gái tôi khi ấy 5 tuổi, chưa thể an toàn khi lên lưng ngựa. Con đứng cách con vật mấy mét, say mê nhìn con vật.
Tôi lấy máy ảnh ra chụp cho con tấm hình vừa xong đã thấy một người đến thu tiền. Lý do là ngựa này để chụp ảnh thu tiền.
Lần đến hồ Suối Vàng (Đà Lạt) nhiều năm trước, giữa khung cảnh đồi thông có một con chim lạ, lông màu rực rỡ đang đậu trên nhánh cây trong tiểu cảnh, em gái tôi đứng ghé vào chụp ảnh xong có một chị bước ra thu 10.000 đồng mỗi tấm ảnh.
Chị lạnh lùng: "Ở đâu có ai mang chim đẹp như vầy ra đây cho chụp hình vậy?". Sau chúng tôi có một nhóm du khách lời qua tiếng lại với chị này khi chị đòi đếm số ảnh du khách đã chụp để thu tiền.
Mọi chuyện sẽ hợp lý hơn nếu người ta ghi rõ một dòng thông tin với du khách về việc du khách sẽ phải trả tiền khi chụp ảnh với con vật. Như vậy cũng là một dịch vụ, khách chấp nhận thì chi tiền, không thì thôi và tốt nhất là niêm yết rõ số tiền.
Đây cứ để con vật đứng trơ ở đó, khách vô tình hoặc cố ý chụp ảnh gần đó tự nhiên có người bước tới đòi thu tiền. Làm dịch vụ kiểu gài, ép nhau như thế này thật sự "hung tợn" và kém văn minh.
Thực tế là những người "ăn tiền" bằng hình ảnh chim thú kiểu này vẫn còn đất sống hàng chục năm qua, tuy không phổ biến nhưng nhiều nơi vẫn còn. Du khách vẫn phải móc tiền túi trả 5.000, 10.000, 20.000 đồng cho yên chuyện, đôi co sẽ thành mất vui cho cả đoàn.
Chuyện ba người mang bốn con chó lớn ra ngồi chễm chệ chiếm không gian đẹp ở quảng trường gần hồ Xuân Hương mới đây là một ví dụ điển hình kiểu kiếm tiền như móc túi du khách.
Du khách muốn chụp ảnh cùng với chú chó đều phải đưa tiền. Ngược lại, ai không muốn thì khó đến gần vị trí gốc mai anh đào nơi mấy chú khuyển đang chiếm chỗ.
Những người chủ của chó bị phạt vì việc đưa chó ra ngoài không có người dắt, không rọ mõm chó. Nhiều người đồng tình với việc xử phạt này.
Sau vụ này, có thể thấy tiếng nói mạnh mẽ của du khách với kiểu thu tiền bằng cách mang chim thú ra ép du khách chi tiền. Mong có thêm nhiều phản ánh tương tự để dẹp kiểu kiếm tiền kỳ cục này.
Ở góc nhìn khác, chính quyền địa phương và quản lý các điểm du lịch nên lưu tâm hơn về việc này. Mọi dịch vụ có thu tiền (và cả không thu tiền) trong các điểm du lịch, ban quản lý không thể không biết. Vậy tại sao để một số người ngang nhiên mang chim thú ra để làm cớ thu tiền như vậy?
Cuộc sống văn minh hơn, ứng xử với động vật cũng phải khác. Sao còn có chuyện bắt chim thú phải phơi mình làm mẫu chào mời du khách để chủ thu tiền?
Dư luận đã đồng tình việc Đắk Lắk ngưng dịch vụ cưỡi voi cũng như ghi nhận sự lựa chọn của Đồng Tháp về việc tỉnh này tính cách cải thiện môi sinh để "mời" đàn sếu bay về Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông sinh đẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận