Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định yếu tố nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng đẩy GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Ảnh: NAM TRẦN
Sáng nay 16-11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" cùng với sự tham gia của các ban, bộ, ngành và 1.500 đại biểu.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương lao động và bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tay nghề thế giới và ASEAN; các tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.
Có robot nhưng có kỹ năng, lao động không thừa
Tham gia chủ trì Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kỹ năng nghề là vấn đề lớn của toàn cầu, đặc biệt là vấn đề cấp bách với những nước đang phát triển như nước ta.
"Tôi đã nêu trước Quốc hội, nguồn lực phát triển đất nước ta không phải rừng vàng, biển bạc mà là gần 100 triệu người Việt Nam. Cho nên kỹ năng lao động, kỹ năng quản trị quốc gia, kỹ năng quản trị từng ngành lĩnh vực địa phương, năng lực trí tuệ, năng lực nghề nghiệp của từng người trong đất nước quyết định sự phát triển", Thủ tướng nói.
Khẳng định yếu tố nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao đóng góp vai trò đặc biệt quan trọng trong tăng năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng đẩy GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Thủ tướng cho rằng chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định quan trọng, trong đó sự đồng hành của doanh nghiệp là đột phá gắn kết nhu cầu của nền kinh tế với đào tạo kỹ năng.
Ghi nhận những kết quả bước đầu của nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Thủ tướng nói đây không phải thành tích mà là kinh nghiệm quốc gia. Trong đó, xác định 130 nghề trọng tâm, 40 trường trọng điểm chất lượng cao, 3 năm gần đây tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu; bình quân là 85% sinh viên nghề ra trường có việc làm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành tham quan không gian triển lãm Diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" - Ảnh: NAM TRẦN
Tại diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao kết quả mô hình trường nghề bên cạnh doanh nghiệp cũng như sự gắn kết ba bên Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp.
Tuy nhiên Thủ tướng cũng chỉ ra một số thực trạng hiện nay như trường nghề đông song đạt chuẩn quốc tế còn thấp, sinh viên tốt nghiệp kỹ năng, ngoại ngữ yếu. Do đó, đào tạo phải gắn với thị trường, với nhu cầu thị trường.
"Mạng lưới cơ sở dạy nghề của nước ta như chiếc áo ngũ sắc với không ít miếng vá víu từ vải cũ. Chúng ta nói tính đồng bộ của các trường dạy nghề cần phải được quan tâm", Thủ tướng nói.
Về định hướng trong giai đoạn tới, Thủ tướng cho rằng phải đảm bảo ba nguyên tắc: cần bám sát hơn nữa nhu cầu thực tiễn thị trường, đảm bảo hài hòa cung - cầu lao động có kỹ năng nghề, gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp; phát triển đào tạo nghề chất lượng chuẩn mực quốc tế; đặc biệt nâng cao tính dự báo, nắm bắt nhanh nhạy, dự báo sớm nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng doanh nghiệp, nhà trường cần mở rộng đào tạo nghề theo hướng nào, tránh dư thừa lao động.
"Chúng ta dư thừa nếu không có kỹ năng nghề nghiệp. Tôi xin nhấn mạnh cái này để thấy có kỹ năng rất quan trọng, mặc dù có robot đang vào rất lớn nhưng có kỹ năng thì lao động không bao giờ thừa".
Nghi thức doanh nghiệp đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp - Ảnh: NAM TRẦN
Thủ tướng cũng đề nghị một số giải pháp như: hình thành "hiệp ước xã hội" cơ chế nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trên một số ngành nghề trọng điểm, có chính sách rõ ràng; có trò giỏi, thầy hay, thầy ra thầy, thợ ra thợ.
Cùng với đó, các tỉnh, thành có trường nghề có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp - nhà trường, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái nghề nghiệp; xây dựng giáo dục nghề nghiệp mở dự báo ngắn hạn, dài hạn; nhận thức của xã hội, gia đình, học sinh, sinh viên, tổ chức xã hội trong giáo dục nghề nghiệp, hiểu được "tiến bộ xã hội không thể thiếu những người lao động lành nghề".
Chất lượng nguồn nhân lực Việt có tầm nhìn đến năm 2045
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết trong quá trình soạn thảo các văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIII, chất lượng nguồn nhân lực là nội dung được Đảng quan tâm, không chỉ 5 năm mà 10 năm, có tầm nhìn đến năm 2045.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết chất lượng nguồn nhân lực có tầm nhìn đến năm 2045 - Ảnh: NAM TRẦN
"Một quốc gia hơn một quốc gia kia không phải có quy mô GDP thế nào, thu nhập bình quân đầu người thế nào, tất cả chỉ là nhất thời, có rồi đấy nhưng sẽ mất, sẽ bị các nước vượt qua. Quan trọng là tiềm năng phát triển của đất nước đó trong hiện tại và tương lai", Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.
Ông cho rằng cần tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, có nhận thức đủ - đúng - sâu sắc về vị trí, vai trò chất lượng nguồn nhân lực mới có chuyển biến trong hành động.
"Có chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta không ngại bất cứ mục tiêu nào", ông Bình nhấn mạnh, "chuyển biến trong hành động chậm ngày nào, đất nước tụt hậu ngày đó".
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra ba lý do căn bản để phát triển nâng cao về chất lượng cho giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, đó là tiếp nhận công nghệ từ quốc tế, đẩy mạnh thực hiện tự chủ và gắn kết doanh nghiệp với nhà trường.
Phó thủ tướng cho biết Nhà nước sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp có đất đầu tư; tạo cơ chế tự chủ cho giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ kết nối cung - cầu. Cùng với đó, tiếp tục phát triển giáo dục nói chung coi đây là cốt sách hàng đầu, đưa kỹ năng số, kỹ năng mềm và đặc biệt là hướng nghiệp vào trong giáo dục nghề nghiệp.
Cần có người đào tạo trong doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung chỉ ra một nghiên cứu trong 10-15 năm tới, có khoảng 1/3 công việc sẽ thay đổi do tác động công nghiệp 4.0, IoT, tự động hóa, robot... có khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng làm việc khi robot thay thế con người.
"Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp là nhân tố quyết định phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề. Trong đó sự tham gia, đồng hành của doanh nghiệp là giải pháp để tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra nghiên cứu 10-15 năm nữa khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng làm việc khi robot thay thế con người - Ảnh: NAM TRẦN
Ông Jurgen Hartwing, giám đốc chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đưa ra giải pháp quan trọng để doanh nghiệp đồng hành với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cần có người đào tạo trong doanh nghiệp, công ty. "Lâu nay họ làm kỹ thuật chính, song có thể học thêm nghiệp vụ sư phạm để đánh giá sinh viên", ông Jurgen Hartwing chia sẻ.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FPT, theo báo cáo cứ 4 người thì có 3 người có thể mất việc vì kỹ năng lạc hậu. Do đó, theo ông cần phải đưa "dân trí số" để mọi người Việt Nam đều biết sử dụng công nghệ số, có tư duy số, tự động hóa công việc của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận