Các bác sĩ tại khu hồi sức tích cực COVID-19 ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Mỗi người bắt đầu phải thích ứng, chung sống với dịch trong thời gian chờ đợi vắc xin và các phương pháp phòng bệnh hữu hiệu hơn.
Lại thêm nơi mới
Ngày 26-8, Hà Nam và Hải Phòng cùng có một loạt biện pháp để khoanh vùng, cách ly người tiếp xúc gần với bệnh nhân, sau khi cơ quan chức năng Hàn Quốc thông báo 2 hành khách từ Hà Nam (anh N.N.C., 24 tuổi) và Hải Phòng (chị H.T.T.A., 22 tuổi) nhập cảnh Hàn Quốc dương tính với COVID-19.
T.A. là bệnh nhân COVID-19 đầu tiên của Hải Phòng trong giai đoạn này của dịch, còn anh C. là bệnh nhân thứ 2 của Hà Nam. Nhưng bệnh nhân đầu tiên của Hà Nam (bệnh nhân 620) có nguồn lây rõ hơn (đi Đà Nẵng làm việc hồi tháng 7 vừa qua) và được cách ly sớm, còn anh C. đã có 5 ngày đi nhiều nơi, dự nhiều buổi chia tay tại Hà Nam trước khi đi Hàn Quốc hôm 20-8. Đây cũng là bệnh nhân từ cộng đồng, chưa rõ nguồn lây. Còn bệnh nhân của Hải Phòng, chị T.A., đã đi Đà Nẵng du lịch tháng 7 vừa qua và gần 1 tháng qua đã cách ly tại nhà trước khi đi Hàn Quốc.
Ông Lê Quang Minh, giám đốc Sở Y tế Hà Nam, cho biết bệnh nhân C. kể trên có thể lây nhiễm COVID-19 tại Hà Nội trước 15-8 (trước khi về quê) hoặc lây nhiễm tại Hà Nam sau 15-8, nhưng việc tìm nguồn lây (F0) của bệnh nhân này là không tưởng. "Chúng tôi tập trung khoanh vùng F1 tiếp xúc với C., đến nay đã có 68 người tiếp xúc gần được chuyển cách ly tập trung, chưa phát hiện thêm ca dương tính mới.
Ngoài ca bệnh của T.A. và C., tại Hà Nội ngày 26-8 cũng ghi nhận 1 ca bệnh phức tạp: bệnh nhân 21 tuổi từ Nga về Việt Nam hôm 10-8, đã có xét nghiệm lần 1 ngay sau khi đi cách ly tại Chí Linh (Hải Dương) là âm tính, nhưng xét nghiệm lần 2 (lấy mẫu ngày 24-8, khi bệnh nhân vừa hết thời gian cách ly) lại dương tính.
Rắc rối xảy ra khi bệnh nhân đã rời khu cách ly trước khi có kết quả xét nghiệm, trong khi quy định là bệnh nhân chỉ rời khu cách ly khi có 2 kết quả âm tính. Hiện bệnh nhân đã được chuyển điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, 6 người nhà được đưa đi cách ly tập trung.
Chung sống với dịch, bằng cách nào?
Hà Nam, Hải Phòng là 2 địa phương mới ghi nhận bệnh nhân COVID-19. Tại Đà Nẵng, sau nhiều ngày không ghi nhận ca lây nhiễm tại cộng đồng, bắt đầu xuất hiện loạt bệnh nhân mới, trong đó có bệnh nhân chưa rõ nguồn lây từ chợ đầu mối, có một gia đình 6 bệnh nhân. Hải Dương ghi nhận thêm 1 ổ dịch. Ngày 26-8 có thêm 2 bệnh nhân tử vong, trong đó có một trường hợp đã có 3 kết quả âm tính.
Tình hình kể trên cho thấy vẫn còn quá sớm để nhận định "dịch đã được kiểm soát tại Đà Nẵng" mà Bộ Y tế thông báo tuần trước đây, mà phải luôn sẵn sàng trong trường hợp dịch lại xuất hiện ở một địa phương mới.
"Chung sống với dịch" bằng cách luôn đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, rửa tay sạch và giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp. Với 3 biện pháp rất đơn giản này, nguy cơ mắc COVID-19 sẽ giảm đi rất nhiều.
Càng cần thiết hơn nữa khi theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, phải sáu tháng cuối năm 2021 chúng ta mới có thể tiếp cận được vắc xin.
Lo ngại dịch chồng dịch
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 8 tháng đầu 2020 cả nước ghi nhận hơn 50.000 ca mắc sốt xuất huyết, 3 người trong đó đã tử vong. So với cùng kỳ 2019, số mắc và tử vong đều giảm; tuy nhiên trong các tuần gần đây, Phú Yên có số mắc sốt xuất huyết tăng 30%, một số tỉnh miền Trung và miền Nam khác như Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre... cũng có số người mắc tăng.
Cục Y tế dự phòng cũng cho biết 8 tháng đầu năm ghi nhận 23.000 ca mắc tay chân miệng. Sắp tới đây là thời điểm trẻ tựu trường, nguy cơ dịch tay chân miệng dễ lây lan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận