28/01/2021 09:48 GMT+7

Mang tết đến công nhân xa quê

VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU
VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU

TTO - Theo ước tính của cơ quan chức năng, các địa phương tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đều có hàng trăm ngàn công nhân không về quê ăn tết.

Mang tết đến công nhân xa quê - Ảnh 1.

Niềm vui của bé Tuấn Khanh (giữa) cùng chị em khi nhận bao lì xì tại chương trình Tết sum vầy do quận Bình Thạnh tổ chức. Năm nay gia đình Tuấn Khanh không về Thanh Hóa đón tết - Ảnh: VŨ THỦY

Các hoạt động chăm lo tết cho những công nhân xa quê đang được các địa phương chuẩn bị chu đáo...

Hết dịch bệnh lại ngập mặn, bão lũ, năm nay người lao động, công nhân tại TP.HCM không về quê đón tết tăng đột biến so với mọi năm. Người ở lại tranh thủ làm thêm, có người muốn tiết kiệm chi phí.

60-70% công nhân không về quê

"Năm nay số lượng công nhân không về quê ăn tết sẽ tăng nhiều so với năm trước. Theo nắm bắt tình hình thì số lượng công nhân ở lại ăn tết sẽ khoảng 60-70%" - ông Huỳnh Văn Tuấn, chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, thông tin tại họp báo về tình hình thưởng và chăm lo Tết Nguyên đán cho người lao động. 

Theo đó, sẽ có khoảng 166.000 - 193.000 lao động trong tổng số khoảng 277.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở lại ăn tết tại TP.HCM.

Theo Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), trong năm 2020 đã có 93 doanh nghiệp thông báo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với khoảng 20.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 1.500 lao động nghỉ việc không hưởng lương và gần 11.000 lao động tạm ngừng việc có hưởng lương. 

Ông Nguyễn Thành Đô - trưởng ban chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động TP.HCM - cũng nhận định năm nay số công nhân, lao động không về quê ăn tết nhiều hơn hẳn so với các năm.

"Năm nay lương thưởng bị giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số công nhân không về quê tăng lên. Có thể thấy điều này qua việc năm nay số công nhân đăng ký vé về quê giảm mạnh. Mọi năm các cấp công đoàn TP.HCM hỗ trợ hơn 40.000 vé xe miễn phí cho công nhân. Nhưng năm nay thống kê sơ bộ số công nhân đăng ký vé giảm nhiều. Năm ngoái khu chế xuất - khu công nghiệp có hơn 4.000 thì năm nay chỉ khoảng 1.500 vé" - ông Đô chia sẻ. 

Theo Liên đoàn Lao động TP.HCM, năm nay các tổ chức công đoàn tại TP dự kiến vận động 35.000 vé xe hỗ trợ người lao động về quê đón tết. Tuy nhiên thống kê sơ bộ đến nay mới chỉ có hơn 9.000 người lao động đăng ký vé xe.

Khảo sát tại nhiều khu nhà trọ ở TP.HCM, số lượng công nhân ở lại ăn tết nhiều hơn mọi năm. 

"Khu trọ tôi có chừng 160 phòng nhưng có khoảng 70 phòng có người ở lại rồi, chủ yếu là các bạn ở miền Trung. Năm nay nhiều công nhân phải nghỉ làm mấy tháng mùa dịch, đi làm lại cũng không có tăng ca nên khó khăn hơn hẳn" - anh Nguyễn Thành Tâm, chủ một khu trọ ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức), cho biết. 

Trong khu trọ cũng có nhiều người quê miền Tây ở lại. "Ở miền Tây có gì chạy xe máy về cũng được, nhưng người ở lại đi làm, người ít tiền ít bạc, về quê phải chi tiêu nhiều nên cũng ở lại" - anh Tâm chia sẻ.

Mang tết đến công nhân xa quê - Ảnh 2.

Con em công nhân chơi tô tượng cùng anh chị đoàn viên thanh niên quận Tân Phú, TP.HCM tại tiệc tất niên cuối năm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Xa quê vẫn có tết

Số lượng công nhân ở lại TP.HCM ăn tết nhiều hơn nên năm nay các hoạt động tại chỗ cho công nhân đón tết được tổ chức với quy mô gấp đôi, gấp ba. 

"Năm nay, chương trình Tết sum vầy chăm lo cho công nhân không về quê đón tết sẽ gắn với các khu nhà trọ, các khu vực đông công nhân, các phiên chợ bán hàng giảm giá cho công nhân cũng sẽ được tăng cường để công nhân ở lại được chăm lo tết" - ông Nguyễn Thành Đô cho hay.

Theo ông Đô, năm nay sẽ có khoảng 4.000 hộ gia đình tham gia chương trình Tết sum vầy được tổ chức tại các cụm quận, huyện (năm 2019 khoảng 1.500 hộ gia đình). 

Là một trong những quận đầu tiên tổ chức Tết sum vầy cho công nhân, Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh đã họp mặt 130 gia đình và 58 công nhân khác không về quê đón tết để cùng ăn tiệc tất niên. Tại buổi tất niên, mỗi gia đình công nhân được nhận 1 triệu đồng tiền mặt và quà tết trị giá 500.000 đồng, con em công nhân cũng được nhận lì xì.

Với số lượng công nhân ở lại khoảng 60-70%, năm nay Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng tặng quà cho khoảng 13.000 người, trong đó có khoảng 11.000 lao động khó khăn tại các doanh nghiệp, 2.000 công nhân khó khăn tại các khu nhà trọ, khu lưu trú. 

Đồng thời, chương trình Ngày hội vui tết cùng công nhân với sự tham gia của 500 công nhân là người lao động khó khăn không về quê đón tết, công nhân có gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và công nhân mắc bệnh hiểm nghèo cũng sẽ được công đoàn tổ chức tại Đầm Sen để công nhân và con em họ có điều kiện được vui chơi. 

Ngoài ra, Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân (Thành đoàn TP.HCM) cũng phối hợp với các chủ nhà trọ tổ chức tiệc tất niên tại 10 khu vực nhà trọ có đông công nhân.

Mang tết đến công nhân xa quê - Ảnh 3.

Công nhân làm việc tại nhà máy ở KCN Nhơn Trạch 1 (Nhơn Trạch, Đồng Nai) - Ảnh: A LỘC

Xin không nhận vé miễn phí

"Nhà mấy đứa sập rồi lấy đâu mà về quê. Đứa khác thì lương thưởng chả ra làm sao nên không về quê ăn tết. Năm ngoái chỉ có một phòng ở lại, năm nay thì mấy phòng miền Trung đều ở lại hết" - cô Nguyễn Tuyết Anh, chủ một dãy trọ tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức), cám cảnh.

Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ (34 tuổi, quê Quảng Nam) làm công nhân lương không đủ sống nên hai vợ chồng đã chuyển qua đẩy xe bán bún riêu, bò kho nuôi đứa con trai 5 tuổi.

"Trước bão, chồng em lo nhà yếu chỉ có một mình mẹ ở nhà nên dồn được chừng 10 triệu, vay mượn thêm 10 triệu về sửa nhà cho mẹ. Vừa sửa xong thì bão, cây to đổ xuống làm sập nhà. Mẹ không có chỗ ở nên cũng vào đây ở luôn với hai vợ chồng. Giờ còn chưa biết xoay xở tiền bạc như thế nào nên nhà vẫn còn để vậy. Cô chủ nhà xin được vé miễn phí mà em xin không nhận. Tết này cả nhà đành ở lại đây ăn tết" - chị Lệ nói.

Chị Nguyễn Thị Thơm (40 tuổi, quê Ninh Bình), công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), cũng được tặng vé nhưng không về.

"Vé về thì không lo. Nhưng về đủ thứ chi phí, ít nhất cũng phải 20 triệu đồng mới đủ về quê. Mà công ty từ đầu năm tới giờ mới cho tăng ca hai tháng nay và đã giảm biên chế một đợt. Sắp tới nghe nói sẽ cắt giảm thêm đợt nữa, lỡ mà thất nghiệp không biết xoay xở làm sao" - chị Thơm chia sẻ.

Gia đình 4 người, nhà chị Lê Thanh Huyền (38 tuổi, quê ở Huế) lại chỉ còn một lao động chính là chồng chị đang làm bảo trì máy móc cho một công ty ở Thủ Đức nên "sao về nổi".

Chị kể đã nghỉ thai sản đứa con thứ hai, lẽ ra đã đi làm lại từ tháng 3 năm trước nhưng lúc đó dính ngay đợt dịch, công ty không có hàng, không tăng ca nên lương chẳng được là bao.

"Nếu đi làm, lương cũng không đủ bù tiền gửi con mà cũng không ai đưa đón đứa lớn. Vậy nên tôi nghỉ luôn ở nhà giữ con và đưa đón đứa lớn đi học" - chị kể.

Còn có một mình đi làm nên chồng chị phải nhận thêm công việc ban đêm.

"Đợt dịch các bộ phận công ty anh phải nghỉ gần hết, chỉ giữ lại 1-2 người. Ảnh may mắn được giữ lại. Nhưng làm một việc đâu đủ sống nên ảnh phải đi làm thêm ở ngoài. Ai kêu gì ảnh cũng làm. Lúc thì làm hồ, khi sửa chữa cho các xưởng tư ở ngoài. Tối nào cũng phải hơn 10 giờ ảnh mới về" - chị tâm sự. Nhắc việc sắm tết, chị bảo vẫn đang chờ xem chồng có tiền thưởng cuối năm hay không vì "tháng nào chi tiêu hết tháng đó".

Doanh nghiệp tìm cách "níu chân" công nhân

tet sum vay _ 3

Năm nay gia đình không về quê Ninh Bình đón tết, cô bé Khánh Vy - con chị Nguyễn Thị Thơm, công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (Q. 7) - có niềm an ủi từ chiếc đầm mẹ mua để mặc tết - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên năm nay là năm đầu tiên Bình Dương có lượng công nhân xa quê không về ăn tết tăng đột biến so với mọi năm. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương ước tính có khoảng 250.000 người lao động không về quê dịp tết, tăng khoảng 100.000 người so với năm trước.

Phần lớn lao động không về ăn tết có quê ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Trong khi đó, người lao động từ các tỉnh miền Tây vẫn có kế hoạch về quê do khoảng cách gần, có thể đi bằng xe máy.

Chị Nguyễn Thị Loan (quê Hà Tĩnh) cho biết đã vào Bình Dương được ba năm; hai con của chị một đứa theo cha mẹ, một đứa gửi ông bà ở quê. Đợt mưa lũ vừa rồi khiến gia đình ở quê rất khó khăn, cộng với ảnh hưởng của dịch nên chị quyết định ở lại để tiết kiệm tiền, dù rất nhớ đứa con đang ở quê. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Yên (45 tuổi, công nhân Công ty Leading Star, TP Thuận An) đã 20 năm kể từ khi rời Bắc Giang vào Bình Dương mưu sinh, chị không về quê dịp tết mà chỉ tranh thủ về được những ngày thường. "Ngày tết chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần so với ngày thường. Ở quê tôi khó khăn lắm nên nếu tiết kiệm được chút nào hay chút ấy, gửi giúp bố mẹ và mọi người ở quê" - chị Yên nói.

Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp, các công đoàn đều cho biết năm nay số lượng công nhân không về quê ăn tết cao đột biến so với mọi năm. Các doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nên cũng tìm nhiều cách để chăm lo và "níu chân" người lao động.

Tại Công ty Chí Hùng (thị xã Tân Uyên), trước dịch công ty có khoảng 12.000 lao động, hiện chỉ còn khoảng 9.000 người. Phần lớn lao động của công ty đến từ miền Tây và miền Trung. Do năm vừa qua miền Trung thiên tai liên tiếp nên công nhân đã tranh thủ về thăm quê trong năm, vì vậy tết này nhiều người không về nữa.

Ông Nguyễn Minh Tiến - chủ tịch công đoàn Công ty giày Thông Dụng - cho biết năm nay dù ảnh hưởng của dịch nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì thưởng một tháng lương cho công nhân. Công ty hiện có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 4.000 lao động để đáp ứng các đơn hàng sau tết.

Thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết khoảng một nửa trong tổng số gần 1.500 doanh nghiệp đã báo cáo có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2021. Trong đó, mức thưởng tết bình quân là 7,66 triệu đồng/người, cao hơn mức thưởng bình quân của năm trước. Mức thưởng cao nhất là 497 triệu đồng/người, mức thưởng thấp nhất là 4,42 triệu đồng/người (đối với những doanh nghiệp đã có kế hoạch thưởng tết).

Bà Nguyễn Kim Loan - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương - cho biết do lượng công nhân ở lại ăn tết tăng đột biến nên năm nay các cấp công đoàn chú trọng nhiều hoạt động chăm lo người lao động ăn tết tại nơi mình làm việc. Ngoài việc tổ chức đưa 4.000 công nhân lao động về quê, công đoàn tỉnh Bình Dương còn tổ chức các hoạt động tại chỗ, các phiên chợ công nhân, các hoạt động văn nghệ, thăm hỏi người lao động đêm giao thừa...

BÁ SƠN

Tiệc tất niên ấm áp của gia đình công nhân môi trường Tiệc tất niên ấm áp của gia đình công nhân môi trường

TTO - Những tô phở từ các đầu bếp Hoa hồi vàng - người nấu phở ngon nhất được tuyển chọn từ cuộc thi 'Đi tìm người nấu phở ngon' mang đến chút ấm lòng cho 100 gia đình công nhân quét rác, thoát nước.

VŨ THỦY - CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp