14/04/2014 11:15 GMT+7

Lý do trẻ dễ dị ứng và hen suyễn

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) 
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) 

TT - Quan sát từ phòng khám nhi, chúng tôi nhận thấy tình trạng trẻ em mắc các bệnh dị ứng (mề đay, chàm, viêm mũi dị ứng...) và hen suyễn gia tăng.

BiOQiBt2.jpg
Trẻ em cần vận động ngoài trời để hấp thụ thêm vitamin D - Ảnh: Thuận Thắng

Di truyền là một nguyên nhân cho các nhóm bệnh này. Tuy nhiên, bệnh dị ứng và hen suyễn gia tăng ở nhiều trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng hay hen suyễn.

Có một số giả thuyết giải thích hiện tượng này như sau.

Béo phì và suyễn

Y học đã chứng minh việc thay đổi lối sống và vận động dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh mãn tính không lây, trong đó có thừa cân béo phì. Hiện nay tỉ lệ thừa cân béo phì tại các đô thị lớn đã vượt xa tỉ lệ suy dinh dưỡng. Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh dị ứng và hen suyễn thông qua nhiều cơ chế, gồm sự tương đồng gen giữa béo phì và bệnh hen suyễn, béo phì làm giảm chức năng hô hấp do làm gia tăng kháng lực đường thở.

Đặc biệt là mô mỡ dư thừa trong bệnh béo phì thúc đẩy cơ thể gia tăng sản xuất các chất gây viêm adipokine không có lợi cho sức khỏe như TNF alpha, IL-6 và leptin. Chế độ ăn nhiều chất béo và tinh bột cũng làm gia tăng stress oxy hóa và phản ứng viêm toàn thân. Ngoài khả năng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, béo phì cũng là một yếu tố làm việc khó kiểm soát trong điều trị hen suyễn. Do đó việc giảm cân giúp trong cả phòng và kiểm soát hen suyễn.

Thiếu vitamin D và hen suyễn

Vai trò cơ bản của vitamin D là trong chuyển hóa canxi và phospho trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến quá trình tạo xương ở cơ thể. Tuy nhiên, gần đây y học phát hiện nhiều chức năng khác của vitamin D trong phòng chống các bệnh mãn tính không lây, cần thiết cho phổi và phát triển hệ miễn dịch. Thiếu vitamin D được chứng minh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn. Trẻ em ngày nay được cho đi học từ sáng sớm, lại ít được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nên gia tăng nguy cơ thiếu vitamin D. Để phòng tránh thiếu vitamin D cần cho trẻ thường xuyên tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhẹ, sử dụng thực phẩm có bổ sung vitamin D.

Trẻ quá sạch

Trẻ em ngày nay sống trong điều kiện vệ sinh tốt hơn nhiều so với trước đây. Song, nếu trẻ ít tiếp xúc với các tác nhân vi sinh khác nhau thì hệ miễn dịch của trẻ ít được “huấn luyện” để nhận biết yếu tố nào là có hại và vô hại.

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ sống vùng nông thôn, trẻ sống trong gia đình có nuôi thú cưng như chó mèo, trẻ có anh chị em lớn hơn lại ít có nguy cơ mắc bệnh dị ứng và hen suyễn hơn. Lý do là hệ vi sinh của trẻ đa dạng với nhiều vi sinh có lợi cho sức khỏe và giảm các vi sinh không có lợi cho sức khỏe vì được tiếp xúc chéo vi sinh từ thú nuôi trong nhà; từ anh chị lớn do anh chị có tiếp xúc vi sinh từ đất, không khí và từ bạn bè trong trường học. Do vậy, ở những trẻ không có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng và hen suyễn, gia đình nên mạnh dạn cho trẻ chơi bên ngoài để tiếp xúc với đất, không khí và nuôi thú cưng như chó, mèo trong gia đình.

Sử dụng kháng sinh sớm

Sử dụng kháng sinh sớm làm đảo lộn hệ vi sinh đường ruột tự nhiên và là nguyên nhân dẫn đến gia tăng nguy cơ mắc bệnh dị ứng và hen suyễn. Để phòng tránh điều này, phụ huynh không nên tự ý mua kháng sinh cho trẻ uống khi có sốt ho, mà cần đi khám để được sự chỉ định đúng của bác sĩ. Nhiều trường hợp cảm hay cúm không cần dùng kháng sinh.

Xử trí dị ứng

Trong năm đầu đời, các bé có thể dị ứng với những tác nhân khác nhau.

Khi bé có dấu hiệu mẩn đỏ da, phụ huynh nên đưa đến khám tại các cơ sở y tế sớm để phát hiện nguyên nhân và điều trị thích hợp. Tránh sử dụng các biện pháp dân gian chưa được xác thực qua chứng cứ y khoa như thoa dầu, bôi sữa mẹ, thảo dược... Cũng không nên tự ý mua các thuốc dạng bôi chứa corticoid tại nhà thuốc để điều trị cho bé.

Tùy theo nguyên nhân, các giải pháp dưới đây có thể giúp phụ huynh xử trí tình trạng dị ứng cho bé.

1. Dị ứng sữa công thức (sữa chế phẩm từ bò, dê...): Sau khi bú, da mẩn đỏ càng nhiều và lan rộng, nhất là vùng hai má. Khi nặng có thể bội nhiễm mủ và rướm máu. Nên ngưng sữa đang bú. Tốt nhất là cho bú sữa mẹ hoàn toàn. Khi bất khả thi phải dùng sữa công thức, nên chọn những sữa đã loại thải các phần tử protein gây dị ứng. Phần lớn loại sữa này có vị hơi đắng và khó uống, nhưng từ từ có thể bé sẽ dần thích nghi dù phải dung nạp “vị đắng đầu đời”. Khi bé không còn dị ứng bởi các protein có trong sữa bò, bé sẽ ngủ ngon hơn, các dấu mẩn đỏ giảm dần và biến mất. Thông thường khoảng vài tuần đến vài tháng, da bé sẽ trở lại như bình thường.

2. Dị ứng do bụi, phấn hoa, phấn bôi, nước hoa, dầu gội - tắm: Nên hút bụi thường xuyên nơi bé sinh hoạt và ngủ. Không nên cho bé ra vườn chơi quá lâu và nhiều lần trong ngày, nhất là thời điểm có nhiều cây ra hoa cũng như mùa sinh nở của sâu bọ, bướm... Hạn chế dùng phấn bôi hăm kẽ và nước hoa khi không cần thiết. Chọn lựa các sản phẩm dầu gội - tắm ít chất kiềm để tránh khô da và dị ứng, trên bao bì thường ghi: herbal (nguồn gốc từ thảo mộc) hoặc natural (tự nhiên).

3. Dị ứng thức ăn: Thường gặp ở lứa tuổi bắt đầu ăn giặm (trên 6 tháng tuổi). Sau khi dùng các thức ăn gây dị ứng, da bé sẽ mẩn đỏ, có thể ở mặt, lan ra tay chân, ngực bụng hoặc toàn thân khi phản ứng nặng. Trường hợp nặng, bé có thể khò khè và khó thở. Nên đưa bé đi khám cấp cứu ngay. Xử trí thông thường là ngưng thức ăn nghi ngờ dị ứng. Ngoài ra, trẻ có thể bị dị ứng do quá trình bảo quản thực phẩm. Tốt nhất nên chọn các thực phẩm sạch (kể cả rau quả, trái cây) tại các nơi bán có uy tín.

4. Dị ứng do tiếp xúc: Nếu do đeo khuyên, vòng tay... nên tháo các vòng kim loại để tránh tiếp xúc. Khuyên người nhà không nên hôn, sờ má bé, vì miệng và tay của mọi người chứa rất nhiều loại vi trùng, trong khi sự đề kháng của bé còn yếu và da lại rất nhạy cảm.

5. Dị ứng với nước khi tắm: Nếu nước sẫm màu có thể do nhiễm phèn hoặc tạp chất; nếu nước màu xanh lá phía dưới đáy là dấu hiệu nhiễm rong rêu... nên súc rửa các bồn chứa nước sạch sẽ. Nếu nước sạch nhưng có nặng mùi do thuốc sát khuẩn, không nên cho bé tắm ngay mà chờ ít nhất vài giờ để nước giảm bớt nồng độ hóa chất.

6. Dị ứng thuốc: Sau khi dùng thuốc, bé mẩn đỏ da. Nếu nghi ngờ dị ứng thuốc phải ngưng ngay, không nên cho uống tiếp vì rất nguy hiểm. Cần cho bé khám ngay để xử trí dị ứng và thay thế bằng loại thuốc khác để trị bệnh đang mắc phải. Các thuốc gây dị ứng thường gặp là kháng sinh, thuốc ho, sổ mũi và ngay cả thuốc hạ sốt.

BS MAI VĂN BÔN

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp