16/11/2018 15:30 GMT+7

Malaysia, Philippines thận trọng với cam kết của Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nỗ lực tái can dự dựa trên Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Mỹ đang được hồi đáp bằng các phản ứng thận trọng, trái chiều của một số chính quyền tại Đông Nam Á.

Malaysia, Philippines thận trọng với cam kết của Mỹ - Ảnh 1.

Các lãnh đạo chụp ảnh nhân Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần 6 tại Singapore ngày 15-11 - Ảnh: REUTERS

Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là quan hệ song phương quan trọng bậc nhất, có ý nghĩa sâu sắc với ASEAN. Vậy nên chúng tôi hi vọng quan hệ Mỹ - Trung vẫn ổn định và tất cả sẽ tiến triển

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định trong Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN

Ngày 15-11, lãnh đạo 10 nước ASEAN và Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần 6 tại Singapore.

Mỹ cam kết lâu dài ở khu vực

"Tầm nhìn của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không loại trừ quốc gia nào. Điều duy nhất mà nó yêu cầu là các quốc gia phải đối xử với những nước láng giềng bằng sự tôn trọng, bao gồm cả tôn trọng chủ quyền của các nước và luật pháp quốc tế. 

Chúng tôi tin rằng tầm nhìn này mang đến cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một tương lai tươi sáng và đầy triển vọng" - Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh tại hội nghị.

Ông Pence đưa ra tuyên bố trên tròn một tháng sau bài phát biểu chỉ trích nặng nề Trung Quốc tại Washington, trong đó ông lên tiếng phản đối "sự gây hấn" của Bắc Kinh tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

"Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: Cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kiên định và lâu dài. Trong tất cả những gì chúng tôi làm, Mỹ tìm kiếm sự hợp tác, không phải kiểm soát. Chúng tôi tự hào gọi ASEAN là đối tác chiến lược.

ASEAN là trọng tâm trong tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực, là đối tác chiến lược không thể thiếu và không thể thay thế của Mỹ. Chúng tôi nhận ra lợi ích của Mỹ và ASEAN gắn bó mật thiết với nhau, tầm nhìn của chúng ta thực sự giống nhau" - ông Pence nhấn mạnh.

Trong khi cả Bắc Kinh lẫn Washington đều tìm kiếm khả năng gia tăng ảnh hưởng tại khu vực, mối quan hệ giữa hai "người khổng lồ" của thế giới tiếp tục xuống dốc vì cuộc chiến thương mại và những màn ăn miếng trả miếng, làm dấy lên những lo ngại ngày càng lan rộng ra thế giới.

"Chúng tôi tìm kiếm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi mà các quốc gia bất kể lớn bé có thể phát triển phồn vinh, thịnh vượng, được đảm bảo chủ quyền và tin vào các giá trị của mỗi nước, vừa cùng nhau phát triển mạnh hơn. 

Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng không có chỗ cho đế quốc và sự gây hấn tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - phó tổng thống Mỹ viết trên Twitter cá nhân.

Phản ứng trái chiều

Trong cuộc phỏng vấn với báo Washington Post ngày 14-11, phó tổng thống Mỹ tiết lộ trên đường từ Nhật Bản sang Singapore dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN và cấp cao Đông Á, chuyên cơ chở ông đã bay qua Biển Đông và chỉ cách các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khoảng 30km. 

"Đó là một kiểu chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, hàng không (FONOP) của Mỹ. Người Mỹ sẽ không bị đe dọa hay chùn bước" - ông Pence nhấn mạnh.

Các chiến dịch FONOP thách thức yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông đang tạo ra những phản ứng trái chiều trong ASEAN. Phát biểu bên lề các hội nghị cấp cao ASEAN ngày 15-11, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói ông không muốn thấy tàu chiến Mỹ tại khu vực.

"Nếu chiến lược của Mỹ không bao gồm việc gửi tàu chiến của Hạm đội 7 tới khu vực, Malaysia sẽ hoan nghênh điều đó. Tàu tuần tra cỡ nhỏ thì được bởi nó cần để đối phó với cướp biển, nhưng những tàu chiến cỡ lớn thì khác, chúng có thể gây ra những sự cố dẫn tới căng thẳng. Malaysia tất nhiên hiểu nhu cầu cần được đảm bảo an ninh và nó sẽ được giải quyết một cách đơn giản bởi các tàu tuần tra" - ông Mahathir nêu quan điểm.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thậm chí còn đưa ra quan điểm gây tranh cãi hơn. Theo Đài CNN Philippines, phát biểu trước khi bước vào Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN, ông Duterte tuyên bố: "Trung Quốc ở ngoài đó. Đó là thực tế. Mỹ và các nước khác nên nhìn nhận thực tế đó. Nhưng nếu các ông cứ tiếp tục tạo ra những cuộc chạm trán, tới một lúc nào đó những tính toán sai lầm tồi tệ sẽ xảy ra".

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng trải dài trên bán đảo Mã Lai. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines từ đối đầu lạnh nhạt trở thành nồng ấm nhanh chóng dưới thời ông Duterte, mở đường cho những cam kết đầu tư hàng chục tỉ USD từ Trung Quốc.

Việt Nam mong Mỹ thúc đẩy đối thoại và xây dựng lòng tin

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN ngày 15-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, mong Mỹ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, kiềm chế, không quân sự hóa, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Bộ Ngoại giao cho biết thêm Mỹ đã công bố hỗ trợ 60 tỉ USD phát triển hạ tầng khu vực, để ngỏ khả năng xây dựng hiệp định thương mại tự do song phương với các nước ASEAN, tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ 113 triệu USD về kinh tế và 300 triệu USD về hợp tác an ninh khu vực.

Biển Đông trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

TTO - Trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên, liệu Biển Đông sẽ đứng ở đâu?

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp