19/09/2024 08:11 GMT+7

Mái ấm Hoa Hồng: chủ cơ sở 'đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước'

Theo bà Võ Thị Chính - phó chủ tịch UBND quận 12, là chủ cơ sở "đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước" và chưa lần nào đoàn kiểm tra thấy số trẻ vượt quy định.

Cơ sở bảo trợ 'hô biến trẻ' để né kiểm tra - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đã đưa 84 trẻ từ mái ấm Hoa Hồng (quận 12) vào nuôi dưỡng, chăm sóc tại ba cơ sở bảo trợ công lập - Ảnh: VŨ THỦY

Một cuộc kiểm tra khác tại mái ấm Chúc Từ (quận Bình Thạnh) sau đó cũng phát hiện "dôi ra" đến 65 trẻ.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các cuộc kiểm tra trước đó đều không phát hiện ra số lượng trẻ vượt quá quy định, bởi như lời bà Võ Thị Chính - phó chủ tịch UBND quận 12, là chủ cơ sở "đã đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước" và chưa lần nào đoàn kiểm tra thấy số trẻ vượt quy định.

Hiện nay thành phố có 80 cơ sở bảo trợ. Qua cuộc giao ban gần nhất với các cơ sở, có thể thấy nhiều người đang làm công tác nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật bằng cái tâm. Họ rất tâm huyết. Nhưng đáng tiếc có những cơ sở trục lợi trên những đứa trẻ.

Ông NGUYỄN TĂNG MINH (phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM)

Có kiểm tra, 65 trẻ "chạy" về 4 tỉnh

Với trường hợp mái ấm Hoa Hồng, UBND quận 12 đã tổ chức kiểm tra hai lần vào tháng 11-2023 và tháng 4-2024. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cũng thực hiện giám sát tại mái ấm này vào tháng 7-2024.

Tuy nhiên qua các lần kiểm tra, số trẻ được chăm sóc tại thời điểm kiểm tra chỉ 39 trẻ, đúng với giấy phép thành lập.

Điều tương tự cũng diễn ra với trường hợp mái ấm Chúc Từ tại quận Bình Thạnh, khi cơ quan chức năng đến kiểm tra nhưng cũng thấy cơ sở chỉ nuôi đúng 22 trẻ theo giấy phép.

Vào thời điểm kiểm tra ngày 5-9, tại cơ sở chỉ có 22 trẻ; các bé có giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế đầy đủ.

Tuy nhiên, cơ sở không cung cấp được hợp đồng lao động của các bảo mẫu, giáo viên và người lao động tại cơ sở cũng như các sổ sách tài chính liên quan (do kế toán đi vắng).

Ngày 7-9, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục chỉ đạo kiểm tra đột xuất cơ sở trên, xét thấy cơ sở không đảm bảo các điều kiện hoạt động theo quy định nên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động tại cơ sở Chúc Từ trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 7-9-2024.

Nhưng phải đến ngày 8-9, khi Công an quận Bình Thạnh làm việc với ông Lee Liem - người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý mọi hoạt động của cơ sở Chúc Từ, thì ông Liem mới cho biết cơ sở Chúc Từ đang nhận nuôi, chăm sóc 87 trẻ em có độ tuổi từ sơ sinh đến 7 tuổi.

Giải thích việc này, ông Liem cho biết khi biết thông tin về mái ấm Hoa Hồng (quận 12), nhận thấy việc cơ sở Chúc Từ đang nhận nuôi quá số lượng quy định của giấy phép hoạt động, nhiều khả năng sẽ bị chính quyền địa phương kiểm tra nên sáng 5-9 ông Liem đã chỉ đạo các bảo mẫu đưa 65 trẻ (từ 1 tháng tuổi đến 7 tuổi) đi tránh mặt tại Phòng khám từ thiện Chúc Từ (do ông Liem thuê) tại địa chỉ 57/1 Điện Biên Phủ và nhà số 57/14 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh (do ông Liem mua).

Vì vậy, vào thời điểm đoàn kiểm tra đến kiểm tra cơ sở vào ngày 5-9 thì chỉ ghi nhận 22 trẻ có mặt. Sau đó đến 14h cùng ngày, ông Liem đưa các trẻ trên đến bốn nơi khác nhau.

Trong đó có 24 trẻ đưa về chùa Phật Bửu tại Củ Chi, 15 trẻ gửi tại chùa Hưng Phước (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre), 15 trẻ gửi tại tịnh thất Hồng Liên (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), 11 trẻ gửi tại chùa Di Đà (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) và đều có thông tin cha mẹ cho nhận trẻ.

Cơ sở bảo trợ là trọng điểm về an ninh trật tự

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết các cuộc kiểm tra đều phải thông báo trước, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới kiểm tra đột xuất được. Đây là kẽ hở để các cơ sở đối phó được các cuộc kiểm tra.

"Khi thẩm định cấp giấy phép thì tùy vào diện tích, cơ sở vật chất, đội ngũ bảo mẫu, nhân viên… để tính số lượng trẻ mà cơ sở được phép nuôi dưỡng. Thế nhưng nếu nuôi quá số lượng thì khi có thông báo kiểm tra, cơ sở sẽ di chuyển trẻ đến một cơ sở khác.

Đó là cách đối phó rất tinh vi. Chẳng hạn như quận 12, hai lần kiểm tra, một lần giám sát không phát hiện gì. Điều kiện cơ sở vật chất, nuôi dạy chăm sóc đều tốt, số lượng đảm bảo", ông Minh nêu.

Tuy nhiên, ông Minh cho rằng không thể phủ nhận công sức, tâm huyết của hàng chục cơ sở bảo trợ còn lại. Với tình trạng nuôi trẻ vượt quá số lượng quy định ở một số cơ sở, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng vai trò giám sát của địa phương rất quan trọng bởi việc chuyển hàng chục đứa trẻ ra khỏi cơ sở dù là ngày hay đêm đều có thể dễ gây chú ý.

"Địa phương ở đây có thể là ban điều hành khu phố, người dân sinh sống gần đó, cảnh sát khu vực. Sau sự việc này, địa phương cần tăng cường vai trò giám sát và hậu kiểm sau khi cấp giấy phép. Phải xác định các cơ sở bảo trợ là những trọng điểm về an ninh trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm... vì liên quan đến yếu tố con người, sinh mạng con người.

Chẳng hạn khi có hỏa hoạn người lớn có thể chạy được nhưng những đứa trẻ thì không thể tự chạy được; bảo mẫu, người chăm sóc không thể bồng bế một lúc 4 - 5 đứa. Đồng thời với trẻ em thì còn có nguy cơ xảy ra các vấn nạn liên quan đến buôn bán trẻ em", ông Minh nhìn nhận.

Ông cho biết ngay trong tháng 9 này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn cho tất cả các cơ sở, xây dựng kịch bản ứng phó khi có sự cố xảy ra. Trong mỗi kịch bản như vậy thì khu phố làm gì, phường làm gì, sở làm gì để thống nhất về cách giải quyết, tránh sự cố xảy ra thì lúng túng, không biết gọi ai.

Đứa trẻ không tên số 11

Ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, cho biết trong 84 trẻ từ mái ấm Hoa Hồng được đưa vào ba cơ sở bảo trợ công lập có rất nhiều em không có hồ sơ giấy tờ, đang được tạm đánh số để quản lý trẻ chứ không gọi tên.

"Hiện có một trẻ đang cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 2 không có hồ sơ ban đầu, không có thông tin về nhân thân, không có hồ sơ tiêm chủng và được gọi là đứa trẻ số 11. Y bác sĩ không biết bé đã tiêm các loại vắc xin để phòng những loại bệnh nào", ông Minh thông tin.

Theo nắm bắt của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, có nhiều trẻ em trong các cơ sở bảo trợ ngoài công lập là những trẻ sinh ra ngoài ý muốn, bị bỏ rơi đâu đó và được đem về nuôi.

Luật sư LÊ THỊ THỦY (Đoàn luật sư TP.HCM):

Xử phạt hoặc đình chỉ hoạt động nếu vi phạm

Cơ sở bảo trợ 'hô biến trẻ' để né kiểm tra - Ảnh 2.

Luật sư LÊ THỊ THỦY

Căn cứ quy định về việc thành lập các tổ chức bảo trợ xã hội, mỗi cơ sở bảo trợ sau khi thành lập, để đủ điều kiện hoạt động cần đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, môi trường, vệ sinh, cán bộ, nhân viên... để đảm bảo trẻ em được chăm sóc tốt nhất và đủ điều kiện phát triển khỏe mạnh.

Việc cơ sở bảo trợ nhận nuôi số trẻ vượt quá tiêu chuẩn của cơ sở là vi phạm quy định về điều kiện hoạt động dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến điều kiện sống và môi trường phát triển của trẻ.

Các bé sẽ không được đảm bảo đủ không gian để phát triển cũng như không được chăm sóc phù hợp theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại điểm c khoản 4, khoản 6 điều 8 nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động từ 6 tháng đến 12 tháng.

Cơ sở bảo trợ 'hô biến trẻ' để né kiểm tra - Ảnh 3.Thứ trưởng Bộ Lao động: Vụ mái ấm Hoa Hồng do buông lỏng quản lý

Dù mái ấm Hoa Hồng hoạt động vượt so với cấp phép trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được, theo thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: "Có vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp