24/03/2015 21:00 GMT+7

Lý Quang Diệu trong mắt con gái và con trai út

CHIÊU VĂN
CHIÊU VĂN

TTO -  Ba người con của ông Lý Quang Diệu là Lý Hiển Long, Lý Vĩ Linh và Lý Hiển Dương chia sẻ những kỷ niệm về cha mình trên báo Singapore The Straits Times ra ngày 24-3.

Lý Vĩ Linh: Cha tôi là người tham công tiếc việc

Tiến sĩ Lý Vĩ Linh (Lee Wei Ling), 60 tuổi, là con gái duy nhất của nhà lãnh đạo Singapore quá cố Lý Quang Diệu. 

Bà Lý Vĩ Linh lúc còn nhỏ (thứ hai từ phải) và gia đình - Ảnh: straitstimes.com

Bà cho biết cha mẹ tôi và tôi đang ngồi trong bệnh viện chờ cha tôi được điều trị, nhưng chúng tôi không nói một lời. Sự im lặng không phải do căng thẳng vì tình trạng sức khỏe của ông - chúng tôi đều quá bận rộn làm việc.

Phải, cha tôi là người nghiện công việc, và ở tuổi 73 với cương vị bộ trưởng cố vấn cao cấp hồi năm 1996, ông vẫn không cho rằng một ca phẫu thuật phức tạp sắp tới là lý do khiến ông ngừng làm việc.

Nhưng điều đó cũng cho tôi thấy cha mình đã đối mặt với những thách thức của ông mà không hề lộ chút cảm xúc hay lo lắng nào. Ông là kiểu người không thể lay chuyển.

Ông luôn nghĩ rằng sợ hãi chẳng ích gì, vì có sợ hãi cũng chẳng thể nào thay đổi được kết cục theo hướng tích cực hơn.

Tôi cho rằng chính những phẩm chất sắt đá đó đã giúp ông vượt qua 31 năm đầy biến cố trong cương vị thủ tướng, nhưng những phẩm chất đó không phải lúc nào cũng tốt ở nhà.

Bà Lý Vĩ Linh và ông Lý Quang Diệu, ảnh chụp năm 1962 - năm bà Vĩ Linh 7 tuổi - Ảnh: straitstimes.com
Bà Lý Vĩ Linh và ông Lý Quang Diệu, ảnh chụp năm 1980 - Ảnh: straitstimes.com

Ở gia đình, tôi là người có tính khí giống cha nhất, và khi có hai người cá tính mạnh mẽ trong nhà, mọi chuyện có thể trở nên khó kiểm soát.

Đôi khi chúng tôi cãi nhau và không ai chịu nhượng bộ. Năm 2002, một vụ bất đồng như thế đã dẫn tới việc tôi chuyển ra khỏi nhà chúng tôi ở đường Oxley.

Cha muốn tôi, vốn là một người rất ham thể dục, ngừng việc tập thể dục quá nặng vì xương của tôi đã trở nên giòn nên có thể bị gãy xương.

Ông gọi tôi vào thư phòng của ông và ra tối hậu thư với tôi.

“Các bác sĩ nói nếu con cứ tập tành kiểu đó rồi có ngày con sẽ đi tập tễnh mất. Chừng nào con còn ở trong nhà này, cha là người chịu trách nhiệm về sức khỏe của con”, ông nói.

Không muốn bỏ tập thể dục, tôi đã quyết định chuyển ra ngoài sống với anh Long của tôi.

Phản ứng đó có lẽ là điều cha tôi không ngờ tới, nhưng ông đã nhận ra khi đó rằng tôi đã là một người trưởng thành 47 tuổi và có thể tự quyết định mọi chuyện liên quan tới mình.

Năm sau đó, khi tôi nói với cha muốn đi leo núi ở một núi lửa tại Hawaii ngay sau khi tôi rời viện, phản ứng của ông rất khác. “Bảo trọng nghe”. Lần này ông không la mắng gì.

Luôn tiết kiệm

Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu, và dù dư dả, cha mẹ luôn tập cho anh em tôi tiết kiệm ngay từ nhỏ. Chúng tôi phải vặn chặt vòi nước khi tắt. Nếu cha tôi thấy nước nhỏ giọt, chúng tôi sẽ ăn đòn. Khi rời phòng chúng tôi phải tắt đèn và máy điều hòa.

Sự cần kiệm của cha tôi không chỉ dừng lại ở bóng đèn và điều hòa. Khi ra nước ngoài, ông tự giặt đồ lót của mình. Ông luôn nói giá giặt ủi ở các khách sạn năm sao quá cao và ông có thể mua đồ lót mới với giá giặt ủi đó.

Bà Lỹ Vĩ Linh (phải) - Ảnh: photobucket.com

Chúng tôi cũng quen với căn nhà mình đã sống, một căn nhà đã hơn 100 năm tuổi. Chúng tôi lần đầu có một người quản gia là 10 năm trước. Quản gia Teow Seong Hwa khi đó hỏi tôi là cha tôi đã làm việc cật lực nhiều năm rồi, sao ông không tận hưởng chút cuộc sống xa xỉ.

Tôi giải thích chúng tôi thoải mái với căn nhà và đồ đạc cũ. Đời sống xa xỉ không phải là ưu tiên. Chẳng hạn, phòng tôi trong căn nhà đó giờ vẫn còn dùng máy điều hòa kiểu cũ. Tất cả phòng tắm lát gạch bông thời xưa, tiện lợi hơn so với đá cẩm thạch bây giờ, trơn trượt khi bị ướt.

Cha mẹ tôi đều là những người quyết đoán nhưng họ không gây áp lực lên con cái. Họ luôn nhấn mạnh với anh em tôi là chúng tôi không được cư xử như con cái của thủ tướng. Tất cả mọi người, bạn bè, người làm công, nhân viên bảo vệ của cha tôi, và các bộ trưởng trong nội các, chúng tôi đều tôn trọng như nhau, đều là bạn của chúng tôi.

Khi những người lạ không biết có hỏi cha tôi là ai, tôi chỉ nói với họ là ông ấy làm việc cho nhà nước.

Cha vẫn nói tôi là người giống ông hơn cả nhưng ông cũng cho rằng đó không chắc là điều tốt. Ông từng nói với tôi: “Con không may vì con có gen của cha, nhưng ở một mức độ mạnh mẽ quá khiến nó trở thành điều bất lợi với con”.

Tôi đành chịu thế thôi.

 Lý Hiển Dương: Cha cho lời khuyên nhưng để chúng tôi tự quyết định 

Con út Lý Hiển Dương mô tả cha mình - ông Lý Quang Diệu, luôn theo bước những gì các con làm và đưa ra lời khuyên nhưng rồi để các con tự quyết định.

Ông Hiển Dương và vợ, bà Lim Suet Fern - Ảnh: The Straits Times

Ông Lý Hiển Dương (bìa phải) trong đám cưới của ông - Ảnh: sammyboy.com

Ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang), 57 tuổi, là con út của cố thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và hiện là chủ tịch Cục Hàng không dân dụng Singapore.

Ông Lý Hiển Dương đã quyết định không nối nghiệp chính trị của cha. Ông tự lập một sự nghiệp riêng cho mình trong giới doanh nghiệp. Nhưng không phải là cha mẹ ông không tìm cách gây ảnh hưởng tới ông trong hành trình cuộc đời.

Khi quyết định chọn trường đại học hồi những năm 1980, ông Lý Hiển Dương đã không chọn Đại học Harvard, nơi cha ông từng là một nghiên cứu sinh hồi năm 1968 và anh trai ông Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) lấy bằng thạc sĩ về quản trị công.

Để thuyết phục ông Lý Hiển Dương vào học trường đó, cha mẹ đã gửi cho ông một loạt bài báo về việc “Harvard là một trường đại học tuyệt vời thế nào” và “có ý nghĩa thế nào với những người theo học”.

Dẫu vậy, ông Lý Hiển Dương vẫn chọn hoàn tất chương trình thạc sĩ về quản trị của ông ở Đại học Stanford.

Ông Hiển Dương mới 2 tuổi khi cha ông trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore vào năm 1959. Ông vẫn hay lon ton theo cha ở sân golf chín lỗ Istana mỗi buổi tối và cả các sự kiện vào ban ngày trên đường Oxley.

Ông Lý Hiển Dương (ngồi trên tay vịn ghế) khi còn nhỏ bên gia đình. Ông Lý Quang Diệu đánh cờ với con cả Lý Hiển Long trong khi bà Kha Ngọc Chi và con gái Lý Vĩ Linh đứng xem - Ảnh: singapolitics.sg

Cả hai con trai của vợ chồng thủ tướng gia nhập quân đội Singapore và đều đeo hàm chuẩn tướng. Ông Hiển Long rời quân đội năm 1984 để khởi nghiệp chính trị, trong khi ông Hiển Dương xuất ngũ năm 1996 để chuyển sang làm tư nhân. Chính trị không phải là sở trưởng của ông, ông Hiển Dương giải thích.  

Ông đã lập gia đình với luật sư Lim Suet Fern, 56 tuổi. Họ có với nhau ba người con trai: Li Shengwu, 30 tuổi, Li Huanwu, 28 tuổi và Li Shaowu, 20 tuổi.

“Cha cũng có khuyến khích tôi làm chính trị, nhưng tôi không nghĩ đó là điều mình muốn theo đuổi. Làm chính trị phải có đam mê - ông nói - Tôi chưa bao giờ nghiêm túc với chính trị. Tôi không hiểu tại sao mọi người cứ nghĩ vì tôi là con của cha nên tôi cũng phải thành chính trị gia”.

Ông thừa nhận là con trai của Lý Quang Diệu cũng có phần gánh nặng và áp lực. “Một số người sẽ nói tôi có những cơ hội vì là con của cha tôi - ông nói - Tôi thì nghĩ mình đã nỗ lực làm việc để đạt được điều đó, cũng là điều mà cha mong đợi ở tôi”.

Đã thành nguyên tắc sống, ông không bao giờ nhắc tới mối quan hệ với cha mình. “Tôi khó chịu khi báo chí, ngay cả tận bây giờ, khi nhắc tới tôi họ sẽ nói tôi là con của cựu thủ tướng và em của thủ tướng đương nhiệm. Nhưng điều đó thì liên quan gì tới việc tôi đang làm?”.

Mời bạn đọc xem video Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói về cha mình: 

Mời bạn đọc xem:

>> Kỳ 1: 
>> Kỳ 2: 
>> Kỳ 3: 
>> Kỳ 4: 

CHIÊU VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp