Ngày 20-2, Singapore chính thức khai mạc triển lãm hàng không lớn nhất châu Á, trong bối cảnh ngành hàng không toàn cầu chứng kiến nhu cầu đi lại phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Theo Hãng tin Reuters, nhà tổ chức Ravinder Singh cho biết tham gia Triển lãm hàng không Singapore (Singapore Airshow) có hơn 1.000 công ty đến từ hơn 50 quốc gia. Dẫn đầu là các "gã khổng lồ" từ phương Tây như Airbus, Boeing, Lockheed Martin, bên cạnh các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc như COMAC và AVIC.
Cuộc triển lãm này diễn ra hai năm một lần, tập trung vào thương mại và quốc phòng.
Các công ty Nga như Russian Helicopters và Irkut - đã tham gia triển lãm trước đây - năm nay không có mặt giữa bối cảnh xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, các công ty của Israel là Israel Aerospace Industries và Rafael Advanced Defense Systems đã đến Singapore.
Ông Subhas Menon, tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, nhận định triển lãm hàng không năm nay đã sôi động trở lại: "Triển lãm hàng không Singapore là cơ hội tốt để các nhà triển lãm thể hiện hướng đi mà họ đang theo".
Hôm 18-2, trước khi chính thức khai mạc Triển lãm hàng không Singapore tại Trung tâm triển lãm Changi, máy bay của một số nước đã có các màn trình diễn trên không đầy ngoạn mục.
Theo Hãng tin Reuters, tham gia trình diễn trên không tại sự kiện sẽ có các máy bay quân sự từ Singapore, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Mỹ.
Trong khi đó, với việc xuất hiện tại triển lãm này, đây là lần đầu tiên máy bay thương mại C919 của Trung Quốc "xuất ngoại", khi Bắc Kinh tìm cách thu hút khách hàng quốc tế.
Đây là mẫu máy bay chở khách thương mại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, có hai động cơ và thân hẹp, được phát triển bởi hãng chế tạo máy bay Trung Quốc COMAC.
Với máy bay C919, Bắc Kinh muốn thách thức sự thống trị kéo dài hàng thập kỷ của các nhà sản xuất máy bay hàng đầu là Airbus và Boeing, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, theo Hãng tin AFP.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế, cuối năm 2023, nhu cầu đi lại đã phục hồi gần như hoàn toàn so với mức trước đại dịch năm 2019.
Tuy nhiên, các nhà cung cấp lớn trong ngành, nhà sản xuất máy bay và nhà sản xuất động cơ đã phải vật lộn để theo kịp sự phục hồi về nhu cầu, sau khi đại dịch COVID-19 dẫn đến mất việc làm, thiếu hụt kỹ năng trong ngành...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận