Các tàu của Tuần duyên Malaysia trong một đợt tuần tra trên Biển Đông - Ảnh: MMEA |
Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA) khẳng định các tàu của Trung Quốc đã từng xuất hiện nhiều lần tại bãi cạn South Luconia, ngoài khơi thành phố dầu mỏ Miri.
Tuy nhiên, đối với người Malaysia, vụ việc hồi tháng 3 vừa qua là lần đầu tiên các tàu Trung Quốc xuất hiện nhiều như vậy.
Đã từng phớt lờ hoặc xem nhẹ
Trong sự kiện đó, một sĩ quan trên tàu tuần tra của Malaysia cho biết ông cảm thấy bị sốc khi một tàu lớn hú còi ầm ĩ và hướng thẳng về phía tàu Malaysia với tốc độ cao, trước khi những người trên tàu của Malaysia nhìn thấy rõ dòng chữ “Hải cảnh Trung Quốc” trên thân tàu.
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo Kuala Lumpur và kéo theo những phản ứng mạnh mẽ từ một số cá nhân trong giới lãnh đạo Malaysia.
Tuy nhiên, giới quan sát phương Tây nhận định mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc về thương mại và đầu tư đã khiến Malaysia xem nhẹ các hành động trước đó của Bắc Kinh trong khu vực.
Cụ thể, Kuala Lumpur đã không đánh giá đúng mức hai cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc tại bãi ngầm James vào các năm 2013 và 2014 – một khu vực chỉ nằm cách bờ biển bang Sarawak 50 hải lý. Chính quyền Malaysia cũng phớt lờ các cáo buộc của ngư dân nước này ở Miri về việc bị uy hiếp bởi các tàu hải cảnh có vũ trang của Trung Quốc trong năm 2015.
So sánh với Indonesia, một bộ trưởng giấu tên của Malaysia cay đắng thừa nhận: “Khi tàu Trung Quốc tiến vào vùng biển của Indonesia, họ lập tức bị đuổi đi. Còn khi Trung Quốc đi vào vùng biển của chúng tôi, chẳng có gì được thực hiện”
Malaysia bắt đầu cảnh giác
Vài tuần sau vụ hàng trăm tàu Trung Quốc xuất hiện, Malaysia tuyên bố thiết lập một căn cứ hải quân gần Bintulu, phía nam thành phố Miri.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, trực thăng, máy bay do thám và lính đặc nhiệm sẽ được triển khai đến căn cứ để bảo vệ khu vực giàu dầu mỏ của nước này trước mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, lý do bảo vệ khỏi sự tấn công của IS mà ông bộ trưởng đưa ra dường như rất khó chấp nhận.
Ông Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore nhận định: “Nếu bạn tăng cường an ninh, bảo vệ nguồn dẩu mỏ và khí đốt, bạn đang tự bảo vệ bản thân khỏi các chủ thể quốc gia và phi quốc gia, do đó có thể tuyên bố của ông bộ trưởng cũng có vài phần hợp lý. Nhưng nếu lý do thật sự là vì IS thì tôi không nghĩ điều đó là đúng”.
Reuters nhận định, Malaysia đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa lợi ích về kinh tế và an ninh quốc gia. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Malaysia, ngược lại, trong số 10 nước ASEAN, Malaysia là quốc gia nhập khẩu nhiều nhất các hàng hóa từ Trung Quốc.
Một trong những cách mà Kuala Lumpur đang làm để cân bằng kinh tế và an ninh là vừa tăng cường năng lực giám sát và phòng thủ, vừa thúc đẩy việc thực thi Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) được Trung Quốc và ASEAN thông qua năm 2002.
Trong khi đó, một quan chức cấp cao Malaysia giấu tên nói với Reuters rằng Kuala Lumpur đang hướng tới Mỹ, tìm kiếm sự giúp đỡ về thu thập thông tin tình báo và phát triển năng lực bảo vệ bờ biển. Tất cả những việc này đều được Malaysia tiến hành một cách lặng lẽ nhằm tránh chọc giận Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận