22/12/2015 06:00 GMT+7

​Mại dâm, gạ tình tràn lan trên mạng xã hội

MẠNH KHANG - VÕ HƯƠNG - NGỌC MINH
MẠNH KHANG - VÕ HƯƠNG - NGỌC MINH

TTO - Chỉ cần vào phòng chat, tìm bạn bè…, nhiều người bàng hoàng khi phát hiện hàng loạt tài khoản đăng trạng thái mua bán mại dâm với những hình ảnh nhạy cảm nhưng không ai quản lý.

Nội dung gạ tình tràn ngập phòng chat

Thời gian gần đây, nhiều bạn đọc bức xúc phản ảnh với TTO về tình trạng bị làm phiền bởi những tài khoản ảo “mời chào” mại dâm trên các mạng xã hội thông dụng như Facebook, Zalo, Instagram…

“Cứ mở nick là có người vào mời chào”

Đó là chia sẻ của anh Tuấn Hùng (ngụ Q.11, TP.HCM). Anh Hùng cho biết đặc điểm của đối tượng này là khi bắt đầu cuộc trò chuyện sẽ hỏi hàng loạt vấn đề như tên, tuổi, có người yêu chưa, ở đâu, trong phạm vi gần hay xa, dễ gặp hay không…

“Khi chúng ta từ chối lịch sự thì đối tượng vẫn lấn tới”, anh Hùng cho biết.

Trong khi đó, chị Hoàng Trâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc khi mỗi lần mở tài khoản Zalo lên là chị lại nhận được nhiều tin nhắn “hỏi han” từ người lạ. Chị Trâm cho biết chị phải xóa hết các ảnh có gương mặt mình trên Zalo, thay đổi thông tin tài khoản và đăng một ảnh đại diện là hình phong cảnh vì lo lắng.

Trao đổi với TTO, anh Trí Nhân (Đồng Tháp) tức giận khi phát hiện một tài khoản của ai đó cách nơi anh ở 700m đang dùng ảnh đại diện là hình của anh. Nghiêm trọng hơn khi tài khoản này lại thêm vào dòng “mời chào” các chị em.

Là một sinh viên khá khôi ngô của một trường đại học (Q.1, TP.HCM), bạn T.K. cho biết đã nhiều lần nhận được tin nhắn từ một đối tượng lạ với nội dung “tuyển người phục vụ các chị từ 26-36 tuổi”.

Vũ Luân (21 tuổi, Q.5, TP.HCM) cũng nhiều lần nhận được tin nhắn “Massage miễn phí, thư giãn, hưng phấn từ A đến Z” của một tài khoản tự xưng ở Q.8, TP.HCM.

Tiền mất tật mang vì ham “món lạ”

Ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA - cho biết ngoài các nguy cơ về rò rỉ thông tin, hình ảnh cá nhân khi người dùng trao đổi với các đối tượng này thì nghiêm trọng hơn là họ có thể sẽ bị lừa đảo, cướp giật khi đến điểm hẹn mà đối tượng giao ước. Tại đây, các đồng bọn của đối tượng dễ dàng khống chế, cướp tài sản. Kênh mạng xã hội khi đó sẽ thành kênh mồi chài để cướp giật.

“Rất nhiều người từng bị như vậy nhưng không dám báo công an vì sợ mất uy tín”, ông Thắng khẳng định.

Chia sẻ thêm, ông Thắng cho rằng cả người bán dâm lẫn người mua dâm đều có thể gặp trường hợp tương tự. Người bán dâm thường chủ động hẹn những nơi có đồng bọn của họ để tấn công người mua dâm. Ngược lại, người bán dâm cũng có thể bị người mua dâm đánh lừa.

Các biện pháp phòng tránh là không để online khi không cần dùng mạng xã hội, đặt chế độ ẩn danh để người khác không thấy, và ý thức không cung cấp thông tin, hình ảnh của mình cho người lạ. Về kỹ thuật, nếu đối tượng sử dụng một số điện thoại hoặc một tài khoản thì người dùng có thể chặn nhờ chức năng của mạng xã hội, nhưng nếu số điện thoại thay đổi thì không thể chặn tự động mà phải chặn thủ công.

Theo ông Trần Quang Chiến - giám đốc Công ty An toàn thông tin và truyền thông Việt Nam (VNIST), cho hay những số điện thoại, tài khoản “mời chào, gạ tình” đều là số điện thoại rác. Do đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hơn tài khoản của mỗi người kèm thông tin của họ. Có các kênh thông tin khác nhau để người dân báo cáo khi nhận được những tin nhắn như vậy.

Ông Chiến lưu ý: “Không chỉ trong mời chào mua bán dâm mà bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội cũng đều có thể là thông tin giả mạo”.

Chưa thấy xử lý

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết dùng mạng xã hội để “mời chào” là hành vi dẫn người khác vào mua bán dâm. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Khi quan hệ mua bán xảy ra thật sự, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội bán dâm, mua dâm.

Cơ quan quản lý nhà nước phải xem lại công tác quản lý của mình. Chắc chắn các cơ quan có bộ phận xử lý những trường hợp này nhưng quan trọng là cách xử lý thế nào. Cơ quan an ninh cần có những thông báo về nguy cơ của những hành vi này trên phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí là ngay trên mạng xã hội để tạo được tính lan tỏa.

Về phía người dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan công an hoặc các đơn vị chức năng khi có thông tin về các đối tượng thực hiện hành vi này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho rằng thay vì tranh luận về việc nên hay không công khai danh tính người mua bán dâm thì việc đầu tiên nên làm là nghiên cứu để nhanh chóng sửa đổi quy định pháp luật, tăng mức xử lý thật nghiêm để mạng xã hội không còn là mảnh đất màu mỡ có nhiều “giao dịch thành công” của các đối tượng mua bán dâm mà bấy lâu nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm soát và xử lý được.

Trong một báo cáo tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động phòng chống mại dâm giai đoạn 2011-2015, Bộ Công an đã cho biết hàng trăm website, diễn đàn “đen” trên mạng đã được lập ra, đăng tải nội dung đồi trụy kèm theo môi giới mại dâm. Ngoài ra, nhiều người bán dâm lợi dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo,… để bán dâm bằng cách tung ảnh khỏa thân kèm số liên lạc không qua môi giới.

Bộ Công an cũng khẳng định tình trạng mại dâm qua Internet ngày càng phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn mang tính căn bản do việc kiểm soát các trang mạng xã hội cần sự phối hợp của nhiều ban ngành, các website thường có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc ngăn chặn còn hạn chế.

Một dòng trạng thái "mời chào" trên facebook

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> Ông Võ Đỗ Thắng

>> Ông Trần Quang Chiến

>> Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

MẠNH KHANG - VÕ HƯƠNG - NGỌC MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp