Thầy Hà, Bảo trò chuyện cùng nhau và với những hai thầy đỡ đầu - Ảnh: TRẦN MAI
Tối 20-9 vừa qua, một buổi gặp gỡ "như mơ" của 640 thầy cô cùng 643 học sinh ở thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi được tổ chức. Họ là nhân vật trong bài viết đăng trên Tuổi Trẻ.
Tại buổi gặp, ngọn lửa yêu thương một lần nữa được thắp lên, lan tỏa và sưởi ấm những thầy cô - học trò trong một câu chuyện như cổ tích.
Nụ cười vượt khó khăn
Buổi gặp gỡ được tổ chức vào 19h nhưng mới 15h đã thấy thầy cô chở theo học trò của mình đến. Lần lượt tôi gặp lại những gương mặt thân quen ở các mái trường xa xôi.
Lần gặp trước, nước mắt cô giáo trẻ Trần Thị Trang (Trường tiểu học Sơn Thủy) chảy dài vì thương cô trò nhỏ Đinh Thị Cha luôn bị người thân cấm cản không cho đi học. Cô Trang đã đưa Cha từ rẫy rừng trở về lớp học chẳng biết bao nhiêu lần.
Tối 20-9, cô Trang nở nụ cười và chia sẻ: "Em chỉ học theo các thầy cô thôi" khi được những đồng nghiệp lớn tuổi hơn động viên, tiếp lửa. Thậm chí, những thầy cô lớn tuổi còn nể phục sự kiên trì, quyết không để trò nghỉ học của cô giáo Trang.
Sau lời "phân minh" ấy, tất cả cùng nở nụ cười hạnh phúc với những nỗ lực của mình. Bấy nhiêu đó đủ để các thầy cô vỗ về nhau không nản chí, nhụt lòng.
Thầy Nguyễn Văn Bảo, giáo viên Trường THCS Sơn Ba, chia sẻ về hai học trò mà anh đang đỡ đầu là Đinh Thị Châu và Đinh Thị Nghĩa, cùng ở làng Bung (làng xa nhất xã Sơn Ba), cùng cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, mỗi ngày phải đi kiếm cái ăn, chẳng chịu đến lớp. Rồi thầy Bảo vào làng, kéo cả hai ra trường, nhận luôn việc cơm nước, quần áo, sách vở...
Ngồi trò chuyện, Châu và Nghĩa lúc gọi thầy khi gọi ba. "Tụi em biết ba Bảo thương hai đứa lắm. Có cái gì ngon ba cũng cho bọn em. Quần áo bọn em mặc hằng ngày và đi học cũng là ba Bảo mua cho. Tụi em chỉ ráng học thật giỏi thôi" - Nghĩa chia sẻ.
Đang nghe những câu chuyện chia sẻ từ thầy cô thì thầy Nguyễn Tấn Châu, giáo viên Trường tiểu học Sơn Hạ 1, người đỡ đầu cô học trò Đinh Thị Hòng, vỗ vai tôi nói: "Lần trước gặp anh tôi đã nói rồi, cả trăm giáo viên là cả trăm cách giúp đỡ trò, tùy vào hoàn cảnh.
Tôi tính ra may mắn hơn các đồng nghiệp vì nhà Hòng gần trường, chủ yếu lo gạo mắm và quần áo. Nhiều đồng nghiệp nghe kể đi bộ vào làng thôi đã thương".
Chẳng có lời hứa hẹn nào, nhưng tôi cảm nhận các thầy cô đã tự dặn nhau cố gắng vì "đàn con" khốn khó trong cả cái ăn lẫn hành trình đi tìm con chữ.
Sự nhiệt tâm của thầy cô được đổi lại là hình ảnh những cô cậu học trò dường như đã quên đi nỗi bất hạnh, khó khăn để những nụ cười trẻ thơ hồn nhiên nở ra.
Yêu thương tỏa khắp muôn nơi
Đại diện Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đến tham dự chương trình và trao xe đạp cho những học sinh được thầy cô cưu mang - Ảnh: T.MAI
39 trường học từ mầm non đến THCS ở huyện Sơn Hà đều đứng ra đỡ đầu cho trò. Với bà Nguyễn Thị Thành - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà, các em học trò khốn khó, có nguy cơ bỏ học đã có được 700 ngày được yêu thương thật sự từ khi việc thầy cô nhận đỡ đầu được thực hiện.
Trong năm học mới vừa khai giảng ít lâu, số học sinh được thầy cô nuôi dưỡng đã tăng lên 670 em. Con số này là thách thức thật sự với thầy cô giáo.
Bà Thành biết rõ đồng lương của giáo viên ít ỏi, phải nín nhịn lắm mới đủ trang trải cho tổ ấm của mình. Vậy mà cứ thấy những đứa trẻ nghèo khó nào là không thể cầm lòng, thầy cô lại nhận đỡ đầu.
Đêm buông nhanh xuống núi, chương trình văn nghệ "" bắt đầu khi bà Thành ôm lấy những đồng nghiệp của mình và trao cho họ những vòng hoa tươi thắm thay cho lời cảm ơn. Lời phát biểu ngắn gọn của bà không quên nhắc lại câu cảm ơn các đồng nghiệp.
"Hôm nay chúng ta tề tựu về đây để tiếp tục đồng hành cùng học trò. Trường học phải là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh chị em. Chúng ta sẽ không bỏ bất kỳ học sinh nào ở lại phía sau" - bà Thành phát biểu.
Tiếng vỗ tay vang lên, những cô cậu học trò dụi đầu vào thầy cô. Có lẽ chúng đã cảm nhận yêu thương từ lâu và lời phát biểu này khiến những tâm hồn non nớt thổn thức và yêu quý những người cha người mẹ đặc biệt của mình hơn.
Việc nuôi nấng, chăm lo cho trò đã là "chuyện thường ngày" qua một đoạn clip vẫn khiến nhiều người rơi nước mắt. Bàn tiếp nhận sự giúp đỡ của nhà hảo tâm cứ thế đông thêm những tấm lòng đến đăng ký.
Gần 500 triệu đồng là số tiền các nhà hảo tâm đã đóng góp. Trong đó, có những người ở tận TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... đã tìm đến chương trình "Điểm tựa yêu thương".
Nhóm nhà hảo tâm sáu người ở TP.HCM chia sẻ đã đọc bài viết về câu chuyện cổ tích 640 thầy cô nuôi 643 học trò trên báo Tuổi Trẻ.
Họ bị cuốn hút bởi việc làm nhân văn này và thường xuyên theo dõi công việc thầm lặng của các thầy cô. Hôm nay, họ biết được buổi gặp mặt của những tấm lòng và vượt cả nghìn cây số tìm đến.
"Với sự đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ và quý nhà hảo tâm, ngành giáo dục huyện Sơn Hà đã có thêm một khoản tiền để trang trải cho 670 đứa con chúng tôi đang chăm dưỡng. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để bạn đọc báo Tuổi Trẻ và quý nhà hảo tâm thấy rằng sự sẻ chia của họ sẽ đi đến từng học sinh. Năm học vừa qua, không học sinh nào ở huyện bỏ học, nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt, là học sinh khá giỏi, đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi".
Bà Nguyễn Thị Thành - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà
Mong có thêm nhiều tấm lòng cùng tạo điểm tựa yêu thương
Các thầy cô nhận kỷ niệm chương và vòng hoa vinh danh - Ảnh: T.MAI
Bà T., một nhà hảo tâm ở TP.HCM, dù đóng góp một khoản tiền lớn nhưng cũng như tất cả các nhà hảo tâm khác, bà từ chối đăng tên mình lên báo.
Bà chia sẻ: "Tôi cùng nhóm đã đến đây từ một ngày trước, tìm về nhiều mái trường, tận mắt thấy câu chuyện của thầy cô.
Hôm nay, chúng tôi góp chút tấm lòng của mình nhưng thấy quá nhỏ so với những gì thầy cô nơi này đã làm cho bọn trẻ. Tôi thật sự cảm kích và cầu mong có thêm nhiều tấm lòng cùng thầy cô tạo điểm tựa yêu thương cho bọn trẻ".
Yêu thương thật sự có sức lan tỏa rất lớn, những "vị khách không mời" tìm đến một chương trình giữa núi rừng làm lay động các thầy cô giáo. Chẳng ai nghĩ công việc thầm lặng của mình lại tạo cảm hứng lớn đến như vậy.
Ông Đặng Ngọc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng là "khách không mời".
Ông Dũng đến với chương trình này bởi ông từng nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục ở Sơn Hà. Ông Dũng biết rõ những khó khăn chồng chất nơi đây.
"Học sinh là người đồng bào thiểu số H’Rê ở đây cái gì cũng thiếu. Nhưng hôm nay, tôi thấy các em đã nhận đủ đầy yêu thương. Càng mừng hơn nữa khi xã hội cùng đồng lòng. Tôi mong nghĩa cử cao đẹp của thầy cô ở Sơn Hà tiếp tục lan tỏa" - ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận