Tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur bị bao phủ trong "màn sương trắng" khói bụi - Ảnh: REUTERS
Việc người dân Indonesia trên các đảo Sumatra và Borneo đốt rừng, phát quang đất để thu hoạch dầu cọ và các loại cây trồng khác đã khiến cháy rừng bùng phát vượt tầm kiểm soát.
Khói từ các đám cháy rừng ở hai hòn đảo này trong tháng qua đã bay sang Malaysia và Singapore, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng cho hai quốc gia này.
Trong ngày 18-9, chỉ số ô nhiễm không khí (API) tại khu vực duyên hải của bán đảo Malaysia, phía Đông đảo Sumatra, lên tới mức "rất gây hại" cho sức khỏe người dân. Tòa tháp đôi Petronas tại thủ đô Kuala Lumpur bị bao phủ trong "màn sương trắng" khói bụi. Tình trạng này buộc hơn 1.200 trường học phải đóng cửa do ô nhiễm không khí.
Hai bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Selangor với 538 trường học phải đóng cửa và Sarawak trên đảo Borneo với 337 trường. Ngoài ra, hàng trăm trường học tại một số bang khác trên bán đảo Malaysia cũng bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, chất lượng không khí tại Singapore cũng xuống dưới mức an toàn cho sức khỏe con người, đe dọa tới giải đua xe F1, dự kiến diễn ra trong các ngày từ 20 đến 22-9.
Trước đó, ngày 14-9, Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) của Singapore thông báo chỉ số Tiêu chuẩn ô nhiễm (PSI) đo được ở Singapore là 108. Theo quy định, chỉ số từ 100 trở lên là nguy hại cho sức khỏe và cư dân được khuyến cáo ngừng các hoạt động ngoài trời.
Tình trạng khói mù bao phủ thường xuyên xảy ra tại một số quốc gia Đông Nam Á trong mùa khô khi người dân Indonesia tiến hành đốt rừng, phát quang đất để thu hoạch dầu cọ và các loại cây trồng khác cũng như các hoạt động tại lâm trường sản xuất các nguyên liệu giấy.
Tuy nhiên, chất lượng không khí trong năm nay được coi là tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, gây ra tình trạng hạn hán kéo dài. Cơ quan Giảm thiểu thiên tai Indonesia cho biết kể từ đầu năm, hơn 328.000ha rừng và đất than bùn bị đốt cháy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận