21/09/2020 18:38 GMT+7

Mắc COVID-19 đã khổ, bệnh nhân ở Hàn Quốc còn bị dân mạng bắt nạt

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Nạn tin giả và bắt nạt trên mạng (cyberbullying) đã trở thành tác dụng phụ của các nỗ lực theo dõi người mắc COVID-19 vốn được ca ngợi vì hiệu quả ở Hàn Quốc.

Mắc COVID-19 đã khổ, bệnh nhân ở Hàn Quốc còn bị dân mạng bắt nạt - Ảnh 1.

Cô Kim Ji-seon và chồng mình tại nhà thờ họ thường lui tới ở thành phố Busan, Hàn Quốc - Ảnh: NEW YORK TIMES

Cô Kim Ji-seon, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở Hàn Quốc, được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 2 năm nay khi đang chuẩn bị làm đám cưới. Từ đây, mọi chi tiết về cuộc đời cô đều trở thành đề tài để cộng đồng mạng Hàn Quốc soi mói.

Sử dụng các công cụ kỹ thuật số tinh vi, chính quyền Hàn Quốc đã công khai tuổi tác, giới tính, tên nhà thờ và những nơi Kim từng lui tới. Từ những chi tiết này, những trò đùa trên mạng bắt đầu thêu dệt. 

Họ đồn đại rằng cô thuộc một giáo phái. Họ ghép hành trình của cô với hành trình của một thành viên khác trong cùng nhà thờ cũng có kết quả dương tính và kết luận cô đã phản bội vị hôn phu của mình.

"Tôi đã rất ngạc nhiên. Làm sao họ có thể chế giễu những người đang đấu tranh cho tính mạng của mình? Với ống truyền tĩnh mạch gắn trong cánh tay, tôi không thể làm được gì nhiều khi nằm trên giường bệnh", Kim chia sẻ.

Một số người như Kim đã phải trả giá đắt. Những kẻ bắt nạt trên mạng gọi cô là "sư tử núi", hàm ý cô sử dụng tình dục để quyến rũ đàn ông trẻ tuổi hơn. Một số người còn "ác khẩu" rằng nếu cô mang thai, đứa trẻ nên được xét nghiệm quan hệ cha con.

Dù chính quyền thành phố Busan nơi cô sinh sống đã can thiệp, những tin đồn này vẫn tiếp tục lan đi.

Sau khi xuất viện, Kim đã đệ đơn yêu cầu một cổng thông tin lớn xóa bỏ những thông tin giả trên. Thế nhưng sau khi cố gắng tiếp cận với hàng chục trang mạng, cô đã bỏ cuộc. "Họ quá đông", cô nói.

Những người như cô chỉ còn cách tiếp tục sống và hi vọng mọi chuyện sẽ dần qua đi. Tháng 6 vừa rồi, Kim Ji-seon cùng 20 thành viên nhà thờ từng mắc bệnh đã đi hiến huyết tương để giúp chữa trị cho các bệnh nhân nặng.

Cô cũng làm đám cưới trong cùng tháng, khách mời đều đeo khẩu trang, găng tay và tuân thủ giãn cách xã hội. Chính người đàn ông mà cư dân mạng thêu dệt chuyện "ngoài luồng" với cô đã tham dự đám cưới và hát mừng cô dâu, chú rể.

"Chúng tôi muốn cho những người đã đồn đại những điều xấu xa về mình thấy tình bạn của chúng tôi chẳng hề như họ tưởng tượng", các nạn nhân của trò bắt nạt trên mạng chia sẻ.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã cố gắng đối phó với tình trạng tin giả trong đại dịch COVID-19. Ở Hàn Quốc, cuộc đấu tranh này đi theo hướng đặc biệt cá nhân.

Theo báo New York Times, thành công trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc phần lớn xuất phát từ các biện pháp mạnh tay như sử dụng camera theo dõi, truy vết dữ liệu di động và thông tin giao dịch tín dụng của người dân. Các biện pháp này cũng vô tình cung cấp "nguyên liệu" cho những kẻ tấn công mạng và các trò đùa ác ý.

Hiện chính quyền Hàn Quốc đã giảm bớt một số chiến thuật can thiệp quá sâu, nhưng các vụ việc xâm phạm đời tư vẫn tiếp tục nổi lên.

COVID-19 đẩy thạc sĩ Ấn Độ ra bãi giữ xe COVID-19 đẩy thạc sĩ Ấn Độ ra bãi giữ xe

TTO - Không ít người có trình độ chuyên môn cao và bằng cấp ở Ấn Độ đang phải đi làm việc tay chân tạm thời vì mất việc làm trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp