29/07/2015 14:59 GMT+7

Mắc võng canh voi

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TT - Sau vụ voi Thoong Ngân bị kẻ xấu vào tận Vườn quốc gia Yok Đôn để cưa trộm ngà, vườn quốc gia đã phải làm mọi cách để bảo vệ voi.

Voi Thoong Ngân (phải) đùa giỡn với voi Thoong Khăm tại khuôn viên Vườn quốc gia Yok Đôn
Voi Thoong Ngân (phải) đùa giỡn với voi Thoong Khăm tại khuôn viên Vườn quốc gia Yok Đôn - Ảnh: Tiến Thành

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay là cứ tối đến chúng tôi không dám thả voi vào rừng như trước, trong khi nhu cầu ăn uống của voi rất lớn. Đặc tính của voi là hoang dã và luôn cần bổ sung vi lượng từ các loại thức ăn trong rừng cả ngày lẫn đêm 

Ông ĐỖ QUANG TÙNG (giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn)

Vụ cưa trộm ngà voi trong Vườn quốc gia Yok Đôn khiến hai chú voi Thoong Ngân và Thoong Khăm - được xem là biểu tượng của voi Bản Đôn - đang đứng trước sự đe dọa về tính mạng vì sở hữu “cặp ngà tuyệt đẹp”.

Hơn một tuần sau vụ cưa trộm ngà, voi Thoong Ngân (thuộc sự quản lý của Vườn quốc gia Yok Đôn, Buôn Đôn, Đắk Lắk) vẫn đang được các bác sĩ, chuyên gia điều trị vết thương trong khuôn viên vườn.

Chiếc ngà bên phải sau khi được các chuyên gia quyết định cắt, chỉ còn một đốt gần 10cm, lệch hẳn so với chiếc ngà trái...

Hai con voi đẹp nhất Tây nguyên

Thấy Thoong Khăm mới chở khách về, con Thoong Ngân tiến tới quấn vòi lẫn ngà đùa giỡn với bạn. Hơn 14 năm trước, voi Thoong Ngân và Thoong Khăm được các gru (nghệ nhân săn voi) đưa về từ khu rừng ở xã Suối Kiết (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) để thuần dưỡng.

“Đây là hai con voi có cặp ngà đẹp nhất Tây nguyên, thậm chí nhất Việt Nam. Nếu không tin, cứ đi dọc đất nước bạn tìm xem có voi nhà nào còn ngà không?” - ông Đỗ Quang Tùng, giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, nói như thế mỗi khi có khách tới vườn tham quan.

Anh Y Mứt (buôn Jang Lành, xã Krông Na, Buôn Đôn) - một nài voi lão luyện, hiện đang nài voi Thoong Khăm - nhớ lại năm 2001 người dân khu vực rừng ở xã Suối Kiết bị một bầy voi rừng về phá hoại, đe dọa tính mạng.

Khoảng 30 người, trong đó các bác sĩ thú y, những quản tượng ở Vườn quốc gia Yok Đôn cùng ba con voi nhà được cử đi để bắt bầy voi này.

Trong cuộc vây bắt ấy, hai voi mẹ đã bị chết, một con chạy lên núi. Sáu con voi còn lại được đưa về Vườn quốc gia Yok Đôn sau khi vượt qua chặng đường hơn 400km bằng xe tải. “Do mất mẹ, hai chú voi con bị lạc đàn và nhiều lần đi phá rẫy của người dân” - anh Y Mứt kể.

Trước tình hình này, giữa năm 2002 sáu nài voi giàu kinh nghiệm nhất ở buôn Jang Lành (xã Krông Na) đã chuyển vào rừng để sống và thuần dưỡng hai con voi này. Hai chú voi con có cặp ngà mới nhú đã được các nài voi đặt tên là Thoong Ngân (con vàng) và Thoong Khăm (con bạc).

“Phải mất ba tháng mười ngày, bọn mình mới thuần dưỡng được Thoong Ngân và Thoong Khăm, dù cả hai vẫn còn tập tính hoang dã của voi rừng” - Y Mứt nhớ lại.

Theo anh Y Mứt, lúc còn nhỏ voi Thoong Ngân ngoan ngoãn, biết nghe lời bao nhiêu thì Thoong Khăm bướng bỉnh và ngang ngạnh bấy nhiêu.

“Mình nhớ có lần đang cưỡi, nó lao cả người xuống sông Sêrêpôk để dìm cho mình chết ngạt. Lúc nó ngoi lên bờ, mình tím tái hết mặt. Mọi người từ ấy bảo Thoong Khăm là rái cá vì nó không sợ nước” - Y Mứt kể.

“Điều đặc biệt, voi Thoong Ngân sở hữu cặp ngà bông trắng và nhẹ, còn con Thoong Khăm có bộ ngà đá dài và cong vút. Vì thế cả hai sớm trở thành mục tiêu tấn công của bọn trộm ngà voi” - anh Y Mứt nói.

Nài voi Y Vi Xiên chăm sóc và bảo vệ voi Thoong Ngân hằng ngày - Ảnh: Tiến Thành
Nài voi Y Vi Xiên chăm sóc và bảo vệ voi Thoong Ngân hằng ngày - Ảnh: Tiến Thành

Ăn ngủ cùng voi

Những ngày này, nài voi tên Y Vi Xiên hầu như không lúc nào rời mắt khỏi voi Thoong Ngân.

“Vết thương của con Thoong Ngân vẫn chưa lành. Nó chưa khỏe hẳn nên mình lo kẻ xấu sẽ tiếp tục cưa trộm chiếc ngà còn lại” - anh Xiên tâm sự.

Buổi sáng, anh Xiên dẫn voi vào rừng rồi ngồi trên chòi nhìn voi ăn cỏ. Đến 12g, anh Xiên nhờ bạn trông mới yên tâm tranh thủ đi ăn cơm.

Chiều về, anh chặt thêm cây chuối, cây mía để tẩm bổ cho voi rồi đưa voi ra sông tắm và uống nước. Tối đến, anh mắc võng ngủ dưới lán, gần chỗ voi nằm.

Anh Xiên cho biết trước đây khi voi Thoong Ngân chưa bị cắt ngà, mỗi khi đi đâu anh cũng đều tự hào vì được quản lý một con voi cao, to và có cặp ngà đẹp nhất vùng.

“Mình biết kinh nghiệm của các gru là con nào có nước mắt chảy và mồ hôi ở chân thì đó là con voi khỏe nhất” - Y Vi Xiên bật mí. Anh bảo kỷ niệm “nhớ đến tận già” với Thoong Ngân là lần dắt voi đi chở khách.

“Bữa đó, con Thoong Ngân bị mắc cạn quá nửa người trong đầm lầy. Mình tưởng nó chết rồi. Chẳng còn nghĩ đến chuyện chở khách nữa, mình cùng vợ ném một cái cây xuống đầm lầy, đâu ngờ con voi biết dùng chân ghì lên cây gỗ, rồi nó vùng người ra khỏi đầm lầy thoát chết” - chàng quản tượng người Ê Đê kể.

Cũng theo anh Xiên, trước đây việc chăm sóc voi trong Vườn quốc gia Yok Đôn khá nhàn nhã.

“Sáng ra mình đưa voi đi chở khách, tối đến thả voi vào rừng để nó tự tìm thức ăn. Còn bây giờ, cả ngày lẫn đêm, mình chẳng dám rời xa nó nửa bước” - anh Xiên vừa nói vừa vuốt nhẹ trán voi Thoong Ngân.

Cũng như Y Vi Xiên, những nài voi Y Mứt và Y Siêng Niê (buôn Jang Lành) những ngày này cùng thay phiên nhau mắc võng ăn ngủ cùng voi Thoong Ngân và Thoong Khăm để đề phòng sự cố.

“Voi bây giờ là tài sản quốc gia rồi nên bọn mình phải có trách nhiệm. Mỗi ngày có hàng trăm thứ phải lo. Ngày trước lo voi mắc bẫy trong rừng, còn bây giờ lo kẻ xấu rình mò cướp ngà voi” - các nài voi nói.

Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết sau vụ cưa trộm ngà voi Thoong Ngân, vườn quốc gia đã “làm hết cách để bảo vệ voi”.

Theo đó, lực lượng bảo vệ được chia thành nhiều lớp, từ khâu bảo vệ kiểm tra kỹ giấy tờ, một đội phản ứng nhanh gồm bảy cán bộ kiểm lâm khỏe mạnh, có nhiệm vụ tuần tra 24/24 giờ quanh khuôn viên vườn quốc gia, đặc biệt mỗi đêm còn có hai nài voi mắc võng ngủ tại lán để canh voi.

Ngoài ra, nhiều “đường dây nóng” với các chuyên gia bảo vệ động vật hàng đầu VN và thế giới như Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Tổ chức Động vật châu Á... cũng được ông Tùng thiết lập để phòng sự cố.

Ông Tùng tâm sự: “Lực lượng bảo vệ voi trong vườn vẫn luôn trực chiến 24/24 giờ nhưng chúng tôi biết tụi trộm ngà vẫn hằng ngày “canh” anh em, sơ hở là chúng ra tay.

Cũng có lúc tính đề xuất cắt ngà để đảm bảo tính mạng cho voi Thoong Khăm và Thoong Ngân, nhưng cắt ngà đồng nghĩa với cắt đi biểu tượng của voi Tây nguyên".

Vào tận vườn quốc gia cưa trộm ngà

Nài voi Y Mứt (buôn Jang Lành, xã Krông Na) mắc võng ngồi canh voi Thoong Khăm - Ảnh: Tiến Thành
Nài voi Y Mứt (buôn Jang Lành, xã Krông Na) mắc võng ngồi canh voi Thoong Khăm - Ảnh: Tiến Thành

Sáng 14-7, nài voi Y Vi Xiên đã phát hiện chiếc ngà bên phải của voi Thoong Ngân sâu tới 2/3.

Trước đó, con voi 20 tuổi này đã được xích một chân và thả vào Vườn quốc gia Yok Đôn để tự kiếm thức ăn.

Ngày 16-7, ban quản lý Vườn quốc gia Yok Đôn họp bàn với các chuyên gia của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, Thảo cầm viên Sài Gòn (TP.HCM), Vườn thú Rotterdam (Hà Lan) và Tổ chức Động vật châu Á đã quyết định cắt chiếc ngà bị thương để chữa trị cho voi Thoong Ngân.

Theo ông Đỗ Quang Tùng, từ năm 2009 đến nay tại Đắk Lắk đã có ít nhất sáu con voi bị sát hại để lấy ngà và các bộ phận khác nhưng chưa tìm ra thủ phạm. Đây cũng là lần đầu tiên xảy ra vụ việc cưa trộm ngà voi ngay trong vườn quốc gia.

Đầu tư sinh sản voi nhà

Ông Nguyễn Công Chung, phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết hiện nay toàn tỉnh còn 43 cá thể voi nhà, trong đó huyện Buôn Đôn có 24 cá thể và huyện Lắk có 19 cá thể.

Cũng theo ông Chung, sau vụ voi Thoong Ngân bị cưa trộm ngà, Tổ chức Động vật châu Á đã lập tức cử ông Willem Schaftenaar, chuyên gia chăm sóc voi người Hà Lan, đến để hỗ trợ và cùng các bác sĩ thú y của trung tâm tiến hành gây mê, phẫu thuật và điều trị cho voi Thoong Ngân.

“Hiện nay chúng tôi đã và đang cử một số cán bộ đi đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ ở các nước có kinh nghiệm bảo tồn voi như Thái Lan, Sri Lanka, Ấn Độ... Đồng thời sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng trụ sở và cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho việc bảo tồn voi để có điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe và sinh sản voi nhà.

Tới đây chúng tôi sẽ hoàn thiện quy hoạch hai khu chăn thả voi nhà tại huyện Buôn Đôn và huyện Lắk để giúp các chủ voi có nơi chăn thả voi, cải thiện và bổ sung nguồn thức ăn cho voi” - ông Chung nói.

Ông Chung cũng cho hay khi phát hiện hành vi xâm phạm đến loài voi, bạn đọc có thể thông tin đến đường dây nóng của trung tâm: 0903524882.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp