03/12/2017 11:43 GMT+7

Mặc cả mức án trước phiên tòa

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - “Tôi không biết phải làm thế nào bây giờ, khuyên con kêu oan hay làm đơn xin giảm nhẹ hình phạt để được sớm về như lời khuyên của thẩm phán”.

Mặc cả mức án trước phiên tòa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quý - Ảnh: H.Đ.

Đó là lời rút ruột của ông Nguyễn Quý, hiện ở tại phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Ông Quý là cha của bị cáo Nguyễn Nguyên Hưng vừa bị TAND quận Gò Vấp tuyên mức án 7 năm tù về tội "cướp tài sản".

Thẩm phán khuyên nên nhận tội

Từ khi Nguyễn Nguyên Hưng bị vướng vào vòng lao lý đến nay đã 3 năm 7 tháng bị tạm giam, qua 8 lần trả hồ sơ, 5 phiên tòa sơ thẩm, một phiên tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm lần thứ 5, thẩm phán "mặc cả" với cha của bị cáo: nếu nhận tội thì xử án từ 4 - 5 năm, không nhận thì tuyên án nặng.

Ông Quý kể: "Trước khi tòa Gò Vấp quyết định đưa ra xử sơ thẩm, ông thẩm phán Lê Hoàng Ngọc Hải - thẩm phán TAND quận Gò Vấp - khuyên tôi nên nói con nhận tội. Làm như vậy thì cho về sớm, còn như cứ kháng cáo kéo dài vụ án, không chừng đến khi kết thúc phải mất vài năm nữa". 

Trong băng ghi âm cuộc trao đổi giữa thẩm phán Hải và ông Quý còn có đoạn đáng chú ý: "Thôi vậy anh về đi nhé... Anh tin tưởng hay thế nào tùy anh. Tôi giúp với điều kiện phải có cái gì để tôi giúp, chứ bây giờ không có cái gì hết trơn hết trọi thì làm sao tôi giúp được, đúng hông?".

Tuy ông thẩm phán bảo vậy nhưng ông Quý vẫn tin vào công lý, nên ông im lặng không khuyên bảo gì con trai mình, chờ đợi sự công minh ở phiên tòa sơ thẩm.

Ngày 14-11, khi phiên tòa được đưa ra xét xử, Nguyễn Nguyên Hưng vẫn một mực kêu oan không nhận tội. Nguyễn Nguyên Hưng cho rằng không hề quen biết với Út - người thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền và điện thoại của bị hại, đến nay chưa bắt được. Hưng cũng không hề có lời nói hay hành động gì đối với bị hại, không lấy một thứ tài sản nào.

Có cấp trên "bảo kê"

Sau khi tòa tuyên án, ông Quý rất phẫn uất bởi những gì ông thẩm phán nói đã thành sự thật. Ông Quý lên tìm thẩm phán Hải xin án văn để tiếp tục kháng cáo. Tại buổi gặp lần này (ngày

16-11), thẩm phán Lê Hoàng Ngọc Hải nói trước khi xử có trao đổi với viện kiểm sát và xin ý kiến "mấy anh cấp trên". Chỉ cần bị cáo Hưng nhận tội thì đảm bảo chỉ 5 năm tù. Còn nếu như có kháng cáo ông cũng không ngại, bởi ông có xin ý kiến cấp trên rồi.

Sau buổi nói chuyện, ông Quý rất bàng hoàng: "Tôi ngạc nhiên và quá bất ngờ. Chưa mở phiên tòa xét xử mà ông thẩm phán đã ấn định hình phạt tù cho con tôi".

Theo ông Quý, trong số bị cáo liên quan vụ án có một bị cáo vốn là người kêu oan từ đầu nhưng sau đó thay đổi lời khai, thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật và được tuyên mức án đúng bằng thời gian tạm giam. Mức án này chỉ bằng nửa bản án tuyên tại phiên sơ thẩm lần trước (7 năm 6 tháng).

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những vấn đề mà ông Quý phản ảnh, thẩm phán Lê Hoàng Ngọc Hải khẳng định ông không khuyên ai nhận tội thì được giảm án. Ông Hải cho biết có tiếp xúc với người nhà bị cáo để tống đạt các giấy tờ nhưng không trao đổi các nội dung khác.

Chưa xét xử sao biết có tội?

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - nguyên phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM, về nguyên tắc, bị cáo chưa được xét xử thì không thể biết sẽ tuyên thế nào. Một vụ án hình sự sau khi xét hỏi còn lắng nghe quan điểm của viện kiểm sát, lời bào chữa, bảo vệ của các bên. Đặc biệt, quyền quyết định mức án là quyền của hội đồng xét xử chứ không phải của cá nhân nào đó trong hội đồng. Không ai có quyền định tội danh cho bị cáo khi chưa xét xử, kể cả lãnh đạo tòa án.

Bà Thủy còn nói nếu như vụ án vướng mắc về nghiệp vụ thì có thể trao đổi với đồng nghiệp và lãnh đạo nhưng quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm vẫn là hội đồng xét xử. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có quyền kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Nếu án được thống nhất bởi cấp trên và cấp dưới thì đặt ra quyền kháng cáo của bị cáo để làm gì?

Không làm rõ yêu cầu của tòa phúc thẩm

Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 4-5-2016, bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm của TAND quận Gò Vấp do vi phạm tố tụng, áp dụng không đúng pháp luật. Đồng thời đề nghị cần làm rõ ý thức chủ quan liên quan đến hành vi quy buộc về tội "cướp tài sản".

Tòa phúc thẩm cũng yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ hành vi gian lận của một đối tượng khác trong việc chơi bida ăn tiền với Vũ Hoàng Hải và Hoàng Xuân Lý để xác minh chính xác phạm tội đánh bạc hay là một tội phạm nào khác.

Tuy nhiên, toàn bộ yêu cầu này không được làm rõ trong quá trình điều tra vụ án. Ngày 14-11, TAND quận Gò Vấp tiếp tục mở phiên tòa sơ thẩm lần 5.

Tóm tắt nội dung vụ án

Theo hồ sơ vụ án, tối 28-3-2014, Lương Quang Tuấn rủ Hoàng Xuân Lý chơi bida ăn tiền. Lý đi cùng Vũ Hoàng Hải, Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Nguyên Hưng đến quán bida. Tại đây, cả nhóm cùng chơi bài, Tuấn thắng tổng cộng 5,6 triệu đồng.

Hưng không tham gia chơi bài, chỉ đứng coi và phát hiện bộ bài bị đánh dấu, Tuấn có biểu hiện gian lận. Hưng báo cho Hải, Lý, Hiếu. Cả nhóm đòi lại tiền thua bạc nhưng Tuấn không trả.

Hiếu lấy điện thoại gọi một thanh niên tên Út tới "giải quyết". Người này dùng dao và kẹp cổ Tuấn để lấy 4,6 triệu đồng, buộc Tuấn phải trả thêm 1 triệu đồng tiền phạt, đồng thời lấy luôn 1 điện thoại của Tuấn.

Đến nay, cơ quan điều tra không tìm ra Út và không biết gì về lai lịch của Út.

Sau đó Út đưa cho Hải 3,6 triệu đồng, giữ lại 2 triệu đồng. Tới ngày 31-3-2014, Hải đưa cho Hưng 2 triệu đồng, Hưng đưa cho Lý 1,5 triệu, còn mình giữ 500.000 đồng.

Vụ án được khởi tố, 4 thanh niên bị bắt giữ.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần 5 (14-11), Hiếu xác nhận các bị cáo Hưng, Lý, Hải không quen biết Út và cũng không giúp sức cho Út thực hiện hành vi "cướp tài sản". Lương Quang Tuấn khai nguyên nhân vụ án xuất phát từ hành vi "cờ gian bạc lận", chứ không phải như tin báo tố giác trước đó là bị cướp tài sản.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp