Ông Mahathir bên bàn làm việc khi còn trong nhiệm kỳ trước. Đây cũng sẽ là chiếc bàn làm việc ông trở về theo đúng nghĩa đen ở nhiệm kỳ lần này - Ảnh tư liệu: PBS
Với lần trở lại chính trường này của ông , Malaysia sẽ giải quyết "khối ung nhọt" nhức nhối dưới thời cựu thủ tướng Najib Razak như thế nào?
Trong hai năm tới, tôi hi vọng có thể giải quyết khoản nợ hiện tại của Malaysia, xử lý xong tình trạng bị phá hoại tanh bành của các cơ quan chính phủ, trở lại với nguyên tắc luật pháp và dân chủ
Thủ tướng MAHATHIR trả lời tờ Nikkei Asian Review
Thủ tướng cũ cam kết trật tự mới
"Quý vị hiểu rõ tình hình rối bời hiện nay của đất nước, và chúng tôi cần giải quyết những lộn xộn này càng sớm càng tốt - ông Mahathir nói như vậy trong cuộc họp báo sau khi đắc cử - Nguyên tắc luật pháp sẽ được thực thi toàn diện. Và nếu luật bảo ông Najib đã làm gì sai, ông ấy sẽ phải đối mặt với hậu quả".
Để giải quyết tình hình, ông Mahathir tuyên bố sẵn sàng làm việc tới 24 giờ mỗi ngày nếu có thể.
Bà Cynthia Gabriel, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận "Trung tâm chống tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu" tại Kuala Lumpur, cho rằng: "Có quá nhiều việc phải làm để khôi phục đất nước sau nhiều năm quyền lực không được kiểm soát".
Bà Gabriel hi vọng chính phủ mới của ông Mahathir sẽ tiến hành điều tra thích đáng về ông Najib cùng số tiền công quỹ bị biển thủ, đồng thời hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ (cũng đang điều tra bê bối này).
Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, ông Mahathir chính thức mở cuộc điều tra về những cáo buộc tham nhũng với ông Najib và Quỹ 1MDB. Nhà cửa cựu thủ tướng bị lục soát, tài sản bị tịch thu, tài khoản ngân hàng bị đóng băng và vợ chồng ông Najib bị cấm xuất cảnh.
Gần đây, nhiều tài sản đắt tiền liên quan tới vụ việc cũng đã được trả về Malaysia.
Dẫu thế, trong một lần trả lời phỏng vấn gần đây nhất với Đài CNN (Mỹ), ông Mahathir đau đớn thừa nhận: "Từ bên ngoài chúng tôi đã thấy sự tổn thất, nhưng chúng tôi chưa bao giờ hình dung mức tổn thất lại lớn đến vậy. Hầu hết các quan chức cấp cao nhất trong chính phủ đều tham nhũng".
Ông Mahathir khẳng định sẽ "thay máu" toàn bộ nội các để thực hiện việc "đập đi, xây lại" toàn bộ.
"Cải tổ ư? Không cải tổ gì cả. Đó sẽ là một nội các mới. Vâng, những nhân vật chủ chốt cụ thể sẽ phải ra đi" - ông Mahathir quả quyết.
Cựu thủ tướng Najib Razak (trái) và đương kim Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad - Ảnh: Reuters
Ngọn cờ dân túy
Sau khi đắc cử, ông Mahathir tái khẳng định cam kết với một loạt giải pháp kinh tế: xóa bỏ mức thuế 6% với hàng hóa và dịch vụ, khôi phục chính sách trợ giá nhiên liệu và xem xét lại các hợp đồng dự án hạ tầng lớn, đặc biệt những dự án còn nhiều lấn cấn về tài chính liên quan tới Trung Quốc.
Trong 100 ngày tại nhiệm đầu tiên, ông đã hoàn thành được 2/10 cam kết lớn.
Với việc trở lại cương vị thủ tướng, ông Mahathir tỏ rõ quyết tâm chèo lái nền kinh tế ổn định và tiếp tục tiến lên. Trong nhiệm kỳ trước, ông từng cổ xúy chương trình hành động có tên là "Tầm nhìn 2020", một cam kết đưa Malaysia gia nhập nhóm các nước phát triển vào năm 2020.
Tầm nhìn đó đã mờ đi trong nhiều năm gần đây khi thu nhập bình quân đầu người của Malaysia năm 2017 chỉ đạt 9.660 USD, thấp hơn nhiều so với ngưỡng chuẩn 12.236 USD do Ngân hàng Thế giới xác lập.
Đây là lúc ông Mahathir sẽ phải hoạch định lại đường hướng rõ ràng hơn cho tầm nhìn đó và xa hơn nữa.
Nhiều nhà quan sát đánh giá cao việc ông Mahathir đắc cử nhưng thận trọng cho rằng liệu chính trị gia đã 93 tuổi có còn đủ minh mẫn và nhạy bén để ứng biến trước sự xoay vần thời cuộc?
Cột mốc 100 ngày tại nhiệm đầu tiên vừa qua là thời gian đặc biệt quan trọng với người dân Malaysia và các nhà đầu tư nước ngoài. Họ quan sát việc ông Mahathir "phân vai" trong nội các, cách điều binh khiển tướng...
Thừa nhận chính phủ mới còn thiếu kinh nghiệm, ông Mahathir thành lập nhóm tư vấn gồm các nhân vật cựu quan chức để hỗ trợ quá trình chuyển giao chính quyền suôn sẻ.
Các cử tri Malaysia, từ già đến trẻ, kỳ vọng ông Mahathir giúp khôi phục vị thế, thanh danh đất nước trên trường quốc tế, đưa Malaysia trở lại lộ trình hướng tới mục tiêu là một quốc gia phát triển.
Chủ nghĩa dân tộc và các giá trị châu Á
Xuyên suốt sự nghiệp chính trị, ngay cả từng có lúc bị chỉ trích, song chủ nghĩa dân tộc Malay và các giá trị châu Á vẫn luôn là tư tưởng chính trị cốt lõi của Mahathir Mohamad. Ông tự hào về nguồn gốc châu Á, nguồn gốc Malay, tự hào về tín ngưỡng Hồi giáo của mình.
Còn nhớ sau khi cùng Chính phủ Malaysia chèo chống thành công qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997, ông từng nói: "Chúng tôi tin là truyền thông nước ngoài phải học hỏi được một thực tế là các nước đang phát triển, trong đó có một đất nước do một người Hồi giáo da nâu lãnh đạo, đều có thể giải quyết các vấn đề của họ thành công".
Ông là người từng chủ trương chính sách "Hướng Đông" (Look East), nỗ lực định hình các chiến lược phát triển đất nước theo mô hình của Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông cũng nổi tiếng là người ủng hộ Nhật Bản.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Nikkei Asian Review sau khi đắc cử, ông đã nhắc lại chuyện này: "Chúng tôi muốn khôi phục chính sách Hướng Đông và tận dụng Nhật Bản để thu thập kiến thức, kỹ năng. Văn hóa làm việc và hệ thống giá trị của người Nhật là những gì chúng tôi muốn học hỏi".
Vận động trao giải Nobel hòa bình cho Thủ tướng Mahathir
Một kiến nghị tập thể vận động mọi người đề cử trao giải Nobel hòa bình cho ông tại Malaysia đã thu được hơn 40.000 chữ ký ngay trong ngày đầu tiên phát động.
Điều này đã khiến con gái ông, bà Marina, phải nói rằng những nỗ lực vất vả của cha bà trước nay không phải để được sự ghi nhận hay tưởng thưởng.
Lá đơn đề nghị trao giải Nobel hòa bình đã gọi ông Mahathir là "Nelson Mandela" của Malaysia, ca ngợi ông là nhà lãnh đạo đã dám công khai thừa nhận những khuyết điểm của mình và xin lỗi vì các sai lầm trong quá khứ cũng như quyết tâm cứu nước của ông khi trở lại chính trường.
________
Kỳ tới: Thủ tướng Mahathir và Trung Quốc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận