19/12/2009 23:58 GMT+7

Mãi mãi là những anh hùng tinh nhuệ, mưu trí, "đánh hiểm và thắng lớn"

P.VŨ
P.VŨ

TTO - Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) sáng 19-12 rộn ràng với bước chân của các cựu chiến binh. Những mái đầu đã bạc, những bước chân đã chậm, run, những đôi mắt đã mờ, nhưng cái siết tay thì vẫn chặt, vòng ôm vẫn nồng ấm.

Mọi người tíu tít thăm hỏi sức khỏe, rộn rã gọi nhau chụp chung một tấm ảnh. Nếu không có những huân - huy chương lấp lánh trên ngực, không có những con số thống kê được đọc đi đọc lại trên loa thì khó có thể tin những cụ già vui vẻ và hiền lành này đã có thời là những anh lính "xuất quỷ nhập thần" của đoàn 429 đặc công miền Đông Nam bộ.

v6eqfSlU.jpgPhóng to
Tay bắt mặt mừng

Thành lập ngày 4-2-1969, đoàn 429 lấy 16 chữ Bác Hồ tặng lực lượng đặc công làm phương châm hoạt động của mình “Đặc biệt tinh nhuệ - Mưu trí táo bạo - Anh dũng tuyệt vời - Đánh hiểm thắng lớn”. Ngày ấy, những chiến sĩ 429 còn trẻ lắm, mình trần đẫm bùn đen ngụy trang, dưới nước thì như rái cá, trên bờ như rắn, chỗ nào cũng chui lọt và chưa bao giờ chùn bước trước nhiệm vụ, không bao giờ ngại hi sinh.

Hàng trăm trận đánh với các đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Mỹ như sư đoàn 1 "Anh cả đỏ", sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới", lữ đoàn "Kỵ binh bay" ở Đồng Dù, Dầu Tiếng, Trảng Lớn, Téc Ních, Bù Na, núi Cậu, núi Bà Đen, Bù Bông, Kiến Đức đã diễn ra trong chớp mắt để hoàn thành nhiệm vụ của đoàn trong chiến tranh giải phóng đất nước, chiến tranh bảo vệ chủ quyền, giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.

Ngồi nhẩm lại những bài hát hừng hực lửa một thời, đại tá Lường Văn Khoa trầm ngâm: “Nhưng chúng tôi cũng khóc đấy. Vui cũng khóc, buồn cũng khóc, làm bộ đội sướng là vậy. Nước mắt đàn ông không ai biết được. Đêm tối trùm chăn khóc bạn vừa hi sinh, khóc nhớ mẹ, nhớ người yêu rồi sáng hôm sau lại sinh hoạt với đơn vị, lại cười, lại xung trận”.

Hôm nay ngồi nhìn đồng đội, ông Khoa cũng rướm nước mắt, và ông khoe: “Có lúc tôi còn làm thơ. Năm 1970, khi chiến tranh Đông Dương mở rộng, dì Ba Định (tướng Nguyễn Thị Định - phó tư lệnh quân giải phóng) gọi tôi lên giao nhiệm vụ đưa tiểu đoàn sang biên giới Thái Lan đón Bộ Chính trị nước bạn Campuchia.

Tôi xúc động quá, mình chỉ là một tiểu đoàn trưởng trẻ, mới 21 tuổi mà được dì Ba gọi lên dặn dò ân cần, tin tưởng. Tôi nghe phơi phới, làm thơ trên đường hành quân “Sáng dậy lên đường theo tiếng gọi/ Đông Dương ơi phơi phới lòng ta/ Súng nổ vang lừng cùng hòa nhịp/ Muôn vàn mong đợi đón chờ ta”.

Anh thương binh Nguyễn Văn Hòa mất cả hai chân được con gái đẩy trên xe lăn vào hội trường, các bác cựu binh lập tức theo nhau đến hỏi thăm. “Chân bị đứt đến đâu? Hằng ngày sinh hoạt ra sao? Đi bằng nạng được không? Gắn chân giả đi được không để chúng tôi đóng góp…”. Hòa không trả lời kịp, anh thầm thì nghẹn ngào “Mình là thế hệ sau, tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia được gần 2 năm thì bị thương, cấp bậc mới thượng sĩ. Các bác tuy không mất chân nhưng đóng góp, hi sinh hơn mình nhiều”.

3CzdGiZ1.jpgPhóng to
Thượng sĩ Nguyễn Văn Hòa “Tôi chỉ là thượng sĩ, mất hai chân, nhưng vẫn nuôi được ba con khôn lớn, một phần là nhờ truyền thống của đặc công: không có việc gì khó

Sau khi giải ngũ, Hòa về Gò Công (Tiền Giang) cùng vợ sắm một chiếc thuyền, hai vợ chồng thả lưới, giăng câu kiếm cá nuôi con. Vài năm, vợ anh mắc bệnh nan y rồi mất. Một mình ba đứa con nhỏ lại không di chuyển được, anh Hòa vẫn giong xuồng đi kéo lưới. Rồi chính quyền địa phương, hội cựu chiến binh giúp anh một cái bàn bán vé số.

Hôm nay con tôi đã khôn lớn hết rồi, hai đứa lớn đã học xong, có việc làm, lập gia đình. Con bé út mới 5 tuổi khi mẹ mất nay cũng đang học quân y. Tôi ổn rồi”, anh Hòa trấn an những đồng đội đang vừa mừng vừa lo đến rơi nước mắt khi gặp lại anh. Trong đám đông có người tấm tắc: “Đặc công thì phải vậy đó, lúc nào cũng phải đặc biệt, luôn luôn đặc biệt”.

Để thêm vào cái “đặc biệt” ấy, hôm nay đoàn 429 cũng thông báo thành lập chi hội doanh nhân của cựu chiến binh để cùng nhau hợp tác làm ăn, xây dựng đất nước, trợ giúp đồng đội. “Đặc công đâu chỉ biết đánh giỏi, đặc công hôm nay còn biết sản xuất, buôn bán nữa” - thiếu tướng Nguyễn Văn Phúc, nguyên chính ủy 429, cười bảo thế.

Giữa những mừng vui, thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, nguyên phó tư lệnh đặc công miền, ngậm ngùi nhắc đến hơn 5.000 chiến sĩ của đoàn 429 hi sinh chưa tìm được mộ, hài cốt, “nhất là anh em đặc công nước, đã tổ chức tìm kiếm nhiều lần nhưng không có hi vọng gì. Dưới đáy sông, trong sóng biển, dưới từng bước chân người đều có đồng đội của mình, không khi nào chúng tôi quên”.

Không khí hội trường lặng đi, rồi lại giãn ra khi nghe thông báo: Năm tới nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của các binh chủng sẽ được khởi công tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố. “Có vậy chứ - đại tá Đặng Sĩ Nguyên thở phào - 5.000 anh em của chúng tôi sẽ còn được cái tên để hương khói, để nhắc nhớ”.

40 năm, đoàn 429 đã một lần tuyên bố giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ nhưng rồi lại được thành lập lại để tổ chức binh chủng được trọn vẹn và truyền thống “luôn luôn đặc biệt” của đặc công được tiếp nối.

Với thành tích trong chiến đấu và xây dựng, đoàn 429 đã được tặng thưởng:

1. Tập thể

- 3 đơn vị được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.- 26 Huân chương Quân công giải phóng.- 158 Huân chương Chiến công giải phóng các loại.- 1 cờ "Danh hiệu vẻ vang" của Bộ chỉ huy miền tặng.- 2 cờ "Đánh giỏi" của Bộ chỉ huy miền tặng.

2. Cá nhân

- 7 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.- 685 huân chương cho cá nhân.

P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp