11/05/2016 11:09 GMT+7

Mãi là bạn của thiếu nhi

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Từng chạy xe ôm, làm phụ hồ, đi giao hàng nhưng anh bảo nếu có chọn lại lần nữa vẫn muốn được làm bạn với thiếu nhi như mười mấy năm qua mình đã chọn.

Tổng phụ trách Đội Nguyễn Văn Tán giới thiệu truyền thống Đội và thông tin đợt hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập Đội với học sinh - Ảnh: Q.L.
Tổng phụ trách Đội Nguyễn Văn Tán giới thiệu truyền thống Đội và thông tin đợt hoạt động kỷ niệm 75 năm thành lập Đội với học sinh - Ảnh: Q.L.

Chính anh cũng không nghĩ mối duyên đầy bất ngờ nhưng có thể níu giữ chân mình lâu đến thế. 14 năm làm tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Trương Công Định (Q.6), anh Nguyễn Văn Tán nói tình yêu với Đội, với thiếu nhi đã làm đời anh thay đổi nhiều.

Anh phụ trách... “thợ đụng”

Ngày quyết định rời quê nhà An Giang lên Sài Gòn lập nghiệp, Tán chưa hình dung mình sẽ làm gì, chỉ biết rằng phải bước khỏi cái nghèo, thoát vòng luẩn quẩn trông chờ vào mảnh ruộng quê mình.

Năm đó Tán 20 tuổi. Công việc đầu tiên của anh là phụ hồ. Cả năm ròng theo công trình, lúc nơi này khi nơi khác, quần quật với cái nắng, cái gió.

Tình cờ có người quen giới thiệu đi làm phụ trách thiếu nhi. “Thật tình lúc đó có biết phụ trách thiếu nhi là gì đâu, được giới thiệu nên đi làm đại thôi” - Tán nhớ lại.

Vào làm rồi bắt đầu thấy đam mê nhưng chưa biết gì, đến thắt khăn quàng cũng chưa rành, còn đánh trống là coi như mù tịt.

May mà biết được tin lần đầu tiên Trường Đoàn Lý Tự Trọng mở lớp bồi dưỡng công tác Đội và phụ trách thiếu nhi, vậy là Tán xin trường tự sắp xếp thời gian để đi học. Hôm nào may mắn quá giang được bạn thì đỡ tốn ít tiền xe buýt.

Từ Q.6, đi gần như xuyên qua TP mới đến được trường ở Thủ Đức nên có hôm học xong trở về tới trường cũng 7g tối.

Dù chỉ ít ngày thôi nhưng Tán nói lớp học đã giúp anh có những hình dung cơ bản nhất về công tác thiếu nhi, hoạt động Đội.

“Mình tìm mua sách hướng dẫn trò chơi, sinh hoạt tập thể, nghiệp vụ về Đội rồi tự mày mò tìm hiểu, kêu học trò thắt khăn quàng, đánh trống cho xem để ghi nhớ, đến tối khi không còn ai lôi trống ra tập một mình cho quen thao tác” - Tán kể về những ngày đầu làm phụ trách Đội của mình.

Tính tất tần tật các khoản thu nhập của anh thời điểm đầu những năm 2000 chưa đến 500.000 đồng. Một thân một mình chắt chiu lắm cũng khá chật vật nên biết hoàn cảnh của Tán, thầy hiệu trưởng đã cho dọn vào trường ở, kiêm luôn trực bảo vệ trường ban đêm coi như không tốn khoản tiền trọ.

Hè không có lương, Tán ra đường chạy xe ôm, có năm lại đi giao hàng. Người chủ chỗ giao hàng thấy siêng kêu nhận vào làm luôn nhưng Tán lắc đầu, nói chỉ làm thêm mấy tháng hè chứ không bỏ mấy đứa nhỏ, bỏ trường được, trót yêu rồi!

Bạn của thiếu nhi

Tán giờ có nhiều “fan ruột” lắm, toàn là học trò. Hôm nghe tên thầy tổng phụ trách của mình được xướng lên với chức vô địch hội thi dành cho phụ trách Đội toàn TP, cả chục cô cậu học trò ngồi dưới nhảy cẫng lên la hét ầm ĩ rồi ôm nhau khóc.

Bạn Đỗ Trần Lâm Nhi - thành viên ban chỉ huy liên đội Trường tiểu học Trương Công Định - chia sẻ: “Tụi em đứa nào cũng thương thầy hết. Thầy rất nghiêm khắc, khó tính nhưng rất nhiệt tình, dạy dễ nhớ, nhiều kỹ năng thầy dạy trong những tiết sinh hoạt tập thể dù học cả năm rồi em vẫn nhớ”.

Mỗi ngày thầy tổng phụ trách chạy qua chạy lại giữa hai cơ sở của trường để làm việc với trò. Điều Tán an tâm nhất là đã tập được cho học trò của mình tính tự quản nên dù không có thầy tổng phụ trách, các em vẫn có thể tập hợp, điều khiển các giờ sinh hoạt Đội, chào cờ đầu tuần bình thường.

Còn thầy có thể kể không sót tên học trò và thông tin đi kèm: Hồng Cúc, Thảo Đan, Hải Yến... vì dù rời trường lâu rồi nhưng hễ thầy cần là sẵn sàng quay về giúp lớp đàn em ngay lập tức.

Ông Nguyễn Văn Tấn - hiệu trưởng Trường tiểu học Trương Công Định - cho biết dù công việc nhiều, gia đình con nhỏ nhưng thầy Tán đã tự sắp xếp đi học và hoàn thành lớp cử nhân tiểu học của ĐH Sư phạm TP.HCM.

“Giờ đủ chuẩn giáo viên đứng lớp nhưng nhà trường chỉ để thầy Tán dạy vài tiết mỗi tuần và vẫn phân công làm tổng phụ trách vì nói về chuyên môn, kỹ năng hoạt động thiếu nhi, công tác Đội của thầy Tán thì khỏi bàn” - ông Tấn đánh giá.

Điều này minh chứng bằng kết quả bốn năm liên tiếp trường đạt liên đội, chi đội 3 tốt cấp TP (học tập tốt, tự quản tốt, tham gia phong trào tốt).

Có một giai đoạn ngắn (sáu tháng) Nguyễn Văn Tán được điều động về quận đoàn công tác. Nhưng trong một lần trở lại trường, mấy học trò bu lấy thầy khóc hỏi sao thầy nỡ bỏ tụi con.

Vậy thôi mà Tán quyết định xin trở lại làm tổng phụ trách vì “tụi nhỏ vừa là học trò, vừa như con, như bạn mình bỏ sao đành”.

“Những tiết sinh hoạt với thầy Tán lúc nào cũng đầy tiếng cười, em nhớ nhất những câu chuyện thầy kể về lòng hiếu thảo, tình thương người mà em nhận ra mình phải biết sống yêu thương hơn” - bạn Huỳnh Thị Ngọc Loan (lớp 4/1) bộc bạch.

Bảng vàng đề tên

Đến lần thứ tư thi Olympic Cánh én dành cho đội ngũ phụ trách Đội của TP.HCM, Nguyễn Văn Tán mới bước lên bục cao nhất với giải “Cánh én vàng" của bảng thi dành cho giáo viên làm phụ trách Đội, sau khi vượt qua 32 môn thi kiểm tra kiến thức, kỹ năng tổng hợp.

Anh cũng là một trong 10 phụ trách Đội toàn quốc được nhận giải thưởng “Cánh én hồng” của Hội đồng Đội trung ương dịp 75 năm thành lập Đội dành cho những đóng góp, thành tích xuất sắc.

“Giải thưởng với mình không chỉ là sự ghi nhận mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn, để thêm yêu và tự dặn mình phải dấn thân nhiều hơn với đam mê đã chọn” - anh Tán chia sẻ.

Trong khi đó, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Tấn cho biết sẽ có khen thưởng danh hiệu xứng đáng vì “bảng thi giáo viên làm phụ trách Đội là bảng thi rất khó, lại thi cả TP nên tôi cho rằng người đạt được kết quả tốt nhất phải được công nhận như một giáo viên dạy giỏi”.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp