Các thí sinh cùng nhau kiểm tra lại thông tin cá nhân chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sáng 25-6, các thí sinh thi THPT quốc gia 2019 sẽ bước vào môn thi đầu tiên là ngữ văn với thời gian làm bài 120 phút. trong ngày 24-6 làm thủ tục thi, tâm sự với Tuổi Trẻ Online, thí sinh đã có những dự đoán khác nhau về đề thi.
"Đề chắc là ra hai con sông"
Theo nhóm học sinh Trường THPT Trương Định (Tiền Giang), các em đoán đề thi sẽ ra vào "hai con sông" - chỉ tác phẩm Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân và Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Theo các em, nhiều năm nay đề chưa ra các tác phẩm này nên khả năng cao năm nay sẽ được nhắc tới.
Thí sinh Nguyễn Thu Uyên, THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: "Em coi lịch ngày thi 25-6 thì thấy có tranh vẽ dòng sông. Em mong ngày mai ra hai con sông thật. Tại em tủ hai bài này kỹ lắm!".
Các thí sinh hào hứng và tự tin trước ngày thi THPT quốc gia 2019
Trong khi đó thí sinh Nguyễn Hoài Tâm, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM) cho biết mình rất sợ "hai con sông" vì khó học dẫn chứng.
"Các đoạn văn trong bài đó rất khó nhớ. Nếu đề thi không dẫn đoạn trích sẽ khó làm lắm" - Tâm nói - "Mình nghĩ sẽ cho bài Vợ nhặt, dù đã ra trong đề thi mẫu. Nhiều khi bất ngờ vậy đó".
Thí sinh Nguyễn Hữu Hiếu, THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức, TP.HCM) cũng hi vọng đề sẽ không ra "hai con sông" hoặc Việt Bắc, "còn lại thì em lo được hết".
Những dự đoán cứ thế rôm rã trong buổi làm thủ tục dự thi...
Thí sinh làm thủ tục thi THPT quốc gia tại Đà Nẵng chiều 24-6 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG
Nằm mơ thấy đề thi và... bói chọn tác phẩm
Thầy Vũ Khắc Ngọc, thầy giáo dạy Hóa học trên online, kể trước ngày thi anh luôn phải trả lời các học trò.
Có em kể chuyện nằm mơ thấy đề ra vào phần này, phần kia và lên mạng hỏi thầy. Cũng có những câu hỏi rất vui là "Trong lúc làm bài có được đọc ra miệng mà không phát ra tiếng không?", vì em có thói quen đó khi làm bài, nhưng sợ sẽ bị giám thị "nghi" là đọc bài cho "đứa khác" chép.
Có rất nhiều những câu hỏi kiểu như thế mà một thầy giáo tận tâm với học trò tới phút 89 phải cố gắng trực online để trả lời, với mong muốn các em có tâm lý thoải mái nhất bước vào kì thi.
Còn cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên dạy Văn trường THPT Phan Huy Chú Hà Nội thì cho biết cô nhận được nhiều tin nhắn của học sinh, và phụ huynh "đoán đề Văn" khiến cô không khỏi bật cười.
Có phụ huynh nhắn "Bây giờ chúng nó (các thí sinh) có trò bói, bấm vào một trò chơi để hình ảnh các nhà văn/nhà thơ có tác phẩm trong chương trình lớp 12 lần lượt chạy ra, hình nhà văn/nhà thơ nào dừng lại thì chúng nó đoán đề sẽ ra vào đó và mang sách ra ôn lại".
Nhiều học sinh luận từ vấn đề thời sự đang diễn ra để suy đoán đề. Ví dụ năm nay năm con rắn, có lẽ sẽ thi "Rừng xà nu", hay năm nay dịch tả lợn châu phi hoành hành, có khi thi "Hồn Trương Ba, da hàng thịt", hoặc Việt Nam triệu tập nhiều cầu thủ Việt về đá cho đội tuyển bóng đá quốc gia nên có thể thi "Những đứa con trong gia đình".
Tờ "bói đề" được chia sẻ trên mạng - Ảnh: FB
Những suy đoán không có cơ sở và khôi hài này được nhiều học sinh Hà Nội gửi cho nhau. Một phụ huynh "tố" với cô giáo, cô Nguyễn Kim Anh chỉ nhắc học trò "không nên học tủ" vì cách ra đề mới hiện nay, học sinh nắm kiến thức nền tảng tốt thì đều có kỹ năng và chất liệu làm bài.
Nhưng cô Kim Anh cũng chia sẻ "trước ngày thi quá căng thẳng, nên bọn trẻ nghĩ ra trò "bói" hay suy đoán đề kiểu "không giống ai" cũng là để giải tỏa tinh thần. Nghĩ như thế cũng là điểm tích cực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận