Thường ngày, các câu chuyện trong nhóm chỉ là những chuyện vui của con cái, cách thức nuôi con khỏe và dạy con thông minh... nhưng nay vấn đề đặt ra theo một hướng khác, dành cho người đang trải qua một cuộc hụt đổ hôn nhân.
Câu hỏi này không mới nhưng có lẽ luôn "nóng" trong suy nghĩ của từng người, và dù không nằm trong trường hợp của mình, mọi người vẫn cho ý kiến. Tất nhiên vẫn thường xuất hiện hai "phe", có thể và không nên. Ai cũng có lý do riêng.
Ví dụ như một ông bố ở Quảng Bình chia sẻ: "Đã chia tay chắc chắn có chuyện không vui, hai người còn gặp gỡ làm gì nữa, hãy để cho mỗi người có một cuộc đời mới, vui buồn hơn gì cũng là chuyện cá nhân của người ấy".
Chị Thủy, mẹ đơn thân ở Đà Nẵng, thì cho rằng: "Tôi nghĩ vẫn có thể làm bạn. Đấy là một sự văn minh trong ứng xử giữa hai người đã từng thương yêu, từng có hôn ước và mong muốn đi trên con đường hạnh phúc đến cuối đời".
Theo chị Thủy, hôn nhân có muôn ngàn lý do để dẫn tới đổ vỡ, nhưng người trong cuộc không nên vì không còn sống chung mà quay lưng, trở thành người xa lạ hay ghét, hận nhau.
Phản đối điều này, anh Thắng ở TP.HCM nêu quan điểm: "Không phải bao giờ kết thúc hôn nhân mà làm bạn cũng là văn minh. Đó thực ra là sự yếu đuối, còn không thể dứt khoát hoặc cũng có thể là tiếc nuối điều gì đó. Nếu có thể, tôi nghĩ cần có ranh giới nhất định trong mối quan hệ giữa hai người từng là vợ chồng sau khi ly hôn để tránh những gượng gạo, mệt mỏi".
Cuộc tranh luận và nêu ý kiến dài hơn bởi những câu chuyện cá nhân mà những người trong nhóm chia sẻ biết được, muốn tư vấn cho Hằng. Tôi dừng lại vài nhịp và hỏi sâu hơn về thực tế của mối quan hệ chồng cũ sau chia tay của họ. Cả hai đã có với nhau một cháu nhỏ 5 tuổi.
Khi có con, nhiều vấn đề trong cuộc sống xảy đến, phát sinh, giữa họ có những mâu thuẫn mà không kịp giải quyết, chưa được chuyển hóa thì đã có ngay mâu thuẫn mới. Mệt mỏi chồng lên nhau và ai cũng stress vì nghĩ rằng "bên kia không hiểu mình".
Tiếc là họ đã ly hôn. Nhưng sự việc của Hằng và chồng thực sự không đến mức phải chấm hết hôn nhân, chỉ cần họ chịu ngồi xuống để lắng nghe và cùng tháo gỡ. Nếu cả hai đã phản bội hoặc có những hành xử thô lỗ, gây đau khổ, tổn thương sâu sắc người kia thì việc chia tay là tất yếu.
Còn chưa tìm thấy tiếng nói chung khi cuộc sống hôn nhân có nhiều bất hòa mà cả hai không đủ thời gian, chưa cho nhau cơ hội thì việc dừng lại như một khoảng lắng để xem xét.
Có thể trở thành bạn sau đó để cùng chăm sóc con, để con cái thấy mình vẫn còn đủ ba mẹ. Và nếu có thể, "yêu thêm lần nữa" cũng là một cách hay, trong trường hợp cụ thể của Hằng.
Thực ra, hậu ly hôn chỉ được ứng xử văn minh với nhau khi trong suốt quá trình hôn nhân dẫu vui buồn, hạnh phúc thì cả hai cũng văn minh, tôn trọng nhau. Ngược lại, khi cả hai hoặc một bên đã có những hành xử đi quá giới hạn chấp nhận thì ly hôn là tất yếu và con đường trở thành bạn của nhau sau đó có lẽ cũng không dễ dàng nếu không muốn nói là không thể.
Trong trường hợp quá tổn thương nên buộc phải thoát ra, con người ta chỉ có thể nguôi, quên và xây lại cuộc đời mình vui vẻ hơn ở trong một môi trường khác, với con người mới phù hợp hơn mà thôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận