12/11/2024 13:37 GMT+7

Malte Stokhof người Hà Lan mê võ

Bỏ công việc giáo dục rồi bán nhà ở Hà Lan, Malte Stokhof dành tiền theo học võ Nhật. Anh đã mở hai võ đường ở TP.HCM để tiếp tục sống với niềm đam mê võ thuật của mình.

Malte Stokhof người Hà Lan mê võ - Ảnh 1.

Anh Sơn hướng dẫn các học viện của mình ở võ đường - Ảnh: QUANG THỊNH

Nhìn Sơn (tên tiếng Việt của Malte Stokhof) với phong thái nhẹ nhàng ngoài đời, không ai nghĩ đây là một cao thủ kiếm thuật katori shinto ryu - một trong những môn cổ xưa nhất của Nhật Bản, ra đời năm 1447.

Hành trình đến với võ thuật

6 tuổi, Sơn đã theo học judo. Càng lớn, sự lôi cuốn của võ thuật khiến anh theo học thêm muay Thái, quyền anh, aikido, Vịnh xuân quyền. Bước ngoặt của Sơn chính là kỳ thi lên đai môn aikido, có kỹ thuật khóa kiếm của đối thủ khi bị tấn công. Và anh quyết định đi học... kiếm thuật nhằm hiểu rõ cách dùng kiếm để có thể thực hiện tốt kỹ thuật khóa kiếm.

Những năm 2000, Sơn là sinh viên ngành nhân học tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM liên kết với Hà Lan. Thời điểm này, học kiếm thuật tại Việt Nam là điều không thể do kendo (kiếm đạo) thông dụng hơn. Vì vậy Sơn phải sang Nhật tầm sư học đạo, khi nghe "chỉ điểm" về môn võ katori shinto ryu. Để có tiền sang Nhật, anh vừa đi học vừa tranh thủ làm bảo vệ.

Sơn kể: "Lúc sang Nhật, tôi không đủ khả năng tài chính nên chỉ ăn mì gói suốt 3 tháng trời. Ăn nhiều đến nỗi khi về Việt Nam tôi sợ mì gói luôn". Ở võ đường tập võ suốt từ sáng đến tối nên Sơn được chưởng môn Otake Risuke rất quý. Một ngày ông đưa cho Sơn một thanh kiếm cổ và bảo vừa bán vừa tặng cho anh. Nhìn thanh kiếm quý, Sơn rất vui, nhưng nếu mua kiếm thì không đủ tiền ở lại Nhật để tập nhiều hơn. Vì thế, anh xin lỗi không nhận kiếm. Nhờ vậy, anh có tiền ở lại thêm 1 tháng rưỡi nữa.

Sau đó, Sơn đã nhiều lần trở lại Nhật Bản. Nhờ vậy, kỹ năng của Sơn cũng ngày một thăng tiến. Anh không chỉ được cho phép mở võ đường riêng mà còn đóng vai trò một trong năm người đứng đầu của môn võ, đại diện cho katori shinto ryu tại Việt Nam.

Mê võ đến kỳ lạ

Năm 2012, Sơn mở võ đường katori shinto ryu đầu tiên tại quận 7 (TP.HCM). Khi đó, dù dạy võ thật sự chứ không phải vì tiền nhưng anh hứa với những cộng sự theo mình là sẽ bảo đảm thu nhập cho họ. Việc mở võ đường không phải là mục tiêu của anh, bởi nghiên cứu võ học mới là điều Sơn tâm đắc. Nhưng không thể cứ mãi tập kiếm thuật một mình nên Sơn quyết định mở võ đường dạy katori shinto ryu để có thêm người cùng tập luyện.

Võ đường ngày một đông môn sinh cả trong và ngoài nước, có lúc không còn đủ chỗ để tập. Thế là Sơn mở võ đường thứ hai ở Hoa Lư (quận 1, TP.HCM). Nhưng võ đường này cũng không duy trì được bao lâu thì đóng cửa do có ít người theo học. Còn một võ đường lại càng đúng ý Sơn, khi anh có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian cho võ học. Dù vậy, nó buộc anh đứng trước lựa chọn: tiếp tục vừa đi làm vừa đi dạy võ và tập võ hay dành toàn bộ thời gian cho võ học?

Malte Stokhof người Hà Lan mê võ - Ảnh 3.

Malte Stokhof (bìa trái) dành tiền theo học võ Nhật - Ảnh: QUANG THỊNH

Những năm đó, Sơn làm chuyên gia cho một tổ chức giáo dục của Hà Lan tại Việt Nam, thu nhập khá cao. Do đó, quyết định nghỉ việc và dành toàn bộ thời gian cho võ học là điều không dễ dàng với anh. Sơn kể: "Sau khi nghỉ việc, thu nhập của tôi giảm mạnh. Có lúc tôi phải tính kỹ xem võ đường của mình liệu có còn tồn tại sau tháng này hay không. Sau đó, tôi quyết định bán nhà ở Hà Lan để trang trải cuộc sống tại Việt Nam. Tôi sống được nhưng phải co kéo lại".

Khó khăn là thế nhưng Sơn lại mở thêm một võ đường ở TP Thủ Đức (TP.HCM) vào năm ngoái. Anh dạy thêm cả aikido cho trẻ em bên cạnh môn võ katori shinto ryu mà mình dành hết tâm huyết. Môn sinh ở hai võ đường thỉnh thoảng lại qua tập luyện và giao lưu kiếm thuật với nhau. Người giỏi giúp người mới, tất cả đều vì niềm đam mê võ học, đặc biệt là kiếm thuật.

Người thầy dạy kiếm đầu tiên của Sơn - chưởng môn Otake Risuke - qua đời năm 2021. Con trai cả Otake Nobutoshi lên thay thế cũng đi nhiều quốc gia để truyền dạy kiếm thuật. Ông Nobutoshi đã vài lần sang võ đường của Sơn để dạy. Sơn cũng được ông Nobutoshi thường xuyên chọn mời quay trở lại Nhật Bản dạy võ cho những người mới ngay tại võ đường chính của môn võ.

Thật đáng nể cho một hành trình mà ngay cả Sơn cũng không nghĩ mình đã đi một bước dài đến thế!

Malte Stokhof người Hà Lan mê võ - Ảnh 4.

Malte Stokhof dạy võ tại võ đường của mình - Ảnh: QUANG THỊNH

Người Hà Lan yêu Việt Nam

Gia đình Sơn có truyền thống về giáo dục. Ba anh là giáo sư ngôn ngữ học, biết nhiều thứ tiếng. Ông dạy con trai khi vào nhà phải hiểu văn hóa chủ nhà, đi nước nào thì phải cố biết ngôn ngữ nước đó.

Đó là lý do khi sang Việt Nam học tập, Sơn đã chủ động học tiếng Việt trong một năm để có thể tìm hiểu rõ hơn về văn hóa Việt Nam. Sơn đã lập gia đình với một cô gái Việt Nam vào năm 2018 và yêu mảnh đất mà anh đã sinh sống tại đây 24 năm qua.

Anh Đào Đức Công - một cộng sự của Sơn từ năm 2011 - chia sẻ: "Tôi gặp anh Sơn tại một trung tâm dạy võ ở quận 4. Thấy tôi, anh ấy hỏi có muốn tập kiếm không. Thế là tôi đến với anh ấy".

Sơn là người đam mê aikido và kiếm thuật. Anh ấy tập luyện hăng say, chu đáo trong truyền dạy và truyền cả đam mê cho người đối diện. Tôi đam mê cách anh ấy làm nên bỏ hẳn công việc IT mà mình ưa thích để cùng anh ấy theo đuổi đam mê võ thuật đến giờ".

Malte Stokhof người Hà Lan mê võ - Ảnh 2.Nhà thi đấu Nguyễn Du chật kín người xem trình diễn 12 môn võ Nhật Bản

Hàng ngàn người hâm mộ võ thuật TP.HCM ngồi chật kín nhà thi đấu Nguyễn Du để xem trình diễn 12 môn võ Nhật Bản.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp