07/02/2016 14:07 GMT+7

​Mâm cúng cuối năm của “phụ nữ Chanchu”

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Vậy là đã tròm trèm 10 cái tết kể từ khi xảy ra cơn bão Chanchu năm 2006, những người phụ nữ ở “làng Chanchu” (thôn Hà Bình, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đón giao thừa vắng bóng chồng, cha, con.

Mâm cúng đơn giản nhà bà Nguyễn Thị Điền - Ảnh: Trường Trung
Mâm cúng đơn giản của bà Nguyễn Thị Điền - Ảnh: T.Trung

Chỉ trong một đêm, 83 ngư dân là thanh niên trai tráng của một làng đã ra đi, vĩnh viễn nằm lại dưới biển cả để lại hơn 50 người vợ ngóng chồng, người mẹ ngóng con. Một cơn bão, hàng trăm đứa trẻ mất cha...

Và như mọi năm, mâm cơm vọng chồng hướng về phía biển lại được những người vợ, bà mẹ ở đây bày biện vào ngày cuối cùng của năm.

Vái về phía biển

Ngày 29 Tết, tôi đến nhà bà Nguyễn Thị Diệp (tổ 11, thôn Hà Bình) khi mâm cơm cúng tất niên, cũng là cúng chồng bày biện sẵn. Mâm cúng đơn sơ gồm thịt heo, mì Quảng, canh khổ qua được bày ra, bà hướng mặt về phía biển.

Bà Diệp chắp tay khấn vái chồng rồi thắp hương. “Năm nào cũng rứa, tôi tự tay làm đồ cúng rồi bày biện, tự tôi khấn vái chứ không ai làm thay cả. Mình cúng bái không có bài vở nhưng thật tâm thì ông bà tổ tiên và ổng cũng chứng giám cho. Nhà không có đàn ông thì cũng phải chịu thôi”- bà Diệp nói.

Khi ông Nguyễn Văn Sự, chồng bà mất không tìm thấy xác trong cơn bão, một mình bà phải gồng gánh nuôi 4 đứa con gái, trong đó đứa lớn nhất mới 13 tuổi, đứa nhỏ nhất lúc đó mới 2 tuổi. Để có tiền nuôi con từ việc may vá, giữ trẻ, gánh cá, không công việc nặng nhọc nào bà từ chối.

Thiếu người đàn ông trong nhà, việc cúng kíếng, ma chay bà cũng tự mình làm. “Mất chồng chị em ở đây ai cũng khổ nên quanh năm lo làm lụng nuôi con. Chỉ có ngày cuối năm mới bày ra cúng được”- bà Diệp giải thích về lý do “xóm Chanchu” hay cúng chồng, cúng tất niên vào ngày cuối cùng của năm cũ.

Thời điểm tôi tới nhà, đứa con gái thứ hai đi làm trong TP.HCM của bà Diệp cũng vừa bắt xe về tới nhà. Bà Diệp nói chiều nay đứa con gái thứ ba đi bán cà phê ở Đà Nẵng sẽ về tới nhà và đây là lần đầu tiên trong năm năm qua nhà bà đón giao thừa đủ cả 5 mẹ con.

Và như mọi năm, mâm cơm vọng chồng hướng về phía biển lại được những người vợ, bà mẹ ở đây bày biện vào ngày cuối cùng của năm - Ảnh: Trường Trung

Quanh năm tất bật mưu sinh, phụ nữ “làng Chanchu” cúng chồng, cúng tất niên vào ngày cuối cùng của năm cũ - Ảnh: Trường Trung

Cách nhà bà Diệp không xa, cụ Nguyễn Thị Tiếng (82 tuổi) cũng đang nhặt những nhành hoa cúc để đặt lên bàn thờ vái con. Từ khi con trai mất đi, con dâu bà làm một căn nhà nhỏ để làm nghề trông trẻ kiếm sống qua ngày.

Tôi xuống bếp thấy một rổ hành đang cắt dở, một rổ chừng 10 trứng vịt. Cụ Tiếng cười bảo: “Mình già quá rồi chừ không sắm được chi. Vừa rồi lãnh tiền người cao tuổi mới mua được cái hành cái kiệu ăn tết. Còn lại lễ cúng kiếng thì chiều nay con dâu mang về rồi cả nhà ra biển vái”.

 Nấu món chồng thích để cúng

Cũng nằm trong hội “phụ nữ Chanchu”, cũng nuôi 4 đứa con nhưng tết năm nay của gia đình bà Nguyễn Thị Điền (tổ 5, thôn Hà Bình) lại không phải là cái tết đoàn tụ. Trưa 7-2, bà Nguyễn Thị Điền lặng lẽ bày biện mâm cơm cúng chồng là ông Vương Công Trung.

Bà cho biết từ khi mất chồng, những đứa con của bà dù khi ấy chỉ hơn 10 tuổi nhưng đã biết dọn lễ vật cúng cha... Năm nay mâm cúng dọn lên rồi lặng lẽ mang xuống chứ không mời bà con vì trong nhà có đứa con gái lớn là Vương Thị Thảo bị tai nạn giao thông còn yếu.

“Ổng mất, nhà nước cho được cái nhà để ở. Còn lại một một mình tôi bươn chải nuôi con. Tui vậy năm nào mấy đứa đi xa cũng về đoàn tụ với mẹ. Riêng năm nay con Thảo tai nạn phải chạy chữa gần một năm trời. Nhà hết tiền nên mấy đứa em kêu ở lại làm thêm để có tiền phụ giúp mẹ chạy chữa cho chị” - bà Điền nói rồi đưa tay quẹt nước mắt.

Năm 2005, hai vợ chồng bà Điền từ Đắk Lắk về lại quê hương sinh sống. Ăn tết xong, ông Trung theo bạn chài trong thôn dong thuyền ra khơi. Đi được chuyến thứ hai thì gặp bão Chanchu mất tích từ ngày ấy đến nay. Bà con lối xóm thấy hoàn cảnh khó khăn cho đất, Tổng Liên đoàn lao động VN hỗ trợ căn nhà để bà định cư tới giờ.

Lúc ấy đứa con lớn mới học lớp 8 phải nghỉ học phụ mẹ nuôi em. Được vài năm nay, các con lớn nên nhà có thêm ít bánh trái dịp tết nhưng không ngờ Vương Thị Thảo bị tai nạn tại Quảng Ngãi vào mồng một tết năm ngoái, đến nay phải ngồi xe lăn.

Năm nay mâm cúng chỉ vài ba món bánh ít, bánh thửng đơn giản nhưng có món canh môn được bà Điền nấu công phu. Bà nói đây là món mà chồng bà thích ăn ngày còn sống nên năm nào cúng cũng phải làm canh môn.

“Tết năm nào cũng vậy, cứ sau bữa cơm cúng cuối năm thì mấy bả lại ào ra đường, mua con cá, mớ rau để kiếm thêm chút tết cho gia đình. Tết triệu người vui nhưng cũng triệu người lo” - ông Nguyễn Bình, hàng xóm nhà bà Điền nói.

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp