"Mây bay đỉnh núi" ở Hải Vân - Ảnh: QUÂN NAM
Vừa rồi, tôi đi du lịch bằng xe máy một số tỉnh miền Trung và leo là cung đường thú vị phải thử qua. Tôi chạy hướng từ Huế vào Đà Nẵng.
Phải công nhận đây là một cung đường quá đẹp để "phượt", nhất là từ khi có hầm Hải Vân thì rất ít ôtô đi đường đèo. Người đi xe máy có thể dừng lại ngắm cảnh, chụp hình ở những cung đường đẹp, mây sà xuống chân vực.
Đỉnh đèo là nơi mọi người dừng nghỉ tham quan Hải Vân quan, ranh giới giữa 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Dù là giữa trưa nhưng trời rất lạnh, sương mù nhiều, cộng thêm một ít mưa phùn mùa xuân nên cái lạnh càng thấm vô da thịt nhiều hơn.
Một cung đường đẹp trên đèo Hải Vân - Ảnh: QUÂN NAM
Đối diện Hải Vân quan là một dãy cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ ăn, nước uống. Giữa trời lạnh buốt mà có một ly trà nóng thì còn gì bằng, tôi vào một cửa hàng bán đồ lưu niệm có bán kèm cà phê và trà. Gọi một ly trà, tôi cầm bằng 2 tay để cảm nhận hơi nóng truyền qua, ngớp từng ngụm để cảm nhận mùi vị trà.
Trước giờ tôi cứ nghĩ những người buôn bán ở những điểm du lịch trong điều kiện thời tiết như thế này, nhọc hơn điều kiện bình thường nên họ có thể lấy giá cao hơn. Mình đi du lịch cũng không nên tiết kiệm quá. Ly trà nóng này có giá 20.000 đồng hoặc hơn một chút cũng là bình thường.
Nhưng tôi thật sự bất ngờ, khi gọi tính tiền thì chị bán hàng nói là... "trả tiền chi em, có ly nước mà tiền chi". Thật sự tôi rất xấu hổ khi chỉ vài phút trước đó, còn nhìn mấy chị bán hàng với ánh mắt dè chừng.
Tôi nói: "Chị lấy tiền đi. Chị cũng phải mua trà, nấu nước với trả tiền thuê mặt bằng nữa chứ". Chị trả lời: "Chị bán đồ lưu niệm nè. Mấy chị cũng nấu nước trà để uống, rót cho em ly cũng đâu mất mát chi".
Tôi ngồi nói chuyện thêm với chị và gọi một ly cà phê sữa nóng để có cơ hội trả tiền. Chị cho biết quê ở Quảng Nam, còn nhà dưới Đà Nẵng, ở quận nào tôi quên mất, mỗi sáng chạy xe máy 20km lên đỉnh đèo mở cửa hàng bán, tới chiều tối lại chạy về.
Cảnh từ trên đèo Hải Vân nhìn về TP Đà Nẵng - Ảnh: QUÂN NAM
Chị tâm sự: "Trên này lúc nào cũng lạnh, hay có sương mù nữa, những lúc có mưa thì thấu xương. Nhưng tụi chị quen rồi, ngày nào cũng chạy đi chạy về buôn bán, có đồng ra đồng vào chứ. Khách Tây hay khách ta chị cũng bán giá như nhau thôi. Người ta có thể đi 1 lần không quay lại, nhưng về họ kể cho người khác nữa".
Ly trà nóng đối với chị có giá 0 đồng, nhưng bài học mà chị bán hàng dạy cho tôi đáng giá hơn rất nhiều. Hai ly nước trên đèo Hải Vân đã làm cho tôi ấm áp, không còn chút lạnh nào của cơn mưa phùn mùa xuân, và đã xóa đi cái định kiến xấu xí trong đầu tôi bấy lâu nay: không phải ai buôn bán ở những điểm du lịch cũng "chặt chém" khách.
Giá như nơi nào ở Việt Nam cũng có những người đối xử với khách du lịch như chị bán hàng trên đèo Hải Vân thì lo gì ngành không phát triển.
Báo Tuổi Trẻ Online tổ chức diễn đàn "Xây dựng lối cho giới trẻ, cách nào?". Mọi chia sẻ, ý kiến, giải pháp sống đẹp theo góc nhìn của bạn xin vui lòng gửi về email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận