
Một góc thành phố Việt Trì nhìn từ trên cao - Ảnh: TÙNG VY
Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc vừa đăng tài liệu lấy ý kiến cử tri về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình) và cấp xã của tỉnh.
Theo dự thảo, đề án hợp nhất ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, thành lập tỉnh Phú Thọ mới, trung tâm hành chính - chính trị đặt tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay.
Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao phát triển
Dự thảo nhấn mạnh việc lựa chọn Phú Thọ là tên gọi tỉnh mới và đặt trung tâm chính trị tại thành phố Việt Trì được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh.
Cụ thể về vị trí địa lý - giao thông, Phú Thọ nằm ở vị trí trung tâm kết nối ba tỉnh (Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hòa Bình), có hạ tầng giao thông đồng bộ, liên kết thuận lợi với vùng thủ đô và các tỉnh Tây Bắc, là điểm trung chuyển quan trọng giữa miền núi và đồng bằng.
Về năng lực phát triển, Việt Trì là đô thị loại I, từng là trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc trước đây. Phú Thọ có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, đã và đang hình thành hệ thống khu công nghiệp, đô thị, du lịch và dịch vụ quy mô lớn, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Về hệ thống thiết chế hạ tầng - xã hội, Phú Thọ có hệ thống y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa phát triển, đủ năng lực phục vụ người dân cả khu vực. Các cơ sở đào tạo đại học, bệnh viện chuyên sâu và các trung tâm thể thao - du lịch góp phần tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của tỉnh mới.
Về văn hóa - lịch sử, Phú Thọ là vùng đất tổ cội nguồn dân tộc Việt Nam, với các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đây là yếu tố quan trọng về mặt tinh thần, bản sắc và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Về quốc phòng - an ninh, Phú Thọ là địa bàn trọng yếu, đóng quân của Quân khu 2 và nhiều cơ quan Trung ương, có vai trò chiến lược trong bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc và vùng thủ đô.
Đối với hiệu quả quản lý phát triển vùng, việc đặt trung tâm tỉnh tại Phú Thọ giúp mở rộng không gian phát triển mới, khai thác đồng bộ hạ tầng vùng, giảm áp lực cho Hà Nội, thúc đẩy liên kết vùng, phù hợp với định hướng phát triển của quy hoạch vùng thủ đô và nghị quyết 11-2022 của Bộ Chính trị.
Hợp nhất ba tỉnh tăng thu ngân sách, tạo việc làm cải thiện đời sống nhân dân
Về tác động tích cực khi hợp nhất ba tỉnh, theo dự thảo, việc giảm 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ tinh giản đầu mối quản lý, giảm trùng lặp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tiết kiệm chi phí hành chính, đồng thời sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm.
Việc hình thành một tỉnh lớn với quy mô kinh tế lớn hơn sẽ nâng cao vị thế, năng lực điều hành và sức cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, nhân lực chất lượng cao.
Từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân và giảm chênh lệch phát triển giữa các vùng trong tỉnh mới...
Đối với tác động tiêu cực trong ngắn và trung hạn, dự thảo đề án nhận định việc sáp nhập sẽ làm phát sinh số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, gây áp lực lớn trong việc bố trí, sắp xếp lại tổ chức, đảm bảo đúng quy định, minh bạch, khách quan và tránh xáo trộn tâm lý trong đội ngũ.
Đồng thời người dân và doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong tiếp cận cơ quan hành chính mới, làm giấy tờ, thủ tục, đặc biệt là tại các vùng xa trung tâm mới của tỉnh.
"Việc thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, thông tin giấy tờ cá nhân và tổ chức... có thể gây xáo trộn nhất định trong đời sống xã hội, tác động đến tâm lý người dân, nhất là những địa phương có truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời.
Bên cạnh đó, khác biệt về phong tục, tập quán, bản sắc vùng miền nếu không được điều tiết hài hòa có thể tạo ra tâm lý 'chia rẽ mềm' giữa các khu vực sau sáp nhập" - dự thảo đề án nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận