31/01/2024 18:55 GMT+7

Ly kỳ vụ đòi quyền nuôi con sau ly hôn vì vợ cũ có gia đình mới

Phán quyết của hai cấp tòa án trong vụ kiện yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn hoàn toàn trái ngược nhau.

Theo hội đồng xét xử, sau ly hôn thì cha và mẹ có trách nhiệm đảm bảo cho con chung một cuộc sống bình an, tránh gây xáo trộn cho trẻ - Ảnh minh họa

Theo hội đồng xét xử, sau ly hôn thì cha và mẹ có trách nhiệm đảm bảo cho con chung một cuộc sống bình an, tránh gây xáo trộn cho trẻ - Ảnh minh họa

Ngày 31-1, Tòa án nhân dân TP.HCM xử phúc thẩm vụ "thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" giữa nguyên đơn là ông Phạm Hồng Đoàn (44 tuổi) và bị đơn là bà Trần Phương (37 tuổi) đã sửa bản án sơ thẩm theo hướng ngược lại tuyên xử của tòa sơ thẩm.

Đòi lại quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn

Ông Đoàn và bà Phương đã ly hôn từ năm 2017. Theo quyết định ly hôn, hai bên thống nhất bà Phương trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu P.H.T. (sinh năm 2016), không yêu cầu cấp dưỡng.

Sau đó, ông Đoàn kiện đề nghị Tòa án nhân dân quận Tân Bình giải quyết cho ông được quyền trực tiếp nuôi dưỡng con vì cho rằng bà Phương đã kết hôn và lập gia đình mới với người nước ngoài, đồng thời đã có con riêng nên điều kiện chăm sóc cháu T. bị hạn chế, tình cảm bị san sẻ nên ảnh hưởng đến tâm sinh lý.

Theo ông Đoàn, cháu T. đang học trường quốc tế, sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Pháp nên khi cháu chuẩn bị vào lớp 2 vẫn không biết tiếng Việt. T. cũng có biểu hiện suy dinh dưỡng, chậm phát triển về thể chất, tinh thần.

Ông Đoàn cho rằng việc cháu được nuôi dạy bằng văn hóa nước ngoài là đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của người Việt nên việc đổi sang cho ông trực tiếp nuôi dưỡng là phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt.

Trong khi đó, phía bà Phương không chấp nhận yêu cầu của ông Đoàn và khẳng định quyền thăm nom của ông Đoàn không bị hạn chế. Ngược lại ông Đoàn làm xáo trộn cuộc sống của con, đòi thăm con lúc con đang đi học, đi du lịch… nên bà không đồng ý.

Bị đơn khẳng định cháu T. được nuôi dạy trong điều kiện tốt và ổn định, hiện T. đang học trường quốc tế, có thể giao tiếp được ba ngôn ngữ Việt, Pháp, Anh. 

Điều kiện sức khỏe của T. qua kết quả kiểm tra của bệnh viện cũng thể hiện cháu phát triển bình thường.

Thời điểm giải quyết vụ án, T. chưa đủ 7 tuổi nên tòa án chưa thể xem xét nguyện vọng, ý kiến của cháu.

Tại bản án sơ thẩm ngày 29-9-2023 của Tòa án nhân dân quận Tân Bình cho rằng điều kiện kinh tế để nuôi con của hai bên là như nhau, nhưng T. là con trai trong giai đoạn trưởng thành cần sự quan tâm, giáo dục, chia sẻ từ cha. 

Hiện bị đơn đã có gia đình mới nên tình thương bị chia sẻ, không tránh khỏi những tổn thương về tinh thần của trẻ khi không có cha ruột bên cạnh.

Từ đó, Tòa án nhân dân quận Tân Bình cho rằng bà Phương không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con nên chấp nhận yêu cầu của ông Đoàn, giao con cho ông Đoàn trực tiếp nuôi dưỡng.

Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Bình đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng sửa án, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Đồng thời, bị đơn cũng có đơn kháng cáo.

Tòa phúc thẩm: tòa sơ thẩm nhận định chủ quan

Theo hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, việc cấp sơ thẩm cho rằng bị đơn có gia đình mới nên tình cảm bị chia sẻ khiến cháu T. bị tổn thương tinh thần là nhận định chủ quan.

Quá trình xem xét phúc thẩm, vào ngày 13-12-2023, bằng phương pháp phù hợp với quy định, tòa án đã tiếp xúc và ghi nhận ý kiến của cháu T. thì cháu cho biết vẫn thích cha đến chơi nhưng không muốn sống cùng cha.

"Việc nuôi con sau ly hôn thì cha và mẹ có trách nhiệm và nghĩa vụ không chỉ là đem lại vật chất cho con mà phải cho trẻ một cuộc sống bình an, bù đắp tinh thần để trẻ không mặc cảm, tạo sự ổn định để cho trẻ có cuộc sống vui tươi, bình yên, không được xáo trộn về tinh thần, về việc học tập cũng như những mối quan hệ của trẻ. Hai bên cần bình tĩnh, thấu đáo, đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết", hội đồng xét xử nhận định.

Cấp phúc thẩm cho rằng tòa sơ thẩm thay đổi người trực tiếp nuôi con là không phù hợp, dễ dẫn đến sự xáo trộn về môi trường sống, về tâm sinh lý của trẻ, do vậy cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân quận Tân Bình.

Từ đó, cấp phúc thẩm tuyên xử bà Phương tiếp tục trực tiếp nuôi con. Trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng trẻ thì người trực tiếp nuôi con có quyền đề nghị tòa án hạn chế quyền thăm nom.

* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi.

Chồng cũ cưới vợ mới, tôi muốn kiện đòi lại quyền nuôi con được không?Chồng cũ cưới vợ mới, tôi muốn kiện đòi lại quyền nuôi con được không?

TTO - Tôi và chồng cũ đã ly hôn, tòa xử cho chồng nuôi con. Nay chồng cũ tôi cưới vợ mới, không tự nuôi con mà giao cho em chồng nuôi ở nơi khác. Vậy tôi có được đòi lại quyền nuôi con không? (N.T.L., số điện thoại: 09786xxx)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp