Phóng to |
Nhà văn Mạc Can trên đường phố Sài Gòn ngày trở lại - Ảnh: nhân vật cung cấp |
Bất ngờ trong thinh lặng, tháng 5-2009 nghệ sĩ - nhà văn Mạc Can biến mất khỏi Sài Gòn để sang sống ở Dallas (Texas, Mỹ). Ðược gần hai năm, hay tin khu thương xá hành lang Eden (passage Eden) từng quá quen thuộc với người Sài Gòn một thời nay không còn nữa, ông ngậm ngùi viết Ðịa đàng không quên. Truyện ngắn này sau khi được ông gửi về tặng bạn đọc Tuổi Trẻ Cuối Tuần đã được nhiều người đọc khen ngợi. Ðó là loại truyện giúp người ta sống lại những hoài ức xưa cũ, có khi chính là một phần đời quan trọng nhất của mình.
Thường khi đã xa một con người, một nơi chốn, người ta mới càng hay nhớ về. Những ngày sống nơi xứ người, với Mạc Can là buồn không chịu nổi. Trong nỗi buồn đó, ông càng nhớ về bao kỷ niệm của một thời nghệ sĩ rong ruổi. Lấy trớn từ Ðịa đàng không quên, Mạc Can viết tập sách Nhớ trong thời gian kỷ lục. Và càng viết càng nhớ, đến mức ông quyết định về hẳn lại Sài Gòn trong tháng 3-2011.
* Trong các nỗi nhớ của mình, anh nhớ gì nhất?
- Không hiểu sao tôi lại nhớ nhất các rạp hát, đình làng ở khắp miền Nam, nơi từng theo gia đình lưu diễn từ thuở ấu thơ. Chúng như những căn nhà của tôi nằm ở khắp nơi, thường gần một bến sông, khu chợ, nơi chúng tôi đến diễn và ở hẳn trong đó, sống bằng "tiền mua vé" là bịch gạo, con khô... của khán giả nông dân.
Những rạp hát nhỏ, cũ kỹ, ghế gỗ, với những mảng tường vôi loang lổ, trên ghi đầy những tên người, những trái tim có mũi tên xuyên qua, những "Lan ơi, anh yêu em"... của những con người mà có thể sau khi khắc những dòng "lưu bút tình yêu" ấy sẽ mãi mãi không bao giờ gặp lại nhau nữa.
Ðời hát rong rày đây mai đó, sống chung chạ, cảnh nghèo khó không ngày mai khiến người ta dễ yêu thương nhau mà cũng dễ chia tay những cuộc tình sớm nở tối tàn. Nội bộ các đoàn hát yêu thương nhau, thay đào đổi kép như cơm bữa. Rồi các cô gái quê nơi các gánh hát tới diễn thường si mê nghệ sĩ, sẵn sàng gói bộ quần áo trong tờ báo cặp nách bỏ nhà đi theo "thần tượng" bất chấp tương lai...
* Anh có tránh khỏi những cuộc tình kiểu vậy?
- Làm sao tránh? Cô bé gói đúng một bộ đồ trong tờ giấy báo vừa nói chính là đi theo... tôi. Lúc đó gánh của ba tôi (ảo thuật gia Lê Văn Quý) ráp với đoàn cải lương Nam Hồng, tôi còn nhỏ xíu, chuyên đóng vai hề con, vậy mà cũng được mê. Cô đi theo tôi một hai tháng, tôi kêu thôi về đi, không có tương lai đâu, cô gạt nước mắt rời đoàn, từ đó không bao giờ gặp lại.
* Chắc cũng còn... vài cô nữa?
- Bộn à! Nhưng tất cả đều không lâu. Ða số mê ánh đèn sân khấu như những con thiêu thân, đi theo đoàn hát một thời gian là chán khi đã biết rõ chuyện hậu trường. Ðó cũng chính là nỗi nhớ nhiều thứ nhì của tôi, những mối tình thời thơ trẻ ngỡ là qua đường, vội vã nhưng cho đến giờ vẫn cứ không quên. Tôi có kể trong ba câu chuyện (Nancy và tôi, Giấc mơ vườn măng, Ðịa đàng không quên), nhưng sự thật thì... còn nhiều. Những gương mặt xa xăm cứ hiện ra trong những đêm mất ngủ ở xứ người da diết cùng bao kỷ niệm...
* Giang hồ có lời đồn thật sự anh đi Mỹ chỉ trong thời gian ngắn và là đi sô theo lời mời của nhóm Vân Sơn. Còn trong hai năm qua, phần lớn thời gian anh ở... Thanh Ða?
- Không phải vậy. Và còn có tin đồn tôi ở Hong Kong nữa, vui lắm. Thật sự tôi đi theo bảo lãnh của bà vợ người Nhật, người có lúc làm việc ở TP.HCM sau năm 1975 mà duyên nợ đã cho tôi gặp và có với nhau một đứa con. Tôi chưa lần nào làm đám cưới, hôn thú. Ðể đi Mỹ, tôi đã làm giấy đăng ký kết hôn với người vợ Nhật, thủ tục bảo lãnh mất hết bảy năm.
* Anh học được gì trong thời gian ở Mỹ? Và tại sao lại bỏ về đây, không chịu định cư nữa?
- Học được khá nhiều điều, mở mang đầu óc. Về nghề ảo thuật, tôi được xem nhiều trò diễn mới lạ để học hỏi thêm, dù tôi luôn nghĩ mỗi nghệ sĩ phải có trò riêng, phong cách riêng. Nhưng điều lớn nhất tôi nhận ra ngay tức thì cũng là một điều cũ xì: được sống ở quê hương vẫn là hạnh phúc nhất. Nước Mỹ có thể là vùng "đất hứa" với ai nhưng không thể với tôi.
* Nghe nói anh cũng học... làm móng tay?
- Nghề này học vài trăm giờ mới được cấp giấy phép hành nghề. Sự thật thì nghề làm móng tay bây giờ không còn dễ ăn, mùa đông người ta sang tiệm nhiều, giá rẻ. Ở Mỹ sô diễn quá ít, các casino thỉnh thoảng mới gọi diễn, tôi ở không nên mới nghĩ dại nhờ người thân giúp vốn đi sang một tiệm móng tay ở Irving. Làm một thời gian tôi bỏ chạy mất dép. Không phải nghề của mình nhưng dù sao cũng có thêm chút vốn sống.
* Ðời đi hát của anh từ 8 tuổi, nay đã gần 60 năm tuổi nghề, lẽ dĩ nhiên còn rất nhiều điều đáng nhớ, đáng kể lại mà ắt hẳn anh chưa kể hết trong Nhớ? Anh có nghĩ đến chuyện viết hồi ký?
- Nhớ gần như là một dạng hồi ký, dù đúng nó chỉ mới là một phần rất nhỏ trong đời hát rong của tôi. Tôi sẽ tiếp tục viết những đoạn rời như vậy, nhớ đến đâu viết đến đó, còn hồi ký thì thật sự chưa dám vì đó là chuyện của người lớn còn mình thì... nhỏ xíu. Có lẽ tôi vẫn sẽ viết về những hoài ức, những kỷ niệm, câu chuyện khó quên của đời nghệ sĩ, như trong Nhớ vậy thôi. Rồi mai đây tập họp lại, chắc đó sẽ là một dạng hồi ký, phải không anh?
* Xin cảm ơn, chúc anh tiếp tục viết và diễn hay, khỏe.
NGUYỄN ÐÔNG THỨC
Ông già kể chuyện dễ thương “Cuốn này không được hay nha!”. Mạc Can khiêm tốn mà nói vậy khi vừa cầm cuốn sách mới trên tay. Còn người đọc nếu đã đọc Nhớ (*) rồi sẽ khó mà quên. Không quên những tiếng cười của mình đã rơi trên trang sách nào, hay nỗi ngậm ngùi của mình đã rớt lại ở đâu trước “ông già” kể chuyện dễ thương. Ngắn gọn, dung dị và hài hước, cộng với sự tài tình khi trộn lẫn thực - hư trong vài câu chuyện, Mạc Can dắt người đọc đi với ông từ tuổi thơ “trôi sông lạc chợ” đầy cam khó, thời lưu linh theo các gánh hát, học làm hề, học ảo thuật đến lúc về Sài Gòn đi bán bồ câu kiếm sống, rồi đi thử vai trong “phim Tây”, đi đóng phim nghệ thuật... Những ký ức rời, vậy mà tập hợp lại là cả một kho tàng không dễ nhà văn nào có được. Chỉ riêng chuyện đời ông thôi, khi chưa cần tác giả thêm “gia vị”, đã đủ vừa mời gọi vừa thách thức các nhà biên kịch, đạo diễn. Với Nhớ, Mạc Can muốn để lại nhiều tiếng cười vui, có điều ông không biết, sẽ có người đọc còn cay mắt... nhớ ba viên gạch, như nhớ ngọn lửa nhỏ hắt hiu, ngậm ngùi được cơi lên từ đó, từ một bà mẹ. __________ (*) Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ xuất bản tháng 5-2011. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận