Phóng to |
Mâm cỗ tết truyền thống của người Hà Nội - Ảnh từ Internet |
Suy nghĩ của người Việt ta là dành những điều tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngày tết. Điều đó thể hiện rất rõ qua mâm cỗ tết - một mâm cơm đặc biệt nhất trong năm khi cả gia đình được đoàn viên, sum vầy.
Cỗ tết truyền thống của người Việt trên khắp mọi miền đất nước đều có những món truyền thống như bánh chưng, gà luộc, giò lụa... Nhưng tùy vào tập quán, tính cách và khí hậu của mỗi vùng miền mà mâm cỗ tết cũng khác đi.
Tết này thủ đô ta tròn ngàn năm tuổi. Sự đi lên của lịch sử cũng khiến cái tết của người Hà Nội thay đổi theo. Tết Hà Nội nay không phải là cái tết thiếu thốn của ngày xưa, cũng không phải không khí tết nóng ấm như miền Nam... Tết của thủ đô mang một không khí rất riêng: tết của mảnh đất thủ đô ngàn năm tuổi, hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nhiều nét truyền thống.
Cùng với sự thay đổi của đất nước, mâm cỗ tết của người thủ đô được thay đổi theo đó để phù hợp hơn. Nhiều món ngon truyển thống ngày tết xưa đã mất đi để thay thế cho những món đặc sản thời hiện đại. Tuy thế, mâm cỗ tết Hà Nội vẫn giữ được những nét truyền thống, tinh hoa riêng nó. Những việc như gói bánh chưng, bánh giầy, mổ lợn, mổ gà, thổi xôi, nấu các món ăn ngon... để chuẩn bị mâm cỗ cúng tết đã trở thành phong tục truyền thống không chỉ của riêng người Hà Nội mà là chung của người Việt ta. Để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các vị thần linh, tổ tiên của gia đình, người Việt nói chung và người Hà thành nói riêng đã rất công phu trong tất cả những lễ nghi, phong tục ngày tết, đặc biệt là trong mâm cỗ tết. |
Đầu tiên phải kể đến cỗ tết ông Táo (ngày 23 tháng chạp). Có lẽ do truyền thống văn hóa ảnh hưởng nhiều từ phương Bắc nên người Hà Nội dùng nhiều vàng mã hơn các vùng miền khác để cúng vị vua bếp. Mâm cỗ có các món xôi gà, nem rán, chân giò luộc, canh nấm, măng và món chè kho... Hình ảnh vị Táo quân cùng bếp lửa gia đình quen thuộc như niềm ước mong về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thuận hòa.
Cỗ tết quan trọng nhất là mâm cỗ tất niên chiều 30 và mâm cỗ của buổi sáng mồng 1 tết (ngày tết chính). Mâm cỗ tết truyền thống của người Hà Nội thường có “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa). Người thủ đô chuẩn bị cỗ tết rất cầu kỳ, theo đúng quy cách, đủ lệ, đủ món. Đặc biệt, trên mâm cỗ tất niên luôn có một đĩa xôi gấc như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới.
Thông thường, các bát trên mâm cỗ gồm một bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt, củ đậu được thái mỏng theo những hình hoa đẹp đẽ). Một bát khoai tây hầm đầu, cổ, cánh gà. Một bát miến nấu lòng gà. Và một bát măng khô ninh chân giò. Các đĩa thì có đĩa gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò xào, giò lụa, đĩa cá kho riềng hoặc bò kho khô, đĩa nộm.
Cỗ tết Hà Nội hay bất cứ ở đâu trên cả nước đều không thể thiếu các món truyền thống là dưa hành và bánh chưng xanh. Nhưng miền Bắc nổi tiếng cả nước với cái rét lạnh mùa đông. Cỗ tết do đó cũng đặc biệt hơn bởi những món được làm từ không khí rét mướt ấy như giò xào hay thịt nấu đông...
Thức ăn ngày tết bao giờ cũng được gia đình coi trọng. Thịt gà được dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến và được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn... Cỗ truyền thống thì vậy nhưng có sự thay đổi theo mỗi gia đình, phù hợp với sở thích và điều kiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận