04/07/2018 20:08 GMT+7

Mạng hải quan tê liệt, doanh nghiệp chật vật lấy hàng

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics ở khu vực TP.HCM cho biết đến cuối ngày 4-7, họ vẫn chưa thể làm thủ tục lấy hàng ra khỏi cảng vì sự cố lỗi đường truyền mạng của cơ quan hải quan.

Mạng hải quan tê liệt, doanh nghiệp chật vật lấy hàng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp làm thủ tục hàng hóa tại cảng Cát Lái (Q.2) - Ảnh: N.BÌNH

Sự cố công nghệ thông tin (CNTT) bắt đầu vào khoảng 13h30 ngày 3-7 tại Trung tâm quản lý vận hành hệ thống CNTT hải quan ở trụ sở Tổng cục Hải quan.

Nó khiến cho hoạt động khai báo của doanh nghiệp và xử lý nghiệp vụ của công chức trên Hệ thống VNACCS/VCIS không thực hiện được, bị tê liệt trên toàn quốc.

Dù đến chiều cùng ngày, Tổng Cục hải quan thông báo đã khắc phục được sự cố nhưng trong ngày 4-7, mạng hải quan toàn quốc vẫn khá chập chờn, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục cần thiết để lấy hàng ra.

Các doanh nghiệp phản ánh, sự cố kéo dài hai ngày qua khiến cho họ gặp khó khăn giao hàng theo đúng kế hoạch và phát sinh hàng loạt chi phí kho bãi.

Các doanh nghiệp cho biết, trong ngày 4-7, dù xong thủ tục tờ khai hàng hóa nhưng khi in mã vạch để đưa xuống hải quan giám sát nhận hàng thì đường truyền cho bước thủ tục này lại bị lỗi, không thực hiện được. Do đó, doanh nghiệp không thể có mã vạch để đi nhận hàng.

Theo đại diện một doanh nghiệp làm dịch vụ thủ tục hàng bưu chính, chuyển phát nhanh tại Cảng Tân Sơn Nhất, doanh nghiệp vẫn đang kẹt hàng tại kho của cảng này và phải đóng tiền lưu kho do chưa thể lấy hàng ra.

"Đến cuối ngày 4-7, Hải quan TP.HCM thông báo họ đã khắc phục xong sự cố nhưng do hết giờ làm việc nên phải chờ đến ngày mai (tức 5-7) mới biết lấy hàng được hay không" - vị này cho biết.

Tại cảng Tân Cảng Cát Lái (Q.2), doanh nghiệp làm thủ tục hải quan ở khu vực này cũng "như ngồi trên đống lửa" hai ngày qua vì trễ đơn hàng của khách.

Anh Hoàng, giám đốc của một công ty làm dịch vụ logistics tại cảng này cho biết vì không thể lấy mã vạch để làm thủ tục đưa hàng ra nên kế hoạch giao nhận của doanh nghiệp bị xáo trộn, không chỉ phát sinh chi phí lưu kho bãi mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của khách hàng.

"Nhiều khách hàng doanh nghiệp của chúng tôi không có nguyên liệu để sản xuất, họ dọa phải đóng nhà máy trong khi chờ nguyên liệu về. Chúng tôi đã đề nghị phương án cơ quan hải quan cho công chức xác nhận tờ khai và đóng dấu xác nhận đủ điều kiện để hải quan giám sát xử lý nhưng không được, hàng vẫn phải chờ hai ngày qua" - anh Hoàng phản ánh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng một khi đã xong tờ khai nghĩa là doanh nghiệp đã đủ điều kiện thông quan, nhưng cơ quan hải quan lại không có phương án xử lý thủ công trong những trường hợp cấp bách.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Hải quan TP.HCM thừa nhận trong khoảng thời gian chiều 4-7, hệ thống mạng hải quan bộ phận giám sát có trục trặc lỗi đường truyền. Tuy nhiên, đến 17h hệ thống công nghệ thông tin đã khắc phục được, doanh nghiệp có thể in mã vạch lấy hàng.

"Thực tế, khi xảy ra sự cố doanh nghiệp có đề xuất phương án xử lý thủ công, nhưng để chuyển từ thủ tục điện tử sang phương pháp thủ công chúng tôi cũng cần phải ý kiến cấp trên" - vị đại diện này cho biết.

Tuy nhiên, điều các doanh nghiệp lo lắng là sự phản ứng chậm chạp của ngành hải quan trong hai ngày qua. Theo các doanh nghiệp, đáng ra cơ quan hải quan phải có phương án dự phòng xử lý khi mạng sập, đảm bảo doanh nghiệp vẫn có thể lấy hàng ra.

"Sự việc lần đầu tiên xảy ra nhưng cũng có nguy cơ tái diễn. Nếu sập mạng kéo dài chả lẽ trì trệ cả nền kinh tế. Đáng ra cơ quan hải quan phải có phương án linh động, chứ nếu sự cố xảy ra, doanh nghiệp sản xuất không lấy được nguyên liệu phải đóng cửa nhà máy?" - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics đặt vấn đề.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp