Nhà văn Hoàng Đình Quang (bìa phải) đang trình bày về quan niệm học nghề trong văn chương - Ảnh: L.Điền |
Ở tuổi 79, Ma Văn Kháng vẫn chứng tỏ sức viết của mình còn đều đặn, khi vừa tuần trước ông ra mắt một tiểu thuyết (Người thợ mộc và tấm ván thiên, NXB Trẻ ấn hành) tại Hà Nội. Nay, NXb Văn hóa văn nghệ ấn hành quyển Nhà văn anh là ai gồm các tiểu luận, bút ký xoay quanh các câu chuyện về nghề văn.
Nghề văn cũng là một nghề
Cái nhan đề Nhà văn anh là ai cũng chính là câu tự vấn của mỗi người khi đã quyết dấn thân vào nghiệp văn với vô vàn câu hỏi về nghề về người cần giải quyết.
Một số bài viết trong tập này đã xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ cuối năm 2012, sau đó được tác giả viết thêm, hệ thống lại thành ba phần: Nhà văn anh là ai; Tình cờ nhận ra; Tâm sự nghề nghiệp. Đây có thể xem là những suy nghĩ về nghề văn tích cực nhất mà Ma Văn Kháng đã “rút ruột” chia sẻ với bạn viết và bạn đọc gần xa.
Những kinh nghiệm viết, những phát hiện kiến thức, những câu chuyện làm nên đề tài cho tác phẩm… một đời lao động cật lực của một nhà văn nổi tiếng trong dòng văn học đương đại Việt Nam, hẳn sẽ là tài liệu quý giá không những để cho các nhà văn tham khảo mà còn là cơ sở cho giới phê bình, nhà nghiên cứu hiểu sâu hơn về các quan niệm của Ma Văn Kháng về nghệ thuật.
Nhà văn Trần Thanh Giao đã đọc kỹ quyển tiểu luận này, và nêu ra những điều tâm đắc với Ma Văn Kháng. Đó là hiện nay có những trường hợp không phải hữu xạ tự nhiên hương mà “quảng cáo tạo nên hương”, lại là hương dỏm do quảng cáo đem lại để văn chương cũng bán được, như vậy thì đau lòng quá.
Hay như cách Ma Văn Kháng quan niệm nghề văn cũng là một nghề, mà đã là nghề thì có thể truyền nghề được. Đây chắc chắn là điều cần thiết và là niềm tin để những ai bước vào con đường viết lách có thêm động lực để phấn đấu thành tựu với nghề.
Vì sao anh viết văn?
Bìa sách Nhà văn anh là ai - Ảnh: L.Điền |
Tại buổi ra mắt kéo dài thành một cuộc tọa đàm, nhiều nhà văn cũng từ kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, chia sẻ với đề tài đang là nhan đề tập sách của Ma Văn Kháng.
Câu chuyện nhà văn anh là ai hay nói cách khác rằng nhà văn phải là người thế nào, quả thật là tập hợp của nhiều cách hiểu, nhiều quan niệm rất dễ gặp nhau nhưng cũng dễ bất đồng.
Nhà văn Hoàng Đình Quang cho rằng trước khi trả lời câu “nhà văn anh là ai”, phải trả lời câu hỏi: vì sao anh viết văn, và câu trả lời phải là trung thực.
Nhà văn Triệu Xuân cho rằng kiến thức và cập nhật kiến thức đời sống đương đại là tối cần thiết với nhà văn, nhà phê bình Hoài Anh lại cho rằng nhà văn nhà thơ là những nghệ sĩ, họ có những phẩm chất khác lạ, rất riêng, có khi là không bình thường - nói theo cách của Chế Lan Viên.
Nhưng có lẽ, dẫu có là ai thì mỗi người cũng phải sáng suốt để tự thu xếp cho mình. Cái “là ai” sẽ đến một cách tự nhiên sau tài năng, tâm huyết và thời gian làm việc anh đã bỏ ra.
Đọc thơ Trang Thế Hy Nhà văn Bích Ngân có sáng kiến đọc một bài thơ của Trang Thế Hy – người vừa từ giã cõi đời và khi tọa đàm đang diễn ra thì tại quê nhà, Trang Thế Hy đang được bạn văn làm lễ truy điệu và đưa ông về với đất. Bài thơ Bứt đứt sợi chỉ hồng của ông, theo Bích Ngân, chính là câu chuyện của nhà văn hôm nay, trong bối cảnh làm văn nghệ ở xứmình. Chị đọc: (Lời một cô gái có người yêu là nhà thơ) Hồi mình mới yêu nhau, cây kéo kiểm duyệt tạm trú trong đầu anh như khách không mời mà đến. Chỉ thỉnh thoảng nó mới e dè cắt bỏ một vài bông hoa tư duy nhỏ nở ra trên trang viết của anh. Nó ái ngại thấy anh nhỏ lệ nhìn những giọt nhựa tươi rỉ ra từ những cuống hoa bị cắt xén. Từ ái ngại nó chuyển qua thương anh rồi tội nghiệp anh như một nhà thơ nhát gan. Bây giờ cây kéo kiểm duyệt không phải là khách; Nó có hộ khẩu thường trú trong trái tim anh. Trước sự dửng dưng vô cảm của anh, nó cắt xén không thương tiếc những bông hoa cảm nghĩ của anh, kể cả những búp chưa kịp nở Nó lạnh lùng nhưng đôi khi cũng nói; nó không nói anh nhát gan, nó nói anh hèn. Khi cây kéo kiểm duyệt không còn gì để cắt xén nữa Trước sự vô hồn, trần trụi của bản thân anh, nó sẽ cắt đến sợi chỉ hồng đã gắn bó đôi ta do bàn tay xe duyên của bà nguyệt ông tơ. Em thương sợi chỉ quá nhưng đành phải bứt đứt nó trước bằng chính tay em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận