Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, đây là thỏa thuận quan trọng, là bước thay đổi để tiến tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả, bao trùm và kết nối hơn.
"Hiệp ước cho tương lai" là cam kết của các nước nhằm xử lý nhiều vấn đề bao gồm hòa bình và thịnh vượng, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, hợp tác kỹ thuật số, quyền con người, giới tính, người trẻ và thế hệ tương lai, cũng như việc chuyển đổi của quản trị toàn cầu. Tuy nhiên, tinh thần chính của hiệp ước này, nói như ông Guterres, là "mang chủ nghĩa đa phương quay lại".
Vài năm qua là giai đoạn chứng kiến bức tranh hợp tác thế giới có những biến đổi sâu sắc. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng sau thời gian "toàn cầu hóa", thế giới có nguy cơ bước vào trạng thái chia rẽ.
Thực tế mọi vấn đề được đề cập trong "Hiệp ước cho tương lai" đều ít nhiều trầm trọng hơn khi các nước không tìm thấy tiếng nói chung.
Sự khác biệt về hệ thống chính trị, trình độ phát triển và cách tiếp cận vấn đề khiến các nước có quan điểm không tương đồng khi ứng xử với những tiến bộ khoa học - công nghệ nhạy cảm như trí tuệ nhân tạo (AI), tiền điện tử, công nghệ chuỗi khối (blockchain) hay các dự án phát triển năng lượng sạch.
Ví dụ sự phát triển và giải pháp quản lý công nghệ bán dẫn hoặc xe điện đều gặp khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị trở nên gay gắt giữa các cường quốc. Căng thẳng thương mại và chạy đua công nghệ là những xung đột gay gắt không kém các cuộc giao tranh bằng vũ khí hay chạy đua vũ trang.
Chính vì vậy, để thực sự "mang chủ nghĩa đa phương quay lại", kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc buộc phải giải quyết vấn đề từ gốc, tức phải ngăn xung đột trước rồi mới thúc đẩy hợp tác.
Đó cũng là lý do sự kiện tại New York, trụ sở Liên Hiệp Quốc, là nơi để các bên thúc đẩy chương trình nghị sự riêng liên quan an ninh và kinh tế. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Mỹ để vạch ra "kế hoạch chiến thắng" với Washington. Theo Reuters, đây là chuyện cấp bách vì ông Zelensky muốn đảm bảo Mỹ vẫn ủng hộ Ukraine bất kể ông Donald Trump hay bà Kamala Harris thắng cử vào tháng 11 tới.
Quan điểm của các nước về Ukraine liên quan mật thiết tới câu chuyện lớn về cách các thành viên Liên Hiệp Quốc xử lý xung đột toàn cầu. Những phát biểu liên quan Liên Hiệp Quốc đều ít nhiều phản ánh mối lo ngại nhiều năm qua về chuyện liệu Liên Hiệp Quốc, cụ thể là Hội đồng Bảo an, có khả năng thực hiện vai trò duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế hay không.
Trên thực tế, "Hiệp ước cho tương lai" đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về việc cải tổ Hội đồng Bảo an. Tại New York ngày 23-9, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kêu gọi phải hành động cụ thể nhằm cải tổ Hội đồng Bảo an - cơ quan quyền lực nhất Liên Hiệp Quốc.
Không đề cập tên quốc gia nào song ông Kishida khẳng định "những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực không thể được dung thứ ở bất cứ đâu trên thế giới". Theo ông, chỉ một trật tự thế giới tự do và cởi mở, dựa trên luật pháp mới có thể mang tới thịnh vượng và phát triển bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận