26/08/2019 09:02 GMT+7

'Mắc kẹt' với Đại học Đông Đô

VĨNH HÀ - THY ANH
VĨNH HÀ - THY ANH

TTO - Đào tạo chui văn bằng 2, lừa đảo hàng trăm học viên để thu tiền tỉ, lãnh đạo trường thì người bị khởi tố, người bị bắt, người bị truy nã... Nhưng hệ lụy do Đại học Đông Đô gây ra chưa dừng ở đó.

Mắc kẹt với Đại học Đông Đô - Ảnh 1.

Học viên tập trung trước cổng Trung tâm GDTX Hải Phòng bức xúc về thái độ của đại diện trường ĐH Đông Đô sau buổi gặp ngày 25-9 - Ảnh: V.H.

Mới nhất là tiếng kêu cứu của hơn 200 học viên ở Hải Phòng. Số học viên này đã đăng ký học 4 lớp văn bằng 2 và liên thông của Đại học Đông Đô (ĐH Đông Đô), học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng và có đơn kiến nghị tập thể gửi cơ quan công an, Bộ GD-ĐT đề nghị hỗ trợ làm rõ một số vấn đề liên quan tới quyền lợi của người học.

Đào tạo không đúng quy trình 3.000 học viên

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, một học viên cho biết số học viên trên có rất nhiều hoàn cảnh nhưng vẫn duy trì việc học, không dám nghỉ. Nhưng bây giờ hi vọng mất dần và sốc khi biết chương trình mình học ngay từ đầu đã trái phép, có nghĩa không được công nhận.

"Dù chúng tôi được công nhận bằng hay không thì cũng cần phải có câu trả lời rõ ràng và trường phải chịu trách nhiệm đền bù, ít nhất là số học phí chúng tôi đã nộp" - một học viên cho biết trong lúc chờ đợi người của ĐH Đông Đô đến đối thoại vào ngày 25-8.

Khi sai phạm của ĐH Đông Đô vỡ lở thì đại diện Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Phòng cho biết họ chỉ cho thuê địa điểm, không liên quan tới việc đào tạo. Nhưng trung tâm này trước đó là nơi thông báo tuyển sinh, thu học phí và các khoản phí khác của học viên.

Trong số các học viên đã thi tốt nghiệp, nhiều người đang là công chức. Họ khẳng định đã học thật, thi thật. Nhưng tại cuộc gặp với học viên ngày 25-8, cán bộ phòng đào tạo ĐH Đông Đô lại cho rằng học viên phải hợp tác với trường để chứng minh việc "học thật, thi thật" thì mới bảo vệ được quyền lợi. Nhiều học viên đã phản ứng.

Đại diện ĐH Đông Đô trong cuộc gặp cho rằng không đủ thẩm quyền trả lời việc các học viên có được cấp bằng hay không, nhưng đã khẳng định "từ 2016 năm nào trường cũng gửi báo cáo xin phép đào tạo văn bằng 2 cho Bộ GD-ĐT, hiện các văn bản này vẫn còn lưu ở trường".

Không chỉ có hàng trăm học viên ở Hải Phòng mà theo xác nhận của bộ, ĐH Đông Đô đã tuyển sinh, đào tạo không đúng quy trình khoảng 3.000 học viên.

Mâu thuẫn trong trả lời của Bộ GD-ĐT

Ngay sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bắt tạm giam người liên quan tới đào tạo văn bằng 2 ở ĐH Đông Đô, Tuổi Trẻ đã có nhiều câu hỏi gửi đến lãnh đạo Bộ GD-ĐT. Nhưng sau 2 tuần im lặng, bộ chỉ gửi một văn bản trả lời chung, trong đó còn rất nhiều câu hỏi bị lờ đi.

Cụ thể, trong văn bản trả lời báo chí ngày 17-8, Bộ GD-ĐT thừa nhận đã cung cấp phôi bằng cho ĐH Đông Đô do trường đề nghị, nhưng không giải thích căn cứ vào những yếu tố nào để không xảy ra tình trạng cấp phôi bằng cho một chương trình đào tạo trái phép.

Một vấn đề khác, Bộ GD-ĐT khẳng định chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của ĐH Đông Đô nên chưa có văn bản cho phép trường đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên mới đây, một số thông báo xác nhận chỉ tiêu của Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT) đã được "lộ diện".

Cụ thể là thông báo số 173 ngày 1-4-2015 của Vụ Kế hoạch - tài chính do phó vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của ĐH Đông Đô là 500.

Tương tự, theo thông báo số 68 ngày 24-2-2016, Vụ Kế hoạch - tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này cũng do phó vụ trưởng Nguyễn Văn Áng ký.

Năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7-3-2017, vụ xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2017 của ĐH Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do vụ trưởng Trần Tú Khánh ký. Nơi nhận của các thông báo này là ĐH Đông Đô, bộ trưởng Bộ GD-ĐT (để báo cáo), Thứ trưởng Bùi Văn Ga (để báo cáo), Vụ Giáo dục ĐH, Thanh tra Bộ GD-ĐT.

Bắt đầu từ năm 2018, theo các văn bản pháp lý ở thời điểm này, việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu không còn tồn tại. Thay vào đó, cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy theo quy định của thông tư, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Vậy Vụ Kế hoạch - tài chính dựa vào đâu để xác định chỉ tiêu cho ĐH Đông Đô khi trường này không báo cáo Bộ GD-ĐT xin phép đào tạo văn bằng 2? Và đặt giả thiết Bộ GD-ĐT bị "qua mặt" thì liệu bộ - xét ở vai trò quản lý nhà nước - có vô can không khi để xảy ra tình trạng đào tạo chui kéo dài trong nhiều năm ở một trường ngay tại Hà Nội?

Liên quan tới việc giải quyết hệ lụy của "đào tạo chui", cụ thể là xác nhận việc có hay không công nhận văn bằng cho học viên đã học chương trình văn bằng 2 của ĐH Đông Đô, chỉ đạo trường như thế nào trong việc giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho học viên... cũng chưa được Bộ GD-ĐT trả lời.

Mở rộng hơn là việc rà soát, công bố công khai những cơ sở nào được đào tạo văn bằng 2, nơi nào sai phạm đã được thanh tra xử lý cũng là việc dư luận trông đợi. Những câu hỏi của báo chí tiếp tục gửi đến Bộ GD-ĐT, nhưng hiện vẫn đang rơi vào im lặng.

Học phí "linh động"!?

H. là nghiên cứu sinh của Viện Việt Nam học và phát triển - ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngay sau khi trúng tuyển, qua một thầy giáo cũ giới thiệu, H. và một số nghiên cứu sinh đã nộp hồ sơ vào ĐH Đông Đô để học văn bằng 2 tiếng Anh.

"Khi đó, chúng tôi được thông báo mức học phí là 30 triệu đồng/người. Nhưng sau này tôi mới biết giá đó không cố định vì đã có người chỉ đóng 22-25 triệu, có người 30 triệu, giống như việc "thuận mua vừa bán" với tùy người, kèm theo đó là những hứa hẹn sẽ không quá chặt chẽ trong việc học tập, thi cử, đảm bảo đóng tiền là có bằng" - H. kể lại.

Nhưng may mắn, H. đã rút hồ sơ sau khi học được một số buổi, vì việc đào tạo không đảm bảo chất lượng làm H. có cảm giác bất an.

Tuyển sinh cũng phải chờ ý kiến của bộ

Ông Vũ Mạnh Dũng - chánh văn phòng Học viện Khoa học xã hội - cho biết trong số 27 nghiên cứu sinh đã trúng tuyển trong đợt tuyển sinh cuối năm 2018, có 6-7 nghiên cứu sinh sử dụng văn bằng 2 tiếng Anh của ĐH Đông Đô.

Học viện đã xin ý kiến Bộ GD-ĐT về các trường hợp này để xem xét việc xét tuyển các nghiên cứu sinh nói trên, nhưng đến thời điểm này bộ chưa có phản hồi. "Ở thời điểm này, học viện không thể từ chối đối với các học viên nói trên vì bằng tiếng Anh họ có là bằng thật, phôi bằng thật, không phải được làm giả".

Hẹn đối chất với học viên, ĐH Đông Đô lại gây thêm thất vọng Hẹn đối chất với học viên, ĐH Đông Đô lại gây thêm thất vọng

TTO - Dù thông báo lãnh đạo trường sẽ gặp học viên để 'giải tỏa mọi thắc mắc', nhưng đại diện ĐH Đông Đô có mặt 'chỉ để lắng nghe', 'không có thẩm quyền trả lời, không có thẩm quyền quyết định' khiến nhiều học viên thất vọng bỏ về.

VĨNH HÀ - THY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp